Ông Park sau trận bán kết SEA Games 30 thành công mĩ mãn ngay lập tức chia sẻ với người hâm mộ Việt Nam về nỗi khát khao đã mang tầm dân tộc. Ông hứa sẽ cùng các học trò chiến đấu vì 60 năm chờ đợi, để những tủi hờn, thua thiệt mãi mãi chỉ còn là quá khứ.
Đấy là một quá khứ đủ dài đằng đẵng và đủ trầm bổng với mọi cung độ của niềm đau. Có những niềm đau dễ dàng được cho qua như lần đầu tiên tranh Vàng, thế hệ của Hồng Sơn, Minh Chiến, Huỳnh Đức và cố HLV Karlheinz Weigang thua người Thái 0-4, an phận thủ thường. Có những niềm đau mãi mãi để lại luyến tiếc như SEA Games 22 ngay trên sân nhà, thế hệ "cận vàng" với Văn Quyến, Minh Phương, Công Vinh vẫn không thể ngoi lên trước Thái Lan. Có những niềm đau giống như một vết nhơ không bao giờ gột rửa như kỳ án bán độ Bacolod 2005. Và có những niềm đau thực sự là chua chát như ở đất Lào, khi đã nắm trong tay mọi lợi thế, thầy trò Henrique Calisto lại để thua Malaysia trong một trận đấu mà ông HLV râu kẽm đã túm cổ Tấn Trường, một hình ảnh không bao giờ quên về kiểu thất bại rất Việt Nam…
Trong 60 năm ấy, 6 lần vào chung kết thì 5 lần đứng sau người Thái, nó tạo thành một vết hằn trong vỏ não các lứa cầu thủ Việt đến mức cứ đối đầu Thái Lan là nỗi ám ảnh và sợ hãi che mờ tất cả hưng phấn, lạc quan. Nhưng cũng 10 năm rồi chúng ta không được dự một trận chung kết nào nữa, tất cả đều là những cú vấp ngã từ vòng bảng hay bán kết, dù 2 mùa SEA Games gần đây, chúng ta có lứa gà nòi của bầu Đức như được mặc định sinh ra để chinh phục "ao làng".
Giờ thì câu chuyện đã khác rất nhiều, khi ông Park đến. Sau những chiến công dù lớn lao đến đâu, không bao giờ Park Hang-seo nhận công trạng về mình. Nhưng tất cả cùng thừa nhận và biết ơn ông, vì sự "mát tay" và những bí kíp chữa bệnh trầm kha cho bóng đá Việt Nam.
Đầu tiên là căn bệnh "sợ Thái". Ông bốc thuốc ngay ở lần ra mắt chính thức của mình, một thắng lợi trước U23 Thái Lan dù chỉ là giải mời M150 Cup, nhưng đã có tác dụng xuyên suốt về sau. Kể từ đó, chuỗi đối đầu của ông với Thái Lan là bất bại, mà lần gần nhất diễn ra chỉ cách đây ít ngày, tiễn người Thái khỏi SEA Games 30.
Tiếp theo là căn bệnh thể lực. Trước kia, những thế hệ ưu tú nhất về kỹ thuật và não bộ vẫn săn vàng hụt là do không đủ sức đá giải đường trường. Thời Tavares, cầu thủ Việt chỉ chạy được 60 phút là "hết pin", các triều đại sau, sức bền có nâng lên đôi chút nhưng vẫn thua kém các đối thủ trong khu vực.
Tuy nhiên, vào tay thầy Park và đội ngũ chăm sóc chuyên nghiệp nhất mà chúng ta từng thấy, cộng thêm yếu tố di truyền được cải thiện rõ nét qua tầm vóc và tố chất cơ bắp, các cầu thủ hiện nay, từ đội tuyển quốc gia đến U23, U22 đều "lột xác" về sự dẻo dai, bền bỉ. Ca đặc biệt như Trọng Hoàng, hơn 31 tuổi nhưng vẫn là "máy chạy" không mệt mỏi.
Điều khác biệt nhất mà ông Park thổi vào các học trò, đó là ý chí. Câu thần chú của ông là tinh thần Việt Nam không bao giờ bỏ cuộc. Ông luôn xốc dậy ở các cầu thủ khát khao chiến thắng và tự tin sẽ thắng. Cầu thủ Việt đang có đủ năng lực và đẳng cấp để làm chủ cuộc chơi của mình, ngay ở SEA Games trên đất Philippines này, U22 của thầy Park đã không ít lần lội ngược dòng, để khó khăn lại sau lưng.
Nếu nhìn cách U22 Campuchia nhập cuộc đầy mạnh bạo ở trận bán kết hôm 7/12, không nhiều người tin tưởng vào một chiến thắng 4 sao cho Hà Đức Chinh và đồng đội. Nhưng khác biệt đến ở khả năng dứt điểm, hiệu quả và lạnh lùng, thành công đến ngay từ những pha bóng thậm chí không mang hình hài cơ hội.
Để đạt mục tiêu Vàng, Park Hang-seo và đội bóng của ông còn phải vượt qua U22 Indonesia thêm một lần nữa. Tái đấu là một ký ức không dễ chịu. Lần gần nhất vào được một trận chung kết, U23 Việt Nam của thầy Tô ở vòng bảng thắng dễ Malaysia 3-1 nhưng gặp lại vào thời khắc quan trọng nhất thì tự thua bằng bàn phản lưới nhà.
Dù vậy, U22 của thầy Park với U23 của thầy Tô đã cách xa nhau tròn thập kỷ. Đó không chỉ là khoảng cách về thời gian mà còn là khoảng cách về… sự tiến hoá. Thầy Park đang có một đội hình lý tưởng về sự đồng đều, chất lượng, dày dạn kinh nghiệm tích luỹ từ những sân chơi đẳng cấp hơn và quan trọng là đoàn kết, tin tưởng nhau tuyệt đối.
Dù SEA Games có là một giải đấu kỳ cục nhất mà ông từng biết, Park Hang-seo vẫn quyết chinh phục nó, để người Việt Nam có được lần đầu tiên toại nguyện.
Bạn nên quan tâm