Ole Gunnar Solskjaer đã bị rất nhiều chỉ trích khi để Romelu Lukaku ra đi mà không có sự thay thế xứng đáng. Để rồi bây giờ, MU rơi xuống vị trí thứ 10 vì khả năng ghi bàn kém cỏi. Họ chỉ có 13 bàn sau 11 trận Premier League, ít hơn 12 đội khác. Điều đáng nói là họ sút không ít, tới 153 lần, nhiều thứ 4 giải đấu, song khả năng chuyển đổi cơ hội cực tệ với chỉ 8,4% thành bàn.
Có thể vào mùa hè, Solskjaer không thuyết phục được Mario Mandzukic, Paulo Dybala và cũng khó lôi kéo được Harry Kane về Old Trafford. Nhưng người ta tự hỏi, tại sao ông lại không nghĩ đến cậu học trò cũ Erling Braut Haaland? Chẳng phải HLV người Na Uy luôn tìm kiếm tài năng trẻ, chẳng phải anh ta mới chỉ 19 tuổi và là chân sút số một của Molde trong mùa giải 2018 (16 bàn) đó sao?
Khi mới đến Molde vào năm 2017, Haaland không phải là tiền đạo được đánh giá cao. Nhưng sau đó, như đội trưởng Ruben Gabrielsen nói, "cậu ta phát triển thao cách mà tôi chưa bao giờ thấy ở ai trước đây. Cậu ấy mạnh mẽ và nhanh hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Cậu ta đúng là quái vật".
Haaland được đồng đội cũ gọi là "quái vật" bởi sức mạnh và các kỹ năng vượt trội.
Giải thích cho sự tiến bộ này, hãy nghe tiết lộ từ chính Haaland: "Tôi có được ngày hôm nay là nhờ Ole. Ông ấy là một cầu thủ giỏi và cũng là một HLV xuất sắc. Ông tác động lớn tới tôi và dạy tôi nhiều điều".
Có thể thấy Solskjaer quan trọng thế nào với Haaland. Và chắc chắn, cựu tiền đạo từng ghi 190 bàn trong sự nghiệp, đồng thời tuyên bố rằng mình có kỹ năng dứt điểm tốt hơn bất kỳ ai khác đã dành rất nhiều thời gian cho cậu học trò trên sân tập, cải thiện anh ta từ thể chất, sự tự tin đến cách thức di chuyển và sút bóng.
Để bây giờ, Haaland trở thành cái tên gây sốt ở châu Âu. Trong màu áo Red Bull Salzburg, tiền đạo người Na Uy đã ghi 23 bàn chỉ sau 17 trận mùa 2019/20, bao gồm 4 hat-trick. Pha lập công mới nhất của Haaland là khi anh dứt điểm thành công cú đá phạt đền ở trận đấu với Napoli.
Với bàn thắng trên chấm phạt đền vào lưới Napoli, Haaland có bàn thứ 7 ở Champions League.
Đó là bàn thắng lịch sử, giúp anh trở thành một trong 4 cầu thủ, cùng Del Piero, Diego Costa và Ze Carlos, ghi bàn trong 4 trận đầu tiên ở đấu trường Champions League. Song 3 người kia nhiều lắm chỉ có 5, Haaland ghi tới 7. Khả năng chuyển đổi cơ hội thành bàn của anh cũng rất kinh ngạc, khi chỉ cần tới 11 cú sút. 63,6%, một tỷ lệ tốt hơn bất cứ ai, kể cả Lionel Messi hay Robert Lewandowski.
Khi Haaland có màn trình diễn ấn tượng trước Genk (và ghi những bàn đầu tiên ở châu Âu), anh không được đánh giá cao. Nhưng rồi tiền đạo 19 tuổi lại tiếp tục phá lưới Liverpool, nhà vô địch Champions League và 3 lần nã đạn trước Napoli của Carlo Ancelotti, tất cả buộc phải nhìn anh bằng con mắt khác. Đó là một hiện tượng, một tài năng phi thường.
Trong thế giới bóng đá quả thực có vô số ngôi sao xuất hiện, nhưng cũng mau chóng tàn lụi và không bao giờ đạt đến tầm vóc mà họ có thể. Haaland rất khác để tin rằng tương lai sẽ vô cùng xán lạn.
Haaland đã trưởng thành nhờ sự dẫn dắt của Solskjaer khi cả hai còn ở Molde.
Từ khi còn là cậu nhóc 11 tuổi, Haaland đã bước ra ngoài và chơi bóng với những đối thủ lớn tuổi hơn. Anh cũng sẵn sàng rời bỏ sự bao bọc của cha mẹ để tìm hướng đi cho mình, ở Molde rồi Salzburg. Và khi biết được câu chuyện mà Patrice Evra kể về bữa trưa của Cristiano Ronaldo, chỉ rau, ức gà cùng nước lọc, anh không ngại học theo nhằm có một sự nghiệp lâu dài tương tự. Jesse Marsch, HLV của Salzburg cũng xác nhận, Haaland "như một công nhân khi xuất hiện rất sớm trên sân tập mỗi ngày, sau đó tập luyện chăm chỉ, cần mẫn và chuyên nghiệp".
Một cầu thủ như thế là niềm ao ước với Solskjaer trong công cuộc phục hưng MU. Tuy nhiên, trong trường hợp muốn có cậu học trò cũ, ông không dễ dàng đạt được sở nguyện. Từ một cầu thủ vô danh, chỉ sau vài tháng Haaland đã trở thành ngôi sao 89 triệu bảng theo định giá của Salzburg, cũng là mục tiêu săn đuổi của vô số đội bóng lớn.
Có không ít quyết định sai kể từ ngày dẫn dắt Quỷ đỏ, nhưng bỏ qua Haaland vào mùa hè chắc chắn là sai lầm lớn nhất của Solskja.
Bạn nên quan tâm