"Bà mẹ một con vô địch SEA Games" là câu nói trở nên quen thuộc với những người theo dõi điền kinh Việt Nam. Đều đặn từ năm 2015 đến nay, Nguyễn Thị Huyền ở kỳ SEA Games nào cũng giành được không dưới 2 tấm huy chương vàng về cho đoàn thể thao Việt Nam. Khoảng thời gian dài nghỉ thi đấu để sinh con không làm gián đoạn chuỗi chiến thắng của cô gái sinh năm 1993 ở đấu trường khu vực.
Ở tuổi 30, Nguyễn Thị Huyền vẫn bỏ túi 2 tấm huy chương vàng ở SEA Games 32. Cô trở thành vận động viên giành HCV điền kinh nhiều nhất trong lịch sử đại hội.
- Xin chào Nguyễn Thị Huyền. Chúc mừng bạn có thêm một kỳ SEA Games thành công.
Tôi vẫn có gì đó lâng lang, hạnh phúc và cảm giác trong lúc vừa thi đấu xong. Tôi thực sự rất hạnh phúc với những gì mình có được. Tôi xin cảm ơn tất cả thầy cô, đồng đội, gia đình và đặc biệt là người hâm mộ luôn ủng hộ tôi.
Tôi hài lòng nhất là nội dung 400 mét rào nữ, thành tích vẫn rất tốt. Sau khi sinh con, đây là thành tích tốt nhất của tôi. Trước hôm đó, thành tích của tôi chưa thực sự tốt, tôi không hài lòng. Quá trình tập luyện, tôi tập khá ổn nên đến nội dung 400 mét thành tích không tốt thì tôi hơi buồn.
Nhưng, tôi nghĩ chuyện đó không ảnh hưởng quá nhiều. Một VĐV chuyên nghiệp cần thích ứng với mọi hoàn cảnh, kể cả thất bại. Có những khó khăn đó, mình chậm một chút. Bản thân không hài lòng với kết quả đó thì chỉ có cách là phải nỗ lực hơn nữa.
- Cái tên Nguyễn Thị Huyền bây giờ được nhắc đến là kỷ lục gia của SEA Games về số lượng huy chương môn điền kinh. Bạn có tự hào về điều đó?
Nói thật là tôi chưa biết rằng mình đạt được bao nhiêu huy chương vàng và số lượng huy chương nhiều nhất cho điền kinh Việt Nam là bao nhiêu. Tôi chỉ biết phấn đấu, phấn đấu và phấn đấu cho từng giải, từng đại hội. Tôi cố gắng chinh phục từng tấm huy chương vàng ở từng nội dung chứ không nghĩ quá nhiều.
- Truyền thông và người hâm mộ nhắc đến Nguyễn Thị Huyền với hình ảnh “bà mẹ một con trên đường chạy”. Nhưng sau khi sinh em bé, bạn vẫn đều đặn gianh HCV SEA Games. Việc nghỉ thi đấu để sinh em bé có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn khi thi đấu không?
Ảnh hưởng khá nhiều. Với nội dung 400 mét vượt rào, các vận động viên cần cả sức bền lẫn tốc độ. Tôi cảm nhận rằng mình mất tốc độ rất nhiều, nhất là tốc độ giữa quãng, khoảng thời gian mà tôi lên rào.
Khi tôi chưa sinh con, sức mạnh tốc độ của tôi rất tốt, lên rào rất nhanh, tốc độ xuống rào cũng rất nhanh. Sinh con xong, tôi không còn thể hiện được nhiều về điểm mạnh nhất.
- Năm ngoái ở SEA Games 31, hình ảnh Nguyễn Thị Huyền bế con trên đường chạy sau khi giành huy chương vàng gây xúc động với người hâm mộ. Đó có phải khoảnh khắc giành huy chương đặc biệt nhất với bạn?
Chính xác như vậy. Có con là điều thiêng liêng với một người phụ nữ, tôi luôn hạnh phúc bởi bé đã chào đời và đến bên vợ chồng tôi.
Cảm xúc đó ngày xưa tôi không có được. Để giành HCV thì sự vất vả, mệt mỏi. Khi tôi đang ở đỉnh cao phong độ, ở tuổi chưa sinh con, mọi thứ rất khác biệt. Là VĐV chuyên nghiệp, càng khó khăn thì càng phải chinh phục thử thách. Khi mình giành được tấm HCV như vậy thì càng ý nghĩa hơn.
Đó là khoảnh khắc đặc biệt, khó có thể lặp lại được. Sang Campuchia, tôi rất tập trung để thi đấu. Ngay ở kỳ SEA Games lần trước ở sân nhà, gần lúc thi đấu xong thì tôi mới bảo chồng đưa con lên, chủ yếu nhìn thấy con cho đỡ nhớ chứ không phải vì khoảnh khắc đặc biệt nào cả.
