Hai trận đấu vượt qua vòng knocked-out là hai cuộc đấu trí thực sự mà ông Park Hang-seo chiến thắng nhờ những thay đổi từ ghế dự bị. Ông đang khiến chính những người đồng hương Hàn Quốc của mình phải đau đầu.
Vẫn còn sớm để khẳng định Olympic Việt Nam đã là một đội bóng đẳng cấp hay chưa, nhưng điều có thể tự hào là dưới tay ông Park, chúng ta đã hoá thành một tập thể khó bị đánh bại. Toàn thắng 5 trận tại Asiad và ghi đến 8 bàn thắng là một kỳ tích, nhưng ở góc độ khác, chưa thua trận nào, chưa thủng lưới bàn nào cũng là một kỳ công.
HLV Park Hang-seo quả thực là một người cẩn trọng. Nếu ở vòng bảng, ông sẵn sàng phiêu lưu dồn sức thắng cả Olympic Nhật Bản thì đến vòng loại trực tiếp, ông buộc các học trò thu mình lại trong một cái vỏ bọc xù xì.
Những người lạc quan khi nhìn vào nhánh đấu đã vội nghĩ đến khả năng tiến sâu tận bán kết của Olympic Việt Nam. Thực tế, chúng ta đã làm được, nhưng điều đó chắc chắn không đến nếu không có những bước đi chậm mà vững chãi của ông thầy xứ Hàn.
Cho đến lúc này, những tính toán của ông Park Hang-seo đều hiệu quả. Quyết định đặt niềm tin vào thủ thành Tiến Dũng đã cho kết quả hoàn hảo, nếu nhìn vào những pha cứu thua trước Olympic Bahrain và suốt 120 phút tra tấn bóng bổng của Syria.
Một hàng thủ gần như không thay đổi (trừ chấn thương của Đình Trọng) mang lại sự ổn định cần thiết. Và từ tuyến tiền vệ, ông mặc sức luân chuyển nhân sự để tạo ra vô số bất ngờ.
Ông Park lợi hại nhất ở khả năng biến hoá. Không ai có thể đoán được ông sẽ bố trí hàng tấn công gồm những ai và triển khai phương án nào. Nhưng đấy mới chỉ là bề nổi. Ở phần chìm, ông còn đáng sợ hơn với những thứ vũ khí đang chất đầy băng ghế dự bị.
Lực lượng đủ dày và phong cách đa dạng giúp ông Park đủ kiên nhẫn để vận hành lối chơi an toàn, rình rập chờ thời cơ. Thể lực không phải là vấn đề quá khó khăn khiến Olympic Việt Nam hụt hơi khi đối thủ tăng tốc.
Syria đã cố gắng làm điều đó đôi lần, nhưng hàng thủ của chúng ta không những không bị cuốn theo họ, mà còn tranh thủ phản công vào những khoảng trống phía sau. Đó chính là cách phá vây mang đậm dấu ấn của ông Park Hang-seo.
Rất tôn trọng đối thủ và có những thời điểm nhường sân "ru ngủ", nhưng ông Park luôn biết cách đẩy đối thủ vào những miếng đòn hiểm của mình. Đó là thời điểm ông nhận ra đối thủ hoặc mất tập trung, hoặc thiếu gắn kết ở hàng phòng ngự.
Đôi khi, sức tấn công mới đến từ cặp bài trùng Văn Toàn – Công Phượng. Đôi khi, miếng đánh lạ đến từ bộ đôi Anh Đức – Văn Toàn. Đó là hai bài thay người mà ông Park dùng để làm rối loạn hàng thủ Bahrain và Syria. Cả hai lần, ông đều thành công rực rỡ.
Nếu như nóc lưới Bahrain bị Công Phượng sút tốc lên sau pha kiến tạo gián tiếp của Văn Toàn thì đến lượt Syria, họ bị trừng phạt bởi hai pha dứt điểm liên tục từ chân Anh Đức và Văn Toàn. Đó đều là những lúc các hậu vệ của họ không còn đủ tỉnh táo và nhanh nhẹn để đua sức với các tiền đạo mới vào sân của chúng ta.
Một Olympic Việt Nam khó lường đang khiến đội quân do thám từ Hàn Quốc rất tốn công đối phó. Ngay từ vòng bảng, họ đã tìm cách khai thác ông Park Hang-seo nhưng chỉ nhận về những cái lắc đầu lịch sự. Lúc này, khi đã trở thành đối thủ thực sự, họ cũng chỉ có thể rút kinh nghiệm từ những gì băng hình ghi lại và từ bài học cay đắng của những bại tướng vừa qua.
Dù vậy, họ không thể biết những gì đang chờ đợi mình phía trước, bởi cái làm nên sự nguy hiểm của "ngài ngủ gật" chính là những món vũ khí vẫn còn đang giấu kín…
QUỐC BẢO
ẢNH: TÙNG LÊ & TUẤN MARK
THIẾT KẾ: HOÀNG ANH