CLB nữ Thái Nguyên vừa trải qua mùa giải 2019 khá thành công. Họ giành được tấm HCĐ tại Cúp Quốc gia 2019. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, với số tiền trợ cấp ít ỏi, cuộc sống khó khăn, đã có những cầu thủ phải bỏ tập luyện, đi làm công nhân để trang trải cuộc sống. Hiện tại đội bóng chỉ còn hơn 20 cầu thủ, trong đó đa số là các gương mặt mới 14, 15 tuổi.
Nguyễn Thị Quỳnh là một cầu thủ như thế. Cô gái sinh năm 1995 chia sẻ: "Em nghỉ tập từ năm 2015 để xin đi làm công nhân. Những lúc có giải em lại xin nghỉ ở chỗ làm về để tập luyện cùng đội bóng. Em thích đá bóng lắm nhưng tiền hỗ trợ ít ỏi quá chẳng đủ sống".
Nguyễn Thị Quỳnh( không mặc đồng phục) chiều nào cũng tranh thủ tập cùng đội bóng xong lại về đi làm ca tối.
Quỳnh còn cho biết thêm lương đi làm công nhân của mình 1 tháng được khoảng 8 triệu, hơn rất nhiều con số 1.300.000 đồng tiền hỗ trợ hàng tháng của các nữ cầu thủ.
Trong khi đó, đội trưởng Trần Thị Thúy Nga, người năm nay đã 29 tuổi cũng cho hay: "Ở đây mọi người phải tự mua mọi thứ từ những đồ dùng nhỏ nhất đến đôi giày đá bóng - thứ không thể thiếu của mỗi cầu thủ. Nhờ có đam mê nên mọi người đều cố gắng theo đuổi. Nhưng cũng có người phải xin đi làm công nhân hoặc các việc khác để có thêm tiền. Nhìn các đội bóng khác có điều kiện tốt hơn cũng thấy buồn lắm. Nhưng em vẫn quyết tâm gắn bó cùng đội bóng quê hương".
Trần Thị Thúy Nga quyết tâm gắn bó cùng đội bóng quê hương, dìu dắt đàn em luyện tập.
HLV Đoàn Việt Triều vẫn miệt mài với công việc huấn luyện của mình.
Theo HLV Đoàn Việt Triều chia sẻ:" Mỗi cầu thủ 1 ngày có 100 nghìn tiền ăn. Bữa sáng các cháu tự ăn. Còn chúng tôi nấu bữa trưa và bữa tối, mỗi bữa là 35 nghìn. Một tháng trừ 6 ngày nghỉ cuối tuần, các cháu được chấm công 22 ngày, mỗi ngày 60 nghìn. Với số tiền ít ỏi đó, nhiều cháu đã xin nghỉ tập để kiếm việc khác. Chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh của các cháu, không cấm cản được".
"Nếu không nhờ vào đam mê với trái bóng của các cháu thì có lẽ đội bóng đá nữ Thái Nguyên không duy trì được đến thời điểm bây giờ. Các cháu tuy đi làm nhưng khi có giải vẫn xin nghỉ làm về tập luyện cùng đội bóng. Nhưng tình hình này cứ tiếp diễn thì cũng sẽ phải giải tán đội mà thôi...", ông Triều buồn bã nói.
Cứ đến chiều là Quỳnh lại xỏ giày ra sân tập luyện, xong về sớm để đi làm thêm ca tối.
Ông Phạm Ngọc Quang, Phó giám đốc trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Ngân sách mỗi năm nhà nước rót xuống 10 tỷ, trong đó cả trung tâm có tất cả 180 VĐV với khoảng 20 đội tuyển như bóng đá nữ, bóng chuyền, vật, đua thuyền,. Mà với các bộ môn thi đấu cá nhân bao giờ cũng dễ có huy chương hơn nên không thể chi nhiều cho đội bóng đá nữ được. Do đó số tiền trợ cấp chả thấm là bao nên nhiều cháu phải nghỉ đá bóng để đi làm công nhân mới nuôi sống được bản thân và hỗ trợ gia đình. Nếu không có nguồn kinh phí tài trợ mới thì sẽ phải giải tán đội bóng thôi".
Khó khăn là thế nhưng các cầu thủ nữ Thái Nguyên đều có trong mình một niềm đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn. Với việc giành được HCĐ tại giải Cúp Quốc gia nữ 2019, đội bóng sẽ nhận được 50 triệu đồng từ BTC giải và 200 triệu đồng từ tỉnh Thái Nguyên khen thưởng. Tuy tiền chưa về đến tay do chưa được giải ngân, nhưng các cầu thủ đều vui mừng phấn khởi vì sẽ có cái Tết đầy đủ hơn. Tuy nhiên, kết thúc mùa giải 2019 cũng là lúc nhà tài trợ cũ xin ngừng hợp tác với CLB nữ Thái Nguyên. Sau cái Tết có phần ấm no kia sẽ là những lo toan cho tương lai của hàng chục con người dành cả thanh xuân để theo đuổi đam mê với trái bóng tròn...
"Mọi người đều động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn để theo đuổi đam mê, mong một ngày mai tươi sáng hơn", HLV trưởng của đội bóng chia sẻ, mong rằng sẽ sớm có mạnh thường quân đến với mảnh đất nghèo về vật chất nhưng luôn giàu tình yêu với bóng đá.
Bạn nên quan tâm