Judo Nhật đã bị thay đổi như thế nào dưới bàn tay các tuyển thủ vật phương Tây (Kỳ 1: Gã khổng lồ Hà Lan đạp đổ lý tưởng của Judo)

Khôi Nguyên , 21:05 14/03/2021 | Võ thuật

Chia sẻ

Judo trong quá khứ là môn võ được phát triển với tinh thần "nhu chế cương, yếu đánh mạnh". Tuy nhiên, sự xuất hiện của các đô vật phương Tây đã thay đổi Judo hoàn toàn.

Judo là niềm tự hào đối với dân tộc Nhật Bản - nơi khởi nguồn của môn võ thuật này. Nhưng khi những Wrestler phương Tây tham gia môn thể thao này, thì vị thế thống trị Judo trên thế giới của Nhật Bản dường như đang gặp thách thức lớn. Trong 50 năm qua, Judo đã có khá nhiều thay đổi về quy tắc làm mất đi lợi thế của các tuyển thủ vật ở phương Tây.

Lịch sử Judo

Tiền thân của Judo hiện đại là Jujitsu Nhật Bản, được thành lập vào giữa thế kỷ 16, nhưng phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19. Từ năm 1882 đến năm 1887, người sáng lập ra môn Judo hiện đại - võ sư, tiến sĩ Jigoro Kano - đã phân tích các kỹ thuật Jujitsu khác nhau, tiếp thu thêm một số kỹ thuật từ các bộ môn khác nữa và đồng thời bác bỏ vài kỹ thuật.

Để tránh các đòn Jujutsu waza và giảm thiểu các chấn thương trên quán trình thi đấu và tập luyện, Jigoro Kano đã đề ra môn võ đối kháng buộc các đối thủ phải vật lộn với nhau. Nhờ vậy, Jigoro Kano đã hạn chế được các thương tật xuống thấp nhất có thể trong môn võ của ông.

Judo Nhật đã bị thay đổi như thế nào dưới bàn tay các tuyển thủ vật phương Tây (Kỳ 1: Gã khổng lồ Hà Lan đạp đổ lý tưởng của Judo) - Ảnh 1.

Tổ sư Jigoro Kano

Tiến sĩ Kano đã loại bỏ nhiều kỹ thuật khóa siết tàn bạo của Jujitsu cổ điển và tập trung vào kĩ thuật quăng vật đối thủ qua hông (hip throw) theo một cách khéo léo. Judo - hay cũng có thể đươc xem là môn nghệ thuật mà Kano đã được phát triển và ra đời với tên gọi là Kodokan Judo.

Thông qua những nỗ lực của tiến sĩ Jigoro Kano, Judo đã trở thành một môn thể thao học đường trong chương trình giáo dục thể chất quốc gia ở Nhật Bản. Từ những khởi đầu nhỏ và khiêm tốn, giờ đây sự phổ biến của Judo đã lan rộng không chỉ khắp Nhật Bản mà còn trên toàn cầu. Giải vô địch Judo toàn quốc tại Nhật được tổ chức đầu tiên vào năm 1930. Năm 1964, Judo trở thành một phần chính thức trong Thế vận hội Tokyo.

Judo vẫn luôn là sân chơi mà người Nhật thống trị trên toàn thế giới cho đến năm 1961, khi tuyển thủ người Hà Lan - Anton Geesink - giành chức vô địch thế giới.

Sự xuất hiện của gã khổng lồ Hà Lan Anton Geesink

Với chiều cao 1,98 m và nặng 120 kg, Geesink thật sự là một người khổng lồ và chiến thắng của Geesink ở môn Judo là đi ngược lại hoàn toàn những tư tưởng ban đầu của bộ môn.

Tiến sĩ Kano ban đầu hình dung Judo như một môn nghệ thuật chiến đấu mà kích thước và sức mạnh của đối thủ không phải là yếu tố quan trọng. Chiến thắng của Geesink đã giáng một đòn mạnh mẽ làm lung lay quan điểm đó.

Judo Nhật đã bị thay đổi như thế nào dưới bàn tay các tuyển thủ vật phương Tây (Kỳ 1: Gã khổng lồ Hà Lan đạp đổ lý tưởng của Judo) - Ảnh 2.

