Journeyman vốn là khái niệm được NHM đặt cho những cầu thủ không có một đội bóng để gắn bó lâu dài. Họ thường chỉ chơi cho một đội bóng vài năm và nếu không bị đem ra trao đổi thì cũng tự dứt áo ra đi.
Trong phạm vi bài viết này sẽ không đề cập tới nhóm cầu thủ có chuyên môn chưa cao dẫn đến không có chỗ đứng tại NBA. Bài viết sẽ đề cập tới những con người có kỹ năng chơi bóng tốt, thậm chí rất giỏi ở một lĩnh vực thế nhưng không thể vươn tầm ngôi sao để tìm được một mái ấm lâu dài.
Trong lịch sử NBA cũng tồn tại một số trường hợp các siêu sao từng khoác nhiều màu áo như Shaquille O’Neal. Thế nhưng với người từng có tới 4 chiếc nhẫn vô địch, vấn đề với O'Neal có lẽ nằm ở sự hấp dẫn ở mỗi đội bóng và dĩ nhiên không hề dính dáng tới vấn đề bị ruồng bỏ. Câu chuyện của ngày hôm nay sẽ được bắt đầu với người cũng từng khoác áo Lakers và vô địch NBA cùng Kobe Bryant như Shaq nơi Trevor Ariza.
Trevor Ariza bước chân vào NBA năm 2004 với một khởi đầu vô cùng lặng lẽ. Anh được lựa chọn tại lượt thứ 43 trong vòng tuyển chọn thứ hai bởi New York Knicks. Anh được đại diện miền Đông chọn nhằm mục đích duy nhất là làm một chốt chặn phòng ngự mỗi khi đội hình chính cần nghỉ ngơi.
Và chàng trai Ariza khi ấy đã thực hiện đúng những nhiệm vụ ấy đầy thầm lặng mà xuất sắc. Trong chỉ 17 phút mỗi trận tại mùa giải tân binh, Trevor Ariza không những sở hữu trung bình xấp xỉ 1 block cùng 1 cướp bóng mỗi trận mà còn đóng góp cho toàn đội 6 điểm sau chỉ 4 cú ra tay mỗi trận.
Thủ cứng cỏi, tấn công chắt chiu và nỗ lực hết mình trong từng đường bóng là những tố chất mọi HLV đều muốn có trong bài toán nhân lực của mình. Sau hai năm hợp đồng tân binh với Knicks kết thúc, Trevor Ariza trở thành món hàng “ngon bổ rẻ” cho mọi đội bóng muốn hoàn thiện đội hình với mục tiêu cạnh tranh Playoffs cũng như vô địch.
Năm 2009 chứng kiến nốt thăng trong sự nghiệp của chàng tiền phong du mục khi anh cùng Los Angeles Lakers vô địch NBA sau thắng lợi nghẹt thở trước Orlando Magic. Bản thân anh cũng góp công lớn bên cạnh những Kobe Bryant hay Pau Gasol khi trung bình gần 15 điểm và luôn là người kèm các mũi nhọn của đối thủ tại loạt trận chung kết.
Cho đến nay, Trevor Ariza đã 11 lần bị trao đổi trên thị trường chuyển nhượng cũng như kinh qua 10 đội bóng tại NBA. Điều đáng chú ý chính là dù đã 35 tuổi nhưng anh vẫn luôn có giá trị trong mắt các HLV bởi sự nhiệt huyết cùng kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều kiểu chiến thuật. Trevor Ariza giờ đây chẳng khác nào chú tắc kè hoa có thể hòa nhập bất cứ đâu tại NBA.
Cá nhân thứ hai được nhắc đến hôm nay là nghệ sĩ nhồi bóng Jamal Crawford. Anh được mệnh danh là một trong những thầy phù thủy của làng đảo bóng. NHM NBA đến nay có lẽ vẫn chưa thể quên được những động tác qua người đầy hoa mỹ được kết thúc bằng cú floater đã trở thành thương hiệu. Khác với sự xù xì cần mẫn của Trevor Ariza, Jamal Crawford lại là mẫu cầu thủ hào hoa và cực kỳ giỏi ghi điểm.
Jamal Crawford sở hữu lối chơi cực hoa mỹ
Bất cứ đội bóng nào cần một tay ghi điểm tốt, cầu thủ sinh năm 1980 đều là sự lựa chọn hợp lý. Trong 20 năm chinh chiến tại NBA, Jamal Crawford có trung bình 14,6 điểm trong 9 màu áo khác nhau. Những năm tháng ấy đã giúp cầu thủ gốc Tây Bắc 3 lần thắng giải 6th Man of the Year (2010, 2014, 2016) và giải thưởng người đồng đội của năm 2018 do giới cầu thủ và HLV bầu chọn.
Người cuối cùng Sport5 muốn đề cập ngày hôm nay là tay ném kỳ cựu JJ Redick. Cầu thủ gốc miền Nam là chuyên gia tại lĩnh vực ném ba điểm cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong thời gian gần đây. Anh cũng là số ít cầu thủ journeyman từng chia sẻ về cuộc đời mình trong bộ phim ngắn THE PROCESS do UNINTERRUPTED sản xuất năm 2017.
“Điều tệ nhất chính là sự vô định của tương lai. Thậm chí bạn phải dọn dẹp đồ đạc khi còn chưa biết mình sẽ tới đâu. Gia đình tôi sẽ dành khoảng thời gian nghỉ giữa mùa của trong một căn nhà đi thuê vì căn nhà tại Los Angeles sẽ được bán đi”.
Đằng sau nhưng cú ba điểm chính xác, đằng sau ánh đèn SVĐ rực sáng và đằng sau tiếng hò reo cổ vũ, các cầu thủ có chỗ đứng khác nhau và nhiều người trong số họ không hề được chủ động quyết định tương lai của chính mình. JJ Redick từng tiếp tục câu chuyện bằng một lời chia sẻ khiến người xem phải suy ngẫm: “Có một suy nghĩ thường gặp ở NHM thể thao nói chung rằng tất cả họ đều cho rằng VĐV chuyên nghiệp là những cái máy sẵn sàng đến bất cứ đâu. Kỳ thực chúng tôi vẫn là những con người cũng như có gia đình để lo lắng”.
Không phải bất cứ ai tại NBA cũng là những ngôi sao như LeBron James hay Stephen Curry. Họ không có khả năng nắm giữ vận mệnh bản thân và đội bóng trong tay. Các journeyman được nhắc đến trong bài vẫn thuộc nhóm người may mắn khi được các đội bóng sẵn sàng đón chào chứ không rơi vào cảnh thất nghiệp. Hi vọng bài viết đã đem đến cho độc giả cái nhìn rõ và sâu hơn về những con người bình lặng tại NBA.
Bạn nên quan tâm