Vào tối ngày 20/8 theo giờ Mỹ, Boston Celtics đã thông báo về kế hoạch treo áo đấu của Kevin Garnett vĩnh viễn tại sân TD Garden. Cuộc đón tiếp Dallas Mavericks của tài năng Luka Doncic sẽ mang ý nghĩa lớn hơn một trận đấu thông thường. Đó là nơi vinh danh một trong những cầu thủ vĩ đại trong lịch sử đại diện miền Đông. Thế nhưng làm thế nào để người đàn ông sinh trưởng tại khu phố nghèo Nam Carolina trở thành tượng đài ở đội bóng cỏ ba lá?
Kevin Garnett có một tuổi thở không trọn vẹn. Cha anh là O'Lewis McCullough kết thúc mối quan hệ cùng mẹ Kevin là bà Shirley không lâu sau khi cậu bé Kevin chào đời. Đó là lý do cựu sao Timberwolves lại mang họ mẹ. Tuy nhiên ngay cả khi sống với người cha dượng, cá tính cực mạnh nơi chàng trai trẻ cũng không giúp bản thân có thể đồng cảm với trụ cột gia đình kia.
Niềm an ủi lớn trong tuổi thơ của cậu nhóc người Nam Carolina không gì khác ngoài bóng rổ. Trái bóng cam bắt đầu bước vào đời của Kevin Garnett từ mái trường cấp 2 Hillcrest Middle School. Tuy nhiên bước ngoặt thật sự chỉ xảy ra khi Kevin nhập học cấp 3. Đây là nơi chứng kiến cậu thiếu niên 15 tuổi chập chững bước đầu tiên vào con đường bóng rổ nghiêm túc ở trường cấp 3 Mauldin High School.
Thế nhưng cuộc đời vốn không thể biết được chữ ngờ. Kevin Garnett vướng vào vòng lao lý khi nằm trong ba học sinh bị cảnh sát bắt do liên đới do vụ ẩu đả nghiệm trọng giữa nam sinh da trắng và da màu tại đây. Dù không trực tiếp tham gia vào vụ việc nhưng anh vẫn bị quy tội hành hung cấp độ 2. Rất may cho Kevin khi cậu đã được xóa án nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Lo lắng con trai sẽ trở thành mục tiêu trả thù sau vụ việc có dính màu sắc phân biệt chủng tộc này, gia đình Kevin Garnett quyết định đưa anh tới Chicago theo học tại trường Farragut Career Academy. Lấy nỗi đau làm động lực, chàng trai sinh năm 1976 thi đấu như lên đồng và tỏa sáng rực rỡ tại đây. Không những dẫn dắt đội bóng tới mùa giải xuất sắc với thành tích 28 thắng 2 bại, Kevin Garnett còn được thời báo nước Mỹ USA Today vinh danh làm Cầu thủ Phổ thông xuất sắc nhất cả nước năm 1995.
Những con số khủng khiếp Kevin Garnett có được tại phổ thông gồm trung bình 25,2 điểm, 17,9 rebounds, 6,7 kiến tạo và 6,5 blocks đã khiến anh trở thành một trong những cái tên sáng giá nhất đối với các tuyển trạch viên bóng rổ đại học. Thế nhưng do trượt bài thi lấy chứng chỉ ACT đã làm giấc mơ NCAA của người con thành phố nhỏ Greenville tan biến. Tuy nhiên, chẳng có gì là bất khả thi đối với tài năng tầm cỡ như Kevin Garnett.
Cơ may đến với chàng trai trẻ khi có một HLV tại Chicago đã giới thiệu Kevin tới ông Eric Fleisher. Eric lúc ấy làm đại diện cho 18 cầu thủ tại NBA cũng như là con trai của chủ tịch đầu tiên tại Hiệp hội cầu thủ quốc gia. Eric thuyết phục Kevin Garnett nên hướng thẳng đến NBA như con đường thăng tiến tốt nhất cho tương lai của mình. Ngay sau đó, Eric Fleisher liên tục tổ chức các buổi tập luyện lẫn giao hữu cho Kevin Garnett thể hiện tài năng trước các đội bóng lớn như Boston Celtics, Minnesota Timberwolves hay Los Angeles Clippers.
Hướng đến kỳ NBA Draft 1995, dù nhận được rất nhiều sự kỳ vọng tuy nhiên bản thân Kevin Garnett cũng khá mơ hồ về việc mình sẽ được lựa chọn thời điểm nào. Bởi khi đó việc các cầu thủ dự NBA Draft từ trung học cực kỳ hiếm. Tuy nhiên anh đã sớm được Minnesota Timberwolves chọn ngay ở lượt thứ 5. Dấu mốc ấy đánh dấu Kevin là cầu thủ phổ thông đầu tiên được thi đấu tại NBA kể từ năm 1975.
Ở đội bóng miền cực Bắc, Kevin Garnett phát triển nhanh như thổi dưới sự dẫn dắt của HLV Flip Saunder. Anh trở thành một All Star ngay trong mùa giải thứ hai tại NBA với những chỉ số trung bình khá tốt bao gồm 17 điểm, 8 rebounds, 3,1 kiến tạo, 2,1 blocks/trận. Không những thế, đội hình với những trụ cột trẻ tuổi gồm Kevin Garnett, Tom Gugliotta và Stephon Marbury lần đầu đưa đội bóng đến tới vòng Playoffs trong lịch sử của họ.