Còn ở kỳ SEA Games lần này, thời tiết khá khắc nghiệt, tôi chỉ muốn tập trung thi đấu tuyệt đối. Cũng khá lâu rồi tôi chưa gặp con. Tôi nhớ bé.
- Trên mạng xã hội, Huyền thường xuyên đăng tải ảnh bé. Khán giả thì hay bình luận rằng “Huyền chạy nhanh còn về thăm con”. Đây có phải động lực của bạn?
Đúng rồi. Trước khi tôi thi đấu, tôi thường xuyên hay xem video về con, gọi điện về cho con, nhìn ảnh con. Đó là động lực của tôi phải cố gắng lên để có thể về thăm con. Tôi có phải có thành tích đặc biệt để sau này con mình nhìn lại, khi lớn lên nhìn thấy mẹ có gì đó để thật tự hào về mẹ của mình.
- Huyền có quãng thời gian dài với thể thao, đâu là kỉ niệm khiến Huyền không thể nào quên?
Tôi có 15 năm tập luyện và thi đấu. Tôi nghĩ rằng mình không thể nào quên những kỉ nhiệm vào năm 2019 tại Philippines. Cứ nhắc đến là tôi nhớ ngay, không quên được, quá nhiều khó khăn. Khi ấy, tôi mới sinh con trở lại, rất vất vả. Một người phụ nữ mới sinh được 3 tháng, sinh mổ đã phải tập lại ngay.
Mọi người trêu tôi rằng phải mang cả thế giới trên vai. Người tôi rất nặng, tập lại là chân tay rất đau, muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, tôi đã đặt mục tiêu thì không thể dễ bỏ cuộc đến vậy. Tôi phải cố gắng nhiều hơn để có thành tích. Tôi không nghĩ mình giành HCV cá nhân ở SEA Games 30, tôi chỉ mong huy chương ở nội dung tiếp sức. Nhưng may mắn, tôi đã làm được điều này.
Những người theo dõi tôi lần đầu tiên thấy tôi khóc khi giành HCV, khi hát Quốc ca, tôi nghĩ đến những quãng thời gian mình đã trải qua. 5-6 tháng tôi đã tách con ra để không gần con nữa rồi hướng tới việc tách hẳn con ra. Thực sự rất nhớ con.
- So với nỗi đau trên cơ thể so với nỗi nhớ con, điều gì đáng sợ hơn?
Tôi nghĩ rằng là nỗi nhớ con. Đau cơ thể thì cũng tuỳ từng thời điểm nhất định, nhưng nỗi nhớ con lúc nào cũng xuất hiện. Tôi nghĩ đến việc con mình còn nhỏ quá, đáng lẽ được gần mẹ thì phải tách con ra. Thương vô cùng nhưng tôi không biết làm sao bù đắp được. Tôi phải tập luyện tốt để bù đắp, đó là cách tốt nhất.
- Con của Huyền có thể đến lớp và khoe với cô giáo và các bạn về mẹ chưa?
Có chứ, bạn ấy luôn khoe với mọi người.Trong lúc thi đấu, con tôi gọi tất cả bạn bè hàng xóm sang xem mẹ chạy trên ti vi. Bé nhà Huyền khoe nhìn thấy mẹ trên ti vi và còn cổ vũ tôi cố lên, khen tôi giỏi lắm. Bé nhà tôi hiểu chuyện, nên bé có nhiều hành động khiến tôi cũng ngỡ ngàng.
Có lúc tôi về Nam Định tập huấn, bé đi học xong thì ra sân tập. Bé lấy nước cho tôi uống và bảo tôi hãy cố lên rồi hôn tôi. Tôi thực sự cảm động.
- Kỳ SEA Games tiếp theo, bạn vẫn tiếp tục chứ?
Rất nhiều người đặt câu hỏi cho tôi. Tôi cũng từng chia sẻ, mình đã 30 tuổi, cũng lớn tuổi rồi, sức khoẻ không được như trước. Mục tiêu của tôi là từng giải đấu, khi SEA Games 31 trên sân nhà, tôi lại đặt mục tiêu cho kỳ SEA Games tiếp theo.
Tôi thi đấu lâu rồi, có kinh nghiệm nên cảm nhận được cơ thể. Tôi hy vọng mình đáp ứng được bài tập. Nội dung của tôi đòi hỏi nhiều thể lực, tốc độ, thiếu một trong hai cũng không thể được. Tôi vẫn muốn cống hiến nhiều hơn nữa.
- Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này.