Khi nhà vô địch SEA Games kiêm "doanh nhân": Kỷ niệm khó quên khi một ngày mất vài chục triệu, vừa thi đấu vừa lo "vợ đẻ"

VĐV đấu kiếm Vũ Thành An là một trong những gương mặt nổi trội nhất của thể thao Việt Nam trong những năm gần đây. Đằng sau những thành công trên sàn đấu, ít ai biết tay kiếm sinh năm 1992 còn là một "nhà kinh doanh" từng làm đủ thứ trên thương trường.

Kể từ sau SEA Games 2019 với hai chiếc huy chương vàng được thêm vào bộ sưu tập vốn đã "chật nhà", VĐV đấu kiếm Vũ Thành An trở nên bận rộn hơn hẳn khi đón đứa con đầu lòng. Vừa phải tập luyện, vừa lo chuyện kinh doanh, tính toán để dành thời gian cho gia đình, Thành An như "quay cuồng" kể cả là ngày chủ nhật.

Cũng bởi thế, cuộc phỏng vấn này buộc phải diễn ra lúc 11h30 đêm, khi mọi công việc tạm dừng, Thành An có thể ngồi xuống nghỉ ngơi và trò chuyện về cuộc sống bên ngoài sàn đấu, phòng tập.

- PV: Chào Vũ Thành An, cuộc sống hiện tại của anh như thế nào sau khi đón “thiên thần nhỏ”?

Vũ Thành An: Khi có thêm em bé thì thay đổi rất nhiều, từ cách suy nghĩ. Như ngày xưa nhiều lúc có công việc mình cũng không muốn làm nhưng bây giờ có em bé rồi, tự nhiên mình phải có ý thức hơn về tất cả mọi việc. Ngày xưa thậm chí lúc có việc kiếm ra tiền mình cũng có khi lười, không muốn làm nhưng bây giờ thì mình phải suy nghĩ nhiều hơn, ví dụ đơn giản là làm thế nào để em bé có ô tô để đi cho an toàn hơn. Việc nhỏ như mua sắm cũng vậy, ngày trước mình sống đơn giản, như thế nào cũng được nhưng bây giờ thì mình phải sắm sửa và nghĩ cho vợ con nữa.

- Thời điểm SEA Games diễn ra cũng là lúc vợ anh gần sinh, lúc ấy cảm giác của anh thế nào?

Kỳ SEA Games vừa rồi phải nói là áp lực nhất từ trước đến giờ. Vì ngoài thành tích thì còn áp lực về việc vợ mình sắp sinh. Mình lo nhất là có thể khi vợ đẻ sẽ không có chồng ở nhà nên lần này áp lực khi thi đấu nó nhân đôi lên, cực kỳ căng thẳng. Trước đây mình thi đấu thoải mái lắm, nhưng lần này thì quả thực là áp lực quá nhiều. Mình bồn chồn, lo lắng từng ngày một. Khi thi đấu xong chỉ mong về sớm để chuẩn bị chờ đón đứa con của mình ra đời.

Khi nhà vô địch SEA Games kiêm "doanh nhân": Kỷ niệm khó quên khi một ngày mất vài chục triệu, vừa thi đấu vừa lo "vợ đẻ"  - Ảnh 1.

- Vậy anh có kịp trở về để đón em bé cùng vợ mình không?

Hôm đấy khoảng 3h sáng tôi về đến Hà Nội. Chỉ đến ngày hôm sau là vợ tôi đẻ, may là về kịp. Vẫn được chơi một ngày.

Khi ở bên đó, thì vợ có nói là "Cứ yên tâm thi đấu đi, tập trung vào, có khi vợ đẻ xong chồng mới biết đấy". Có ngày mình không thể gọi cho vợ trong nhiều giờ liền, lo lắng và sốt ruột lắm. Quả thực là nhớ mãi.

- Hiện tại anh và vợ đang cùng nhau kinh doanh, việc này bắt đầu từ lúc nào vậy?

Về chuyện kinh doanh, cách đây 5-6 năm thì tôi bắt đầu kinh doanh rất nhiều rồi. Từ chứng khoán đến bất động sản, cho đến những việc lặt vặt để kiếm thêm nữa. Đặc biệt nhất là năm 2018, tôi bắt đầu mở công ty để kinh doanh máy pha cà phê tự động. Khi ấy mình làm với tâm thế là 80% cho đấu kiếm, chỉ 20% tâm trí để kinh doanh thôi. Tôi nghĩ túc tắc thôi, làm cứ từ từ. Nhưng bây giờ có vợ có con rồi thì suy nghĩ hoàn toàn khác. Ngày trước, khi tập xong thì chỉ về thả lỏng thôi nhưng giờ phải suy nghĩ về việc kiếm thêm tiền rồi, nó là rất quan trọng.