Tháng 10 năm 1997 đánh dấu một dấu mốc quan trọng đối với sự nghiệp của chàng trai trẻ tuổi. Minnesota Timberwolves quyết định trao niềm tin lớn lao của mình vào tay Kevin Garnett bằng việc cho anh bản hợp đồng khổng lồ trị giá lên tới 126 triệu USD trong 6 năm. Đây là bản hợp đồng lớn chưa từng có và đã bị nhiều cây bút trong giới truyền thông đặt dấu hỏi lớn về giá trị thực của nó.
Bất chấp dư luận thời điểm bấy giờ, Kevin Garnett tiếp tục phát triển tầm ảnh hưởng mình trên sân bóng. Anh là đầu tàu trong chiến tích mùa giải 1998-1999 với thành tích dương lần đầu trong lịch sử Minnesota Timberwolves (45 thắng 37 bại). Trong mùa giải Playoffs thứ hai liên tiếp này, bầy sói cũng có những thắng lợi đầu tiên ở vòng loại trực tiếp khi giáp mặt Seattle SuperSonics.
Tuy nhiên đây cũng là kịch bản chung cho những mùa giải tiếp theo của Kevin Garnett tại NBA. Anh liên tục là con sói đầu đàn đưa cả đội vào Playoffs nhưng bị hất văng khỏi vòng 1 trong 7 mùa giải liên tiếp. Biệt danh “Big Ticket” cũng hình thành trong lòng NHM từ đây khi anh được cho là tấm vé thông hành tới Playoffs của đội bóng. Thế nhưng thành công đi kèm là yếu tố luôn bị đặt dấu hỏi cực lớn.
Những tưởng mọi chuyện đã đi theo hướng tích cực vào mùa giải 2003/2004. Năm ấy Kevin Garnett thi đấu như một con quái vật thực thụ với trung bình 24,2 điểm, 13,9 rebounds, 5 kiến tạo, 2,2 blocks và 1,5 cướp bóng trên đường giành danh hiệu MVP duy nhất trong sự nghiệp. Không những thế cầu thủ số 21 còn giúp đội nhà tiến vào trận chung kết miền Tây gặp Los Angeles Lakers.
Top 10 pha bóng hay nhất của Kevin Garnett tại Minnesota Timberwolves
Thế nhưng thất bại 2-4 trước dàn sao của thành Los Angeles hoa lệ lại chính là điểm kết cho những năm tháng vàng son của Timberwolves và vẫn còn ám ảnh họ tới bây giờ. Mùa giải 2004/2005 chứng kiến lần đầu đội chủ sân Target Center bỏ lỡ kỳ Playoffs sau 8 năm, để rồi lặp lại thành tích buồn này trong mùa giải tiếp theo. Đây chính là thời điểm đánh dấu bước ngoặt cực lớn tiếp theo trong sự nghiệp cầu thủ gốc miền Đông.
Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Kevin Garnett được Minnesota Timberwolves gửi sang Boston Celtics trong gói trao đổi lớn nhất lịch sử NBA. Cái giá cho sự phục vụ của MVP năm 2004 bao gồm tới 7 cầu thủ cộng thêm 2 lượt pick vòng 1 tại NBA Draft năm 2009. Tuy nhiên lần này Kevin Garnett không tới một đội bóng với mục tiêu dự Playoffs. Tại Boston Celtics ngày ấy đã đợi sẵn hai siêu sao Paul Pierce và Ray Allen cho nhiệm vụ mang về chức vô địch thứ 17 trong lịch sử đội bóng.
Kevin Garnett và câu trả lời phỏng vấn kinh điển sau khi giành chức vô địch NBA năm 2008
Chia sẻ trong một bài phỏng vấn với The Players’ Tribune năm 2016, Kevin Garnett và Paul Pierce đã nói rằng tất cả những gì họ trò chuyện khi mới gặp nhau tại Boston Celtics là chức vô địch ngay trong mùa giải đầu tiên. Và đó không phải chỉ là những nói suông khi gã khổng lồ miền Đông đã hạ gục đối thủ truyền kiếp Los Angeles Lakers tại trận chung kết năm 2008.
Đằng sau những vinh quang, Kevin Garnett là cầu thủ tầm cỡ như thế nào mà khiến Boston Celtics sẵn sàng trả giá cao như vậy để có được anh. Chắc chắn cựu sao Timberwolves là ngôi sao công thủ cực kỳ toàn diện đã từng giành danh hiệu MVP. Ngoài ra khả năng nhảy ném trung bình tách anh ra một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt so với đa số tiền phong và trung phong thời điểm ấy.
Sự mạnh mẽ của Kevin Garnett là vô song
Tuy nhiên yếu tố đưa Kevin Garnett trở nên nổi bật cũng là giá trị lớn nhất nơi anh chính là sức mạnh tinh thần khủng khiếp của mình. Nhà vô địch trong màu áo Boston Celtics sẽ không bỏ qua bất cứ tình huống tranh chấp bóng nếu không tung ra hết 100% sức lực. Sự mạnh mẽ này đủ giúp đồng đội vượt qua những thời khắc vô vọng nhất cũng như át vía hoàn toàn các đối thủ không may phải chạm mặt hung thần khoác áo số 5.
Từ cậu bé không cha trong khu phố nghèo tại Greenville, nay Kevin Garnett đã đứng trong hàng ngũ những huyền thoại bất tử tại một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử NBA nơi Boston Celtics. Quả đúng như lời chính người con của Nam Carolina đã nói: ”Chẳng điều gì là bất khả thi”.
Bạn nên quan tâm