Anton Geesink là một gã khổng lồ đúng nghĩa

Bản thân Jigoro Kano là một con người có vóc dáng nhỏ bé và yếu ớt. Vì vậy, ông muốn phát minh ra một môn võ thuật mà một người nhỏ bé có thể đánh bại một người to lớn hơn. Động lực này đã thôi thúc ông quyết định học thêm về những môn võ thuật giúp kẻ yếu có thể chiến thắng kẻ mạnh.

Để chứng minh tính hiệu quả của Judo, tổ sư Kano và nhiều sinh viên của mình đã đi đến châu Âu và Mỹ để biểu diễn và thi đấu với các đô vật (wrestler). Mitsuyo Maeda, Count Coma đã đến Brazil, chiến đấu với tất cả những kẻ đến thách thức. Những con người ấy cùng Jigoro Kano đã đi khắp thế giới để chứng minh nghệ thuật của ông vượt trội hơn tất cả những người khác vào thời điểm đó.

Judo Nhật đã bị thay đổi như thế nào dưới bàn tay các tuyển thủ vật phương Tây (Kỳ 1: Gã khổng lồ Hà Lan đạp đổ lý tưởng của Judo) - Ảnh 3.

Sư tổ Jigoro Kano là một người có vóc dáng nhỏ bé

Các Judoka (tuyển thủ Judo) Nhật Bản thường nhỏ con hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây của họ, nhưng điều này lại hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của Kano rằng một người đàn ông nhỏ bé, được đào tạo về Judo, có thể đánh bại một người đàn ông to lớn.

Vì lý do này, các cuộc thi Judo ban đầu được tổ chức mà không có phân chia trọng lượng. Giải vô địch toàn Nhật Bản vẫn tiếp tục cho đến ngày nay như Kano đã hình dung về nó, không có giới hạn về trọng lượng, tuổi tác hay thứ hạng, và vẫn có thể sản sinh ra những võ sĩ Judo mạnh nhất ở Nhật Bản.

Chiến thắng của Anton Geesink đã gây ra một làn sóng lớn ở Nhật Bản. Đây là một cú sốc lớn đối với Judo xứ Phù Tang. Và đặc biệt vì "gã khổng lồ" Geesink, Liên đoàn Judo Quốc tế đã nhanh chóng đồng ý phân chia các hạng cân ở các giải vô địch thế giới trong tương lai.

Judo Nhật đã bị thay đổi như thế nào dưới bàn tay các tuyển thủ vật phương Tây (Kỳ 1: Gã khổng lồ Hà Lan đạp đổ lý tưởng của Judo) - Ảnh 4.

Vì Geesink, Judo Nhật đã phải cải tổ lại hệ thống hạng cân thi đấu

Các quy chế gắt gao hơn nữa về hạng cân đã được thiết lập. Tại Thế vận hội Olympic Seoul năm 1988, hạng cân "mở" (không phân chia hạng cân để thi đấu) đã bị loại bỏ khỏi chương trình thi đấu Thế Vận Hội.

Ban đầu, thể thức thi đấu hạng cân "mở" được cho là hiện thân lý tưởng của Jigoro Kano: Rằng một người đàn ông nhỏ bé có thể đánh bại một người đàn ông to lớn. Và Judo là bộ môn nhấn mạnh kỹ thuật hơn là sức mạnh thuần túy.

Tuy nhiên, như nhà sử học Donn F. Draeger đã chỉ ra ngay từ năm 1961, trong hoàn cảnh mà các kỹ năng kỹ thuật được phát triển cực kỳ tốt, các đối thủ cũng có kinh nghiệm tập luyện, thi đấu đáng kể, thì sức mạnh và trọng lượng sẽ đóng một vai trò nào đó trong thế giới Judo.

Dù vậy, Geesink sẽ không phải là người phương Tây cuối cùng gây ảnh hưởng đến những thay đổi về quy tắc trong luật thi đấu Judo. Sau Anton Geesink là các đô vật người Nga, những người đã thay đổi hoàn toàn bộ luật thi đấu của Judo thế giới.