- Các HLV có ý kiến gì về việc VĐV kinh doanh bên ngoài không?

Các thầy cũng không phản đối, quan trọng là tập luyện mình phải đảm bảo. Cũng có người ủng hộ mình những việc liên quan, giúp đỡ, ví dụ như là việc đặt hàng ở đâu. Ngoài chuyên môn ra thì các thầy cũng hỗ trợ nhiều về cuộc sống.

Khi nhà vô địch SEA Games kiêm "doanh nhân": Kỷ niệm khó quên khi một ngày mất vài chục triệu, vừa thi đấu vừa lo "vợ đẻ"  - Ảnh 2.

- Vừa kinh doanh, vừa chăm con nhỏ, chắc hẳn anh chị cũng "quay cuồng" lắm.

Cuộc sống sau khi có con nhỏ thay đổi hẳn 180 độ luôn. Ví dụ ngày xưa hai vợ chồng thích vừa ăn cơm vừa xem phim nhưng bây giờ thì không có việc đó nữa. Hay cả việc nói chuyện, tâm sự cũng không có nhiều thời gian vì khi em bé ngủ xong, hai người tắm rửa, ăn cơm thì cũng đến khuya rồi. Vừa trông con, vừa kinh doanh thêm nên gần như là kín lịch, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. May là cũng có bà giúp đỡ trông cháu, nấu nướng.

- Khi kinh doanh, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Khi bắt đầu kinh doanh chứng khoán ấy, có những cảm xúc đáng nhớ, vui buồn lẫn lộn. Bình thường, khi đi thi đấu nước ngoài hay lương tháng của mình chỉ khoảng 10 triệu, đi nửa vòng trái đất đánh giải thì cũng chỉ thêm được vài triệu. Thế mà có ngày tài khoản bị tụt mất 50-70 triệu, xót ruột, bồn chồn lắm. Lúc ấy nghĩ 50 triệu bằng mình tiết kiệm cả năm ấy chứ. Quả thực đó là những suy nghĩ và cảm xúc có phần "trẻ con", nó rất đặc biệt.

Khi nhà vô địch SEA Games kiêm "doanh nhân": Kỷ niệm khó quên khi một ngày mất vài chục triệu, vừa thi đấu vừa lo "vợ đẻ"  - Ảnh 3.

- Ở các trung tâm huấn luyện, VĐV trẻ có được định hướng hay dạy về các kỹ năng để chuẩn bị cho cuộc sống không có thể thao hay không, ví dụ như kinh doanh hay chuyển sang ngành nghề khác?

Các HLV hay ban lãnh đạo đều quan tâm đến vấn đề khi VĐV giải nghệ nhưng có thể nói là lực bất tòng tâm. Không thể 100 người ra là lo được 100 người làm HLV được, bây giờ cũng chỉ định hướng cho các em đi học. Ai có thành tích kém thì chuyển hướng sớm hơn, còn chu toàn mọi thứ thì không thể.

Nhưng tất nhiên là vẫn tạo điều kiện, ví dụ lãnh đạo bộ môn đấu kiếm cũng chi thêm tiền để tổ chức các lớp tiếng Anh, nhưng học hay không cũng tùy mỗi người. Nhìn chung, cuộc sống của mình mình phải tự quyết định. Thậm chí là tạo điều kiện cho học thêm ở ngoài nếu có nhu cầu.

- Mục tiêu trước mắt của anh là gì, cả trong sự nghiệp thể thao và kinh doanh?

Mục tiêu lớn nhất trong tương lai là tham dự Olympic, rồi sau đó đến việc giành huy chương ở các đấu trường châu lục, thế giới. Được tham dự Thế vận hội, thể hiện mình ở đó là giấc mơ của tôi. Về kinh doanh thì mình mong muốn mọi thứ ổn định để có thể tập trung vào chuyên môn.

- Nhắc đến Olympic, trong quãng thời gian phải giãn cách vì dịch bệnh, anh đã tập luyện và chuẩn bị như thế nào cho mục tiêu này?

- Dịch bệnh là khó khăn chung cho cả thế giới. Bây giờ ai vượt qua được khó khăn mới là thành công. Tập luyện thì khắc phục thôi, ở nhà chủ yếu tôi rèn thể lực. Khi lên đội thì trở lại với giáo án bình thường, thậm chí là lớn hơn. Hiện giờ chưa nắm được kế hoạch thi đấu, vì các giải đều hoãn vô thời hạn rồi.

- Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện. Chúc anh thành công trong chặng đường sắp tới.