Những giải đấu Esports hàng đầu thế giới như LPL, LCS, LEC và VCS... đều đi tới quyết định thi đấu với thể thức online trong mùa dịch Covid-19. Đây là điều dễ hiểu khi việc tránh tụ tập đám đông là điều cần thiết trong thời gian này. Dẫu vậy, sự khác biệt giữa thi đấu online và offline có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả của cả một giải đấu.
Ngày 18/3 vừa qua, Na`Vi thua sốc với tỉ số 0-2 trong trận ra quân ESL One Pro League Season 11. Đây là kết quả khiến cả thế giới choáng váng khi mới hồi đầu tháng 3, Na`Vi vươn lên vị trí đứng đầu BXH những đội CSGO xuất sắc nhất do HLTV bình chọn sau chức vô địch IEM Katowice danh giá. Nhưng sau tất cả, BLV HenryG tiết lộ các thành viên Na`vi không thi đấu chung tại một địa điểm. Và hiển nhiên, sự khác biệt giữa thi đấu online và offline khiến Na`vi không có phong độ tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc thi đấu không cùng một địa điểm khiến các thành viên khó có thể tương tác lẫn nhau trong những trận đấu. Ở tựa game CSGO, đồng đội thường đập tay, khích lệ lẫn nhau sau mỗi round thắng hoặc thua. Nhưng thói quen này sẽ mất đi hoàn toàn khi thi đấu online.
HLV Pep Guardiola từng nói: "Công việc của chúng tôi là mang lại niềm vui cho CĐV. Nếu họ không có ở đây để xem cầu thủ thi đấu thì thật vô nghĩa". Điều này đúng với cả Esports.
Hiệu ứng của các trận đấu cũng sụt giảm mạnh mẽ khi thi đấu không khán giả. Hãy tưởng tượng bạn vừa mang tới một pha xử lý đỉnh cao, đứng dậy ăn mừng nhưng phía trước chỉ là những chiếc ghế trống rỗng. Ngoài ra, doanh thu của giải đấu cũng sụt giảm.
Hơn thế nữa, cảm giác lên sàn thi đấu giữa đông đảo khán giả xung quanh thực sự rất tuyệt vời. Và một sự thật hiển nhiên, thi đấu online thì sao mà có khán giả. Xung quanh tuyển thủ lúc này là những người đồng đội, hoặc thậm chí là không có bất kì ai.
Ping luôn là yếu tố quan trọng nhất trong bất kì tựa game nào, thi đấu cũng không phải ngoại lệ. Một đường truyền ổn định sẽ giúp người chơi xử lý mượt mà hơn, không giật, lag. Cộng đồng LMHT thế giới từng choáng ngợp khi Sofm có thể leo rank Thách Đấu Hàn Quốc dù phải chơi với ping xấp xỉ 100. Thậm chí, Faker từng chia sẻ rằng ping 30 sẽ rất khó để chơi.
Với các giải đấu LMHT, các trận đấu chỉ diễn ra trong một quốc gia nhất định nên yếu tố ping không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, điều này là khác hoàn toàn với những giải đấu quốc tế như CSGO, Dota 2... Mỗi địa điểm thi đấu khác nhau sẽ có đường truyền tới máy chủ khác nhau và dĩ nhiên, đội có ping thấp hơn sẽ có lợi thế. Đây cũng là vấn đề nan giải cho cộng đồng Dota 2 Việt Nam khi nhiều lần phải thi đấu quốc tế với ping quá cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới trận đấu. Trong những trận đấu đỉnh cao, bạn xử lý chậm hơn đối thủ dù chỉ 1 giây, bạn sẽ là người thua cuộc.
Cơ hội cho các "onliner" tỏa sáng
"Onliner" là từ dùng để chỉ các tuyển thủ chỉ thi đấu xuất sắc khi chơi online. Còn khi ra sân thi đấu, phong độ của họ mờ nhạt. Ví dụ điển hình nhất là tay chơi XANTARES đang thi đấu cho BIG ở tựa game CSGO. Anh chàng luôn sở hữu phong độ ấn tượng và sở hữu đông đảo người hâm mộ. Nhưng đó chỉ là khi thi đấu online, không có quá nhiều áp lực trước đám đông mà thôi. Những giải đấu offline XANTARES tham dự, anh chàng khó có thể giữ được phong độ đỉnh cao nhất. Trong mùa dịch này, nhiều giải đấu lớn sẽ phải thi đấu online và đây là cơ hội cho những tay chơi như XANTARES gặt hái những danh hiệu cho riêng mình.
Hack, cheat luôn là vấn đề nan giải của các tựa game online. Nhiều người cho rằng đã thi đấu rồi thì mấy ai gian lận. Điều này là sai hoàn toàn. Tay chơi Forsaken nổi danh cộng đồng CSGO trong năm 2018 khi sử dụng phần mềm hack trót lọt tại một giải đấu offline. Việc thi đấu online sẽ khiến trọng tài, BTC khó kiểm soát về vấn đề này.
Tại châu Âu, những giải bóng đá danh giá nhất đều đi tới quyết định tạm hoãn vô thời hạn vì Covid-19. Giờ đây, người hâm mộ bóng đá sẽ chẳng thể tận hưởng những trận cầu đỉnh cao trong suốt thời gian dài. Nhưng Esports thì khác. Với đặc thù của môn thể thao mới mẻ này, những giải đấu lớn vẫn được diễn ra. Người hâm mộ Esports được hưởng lợi khi vẫn có thể theo dõi thần tượng thi đấu.