Đó là năm 1992, thời hoàng kim của những nhóm CĐV cực đoan Tây Ban Nha, với bạo lực trong các SVĐ giống như rượu và bánh mỳ, diễn ra hàng ngày và không mấy ai tỏ ra đặc biệt lo lắng.
Những ngày cuối tuần, các gia đình sẽ kéo đến sân với bánh mỳ kẹp, rượu khai vị và radio. Nhưng vào thời gian này, nhiều người còn mang theo dao bỏ túi, chai thủy tinh và pháo sáng. Những kẻ này sẵn sàng làm những thứ mà họ không bao giờ làm tại nhà hay các nơi công cộng khác. Nói thẳng ra, họ tới sân để giải phóng thú tính của mình. Thưởng thức một trận đấu bóng đá đột nhiên trở thành sở thích mang nhiều rủi ro.
Tấm hình Alfonso chụp 2 cậu con trai, Guillermo và Ignacio.
Ngày 15/03/1992 cũng là ngày bầu cử Quốc hội Catalonia. Vì vậy gia đình Alfonso Lazaro quyết định không đi chơi xa như thường lệ. Họ ở lại Barcelona để bỏ phiếu vào buổi sáng, sau đó cả nhà sẽ tới sân Sarria để xem trận đấu Espanyol - Cadiz vào buổi chiều. Hai cậu con trai của ông vô cùng phấn khích, bởi đây là lần đầu tiên, Guillermo, 13 tuổi và cậu em Ignacio 10 tuổi, bước vào Sarria.
Đã gần 5 giờ chiều và cầu thủ hai đội bước ra, hát quốc ca và bắt tay nhau. Alfonso nghĩ rằng nên chụp một tấm hình để ghi lại dịp đặc biệt này của các con. Ông lùi ra phía sau và gọi cả nhà ngoái lại. Một tấm hình rất tuyệt, trong đó nổi bật lên là cặp mắt ngây thơ của Guillermo và Ignacio.
Sau đó là thảm họa.
Quả pháo bắn ra từ khán đài đối diện đã rơi xuống ngực Guillermo và tạo nên màn khói đặc.
Bỗng Alfonso nghe thấy tiếng hét của vợ. Kèm theo đó là một tiếng rít, và luồng sáng bắn về phía họ. Lửa bắt đầu bốc lên ngay trên ngực Guillermo. Cậu giãy giụa và cố bứt nó ra.
Khi chạy lại, thoạt đầu Alfonso cho rằng ngọn lửa chỉ gây ra một vài vết bỏng, không gì khác. Nhưng ông đã nhầm. Găm trên ngực con trai ông là đầu quả pháo bằng kim loại dài 15cm. Bản thân ông cũng bị bỏng khi cố rút nó ra.
16 phút sau, cậu bé Guillermo được chuyển đến bệnh viện Clinic. Thật không may, cậu đã qua đời trên đường tới đó, trong sự bất lực của người cha cũng như các bác sỹ. Nguyên nhân được xác định là mất máu cấp tính và tổn thương tim.
Vị trí xuất phát, đường đi và điểm đến của quả pháo trong sân vận động Sarria.
Thủ phạm bị bắt giữ ngay sau đó, là Franco Vila, một người bán cá 39 tuổi. Giống như nhà Alfonso, anh ta cũng tới sân với hai đứa con theo lời mời của chủ cửa hàng nơi làm việc, đồng thời mang theo 2 quả pháo sáng.
Chưa ngồi ấm chỗ ở khán đài Nueva Tribuna, Vila đã ném cả hai quả pháo sáng. Quả đầu tiên không gây ra hậu quả đáng tiếc nào. Nhưng quả thứ hai, lao đi với tốc độ tên lửa về phía khán đài đối diện rồi găm vào ngực cậu bé Guillermo xấu số.
Trong phiên tòa xét xử vào ngày 16/04, tròn 1 tháng sau thảm kịch, Vila đã khóc nấc lên và nói rằng, anh ta đã cố chọn chỗ ngồi ở Nueva Tribuna vì nghĩ rằng nơi đó bắn pháo an toàn, và bản thân cũng không nhìn thấy vị trí quả pháo rơi xuống. Cuối cùng, Vila bị kết án 6 tháng tù giam. Còn Espanyol phải bồi thường 42 triệu pesetas (khoảng 252.000 euro) cho gia đình Alfonso vì không đảm bảo an ninh sân vận động, với chỉ 3 cảnh sát chịu trách nhiệm cho toàn bộ sân.
Báo chí Tây Ban Nha viết về thảm kịch ở Sarria.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn và đã 27 năm trôi qua kể từ hôm đó. Nhưng cái chết Guillermo không hề vô ích.
Sự kiện gây rúng động Tây Ban Nha khiến Ủy ban Chống Bạo lực sân cỏ được thành lập ngay sau đó, và toàn xã hội đứng lên tuyên chiến với những kẻ quá khích. Các sân vận động trở nên an toàn hơn bởi nhiều hàng rào an ninh được thiết lập, đồng thời pháo sáng bị cấm và bất cứ kẻ nào đốt trong sân sẽ chịu mức phạt có thể lên đến 5 triệu pesetas.
Cho đến nay, cái tên Guillermo vẫn còn được nhớ mãi bởi những người yêu bóng đá và muốn tận hưởng các trận đấu trong hòa bình. Họ hy vọng không bao giờ phải lo lắng về các rủi ro.