Thường Châu tuyết trắng năm 2018 có lẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong ký ức CĐV Việt Nam. Đẹp, nhiệm màu đến nỗi ban đầu người ta không nghĩ nó sẽ xảy ra lần thứ 2, ít nhất là trong một thập kỷ nữa. Nhưng rồi mọi kỳ vọng lại được trau dồi từng chút qua những thành tích tốt ở đấu trường châu lục trong thời gian vừa qua.
Đáng tiếc là trong một buổi tối mưa, lạnh như cách đây 2 năm, thay vì ngẩng cao đầu rời giải, ông Park và các học trò phải nhận kết quả cay đắng. U23 Việt Nam bị Triều Tiên lội ngược dòng trong trận đấu buộc phải thắng. Cuối trận, Trần Đình Trọng còn bị đuổi khỏi sân.
Việt Nam đã thua thật rồi!
Suốt từ cuối năm 2017 cho đến nay, đoàn quân cờ đỏ sao vàng từng suýt chinh phục ngôi vương U23 châu Á, lọt vào tứ kết Asian Cup, vô địch AFF Cup và mới rồi là chức vô địch SEA Games. Chuỗi thành tích trên khiến CĐV Việt nhiệt huyết, sống lại với bóng đá nước nhà. Nhưng trong cơn say chiến thắng, bản nhạc thăng tiến ai ngờ lại xuất hiện một nốt trầm lớn.
Khi tiếng còi của trọng tài cất lên, dòng người áo đỏ, sao vàng trên khán đài sân Rajamangala lủi thủi đi về. Có cảm giác họ quá quen với những nụ cười mà quên mất rằng mình nên làm gì khi Việt Nam thua. Một số thậm chí còn chẳng chấp nhận nổi thực tại rằng đoàn quân của thầy Park đã bị loại.
Nỗi thất vọng tràn trề, chưa từng thấy kể từ khi HLV Park Hang-seo đến dẫn dắt Việt Nam.
Ra đường đi bão ư? Đương nhiên là không rồi! Chúng ta cũng chẳng thể lên MXH ăn mừng như thói quen nữa. Rõ ràng, chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận thất bại của đội tuyển. Và một vài người cũng quên mất rằng trong những hoàn cảnh như thế này, việc đứng cạnh cổ vũ các cầu thủ còn quan trọng hơn tung hô khi họ tạo nên những kỳ tích.
Thử nghĩ xem, khi bạn chuẩn bị được đón hương vị Tết thì cầu thủ vẫn đang luyện tập không ngừng nghỉ cho những giải đấu lớn, tất cả vì muốn đưa màu cờ sắc áo, tự hào dân tộc chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy.
Thế mới thấy làm cầu thủ ở Việt Nam thật mệt, "khổ" hơn so với các đồng nghiệp ngoại quốc rất nhiều. Ngoài việc tham gia giải đấu quốc nội cấp độ CLB, các ngôi sao như Dũng và Hải luôn sẵn sàng xỏ giày, chiến đấu ở mọi sân chơi mà Việt Nam tham dự. Khi đôi chân đã quá mệt mỏi vì cày ải, chẳng ai có đủ khả năng thể hiện màn trình diễn tốt nhất của mình trên sân cả.
Trên thực tế các cầu thủ đâu có sợ mắc sai lầm. Họ hiểu rằng điều quan trọng là rút ra được bài học sau những thất bại để tiếp tục hoàn thiện bản thân. Điều họ quan ngại nhất chính là sau những thất bại như thế này, khán đài sẽ trở nên thưa thớt đi, CĐV trở nên thờ ơ hơn với bóng đá nước nhà. Khung cảnh tươi đẹp diễn ra từ 2018 đến nay được chính họ tạo nên sẽ biến mất do những nốt trầm quá đỗi bình thường trong sự nghiệp cầu thủ.
Phải làm sao đây hỡi các chàng trai, cô gái yêu bóng đá Việt?
Vậy điều gì đúng đắn nhất các CĐV nên làm vào thời điểm hiện tại đây? Trước tiên, xin hãy hiểu rằng cầu thủ cấp độ quốc gia là con người, cũng có lúc họ mắc sai lầm. Hãy đặt địa vị bản thân vào họ, nhìn theo khía cạnh của cầu thủ, bạn sẽ cảm thấy thương Dũng và những ngôi sao khác nhiều hơn là giận dữ, oán trách.
Hãy gửi những lời cảm ơn chân thành đến những cầu thủ Việt Nam, tạo dựng hậu phương vững chắc cho họ cho những giải đấu sau này. Tâm lý có ổn định mới tạo được bản lề để cố gắng vươn lên.
Ông cha ta cũng có câu thua keo này, ta bày keo khác. Mục tiêu hướng tới của Việt Nam là những giải đấu tầm cỡ quốc tế nên chẳng tội gì phải phiền lòng với một bước lùi tại sân chơi châu lục dành cho lứa trẻ. Hãy coi VCK vừa rồi là sân chơi giúp các ngôi sao như Dũng, như Hải, như Trọng đúc kết kinh nghiệm. Và đừng quên rằng bóng đá Việt Nam vẫn đang tiến lên, phát triển ngày một mạnh.
Suy cho cùng, hãy ở bên các cầu thủ mọi lúc mọi nơi. Đừng trở mặt, quay lưng khi chỉ một thời điểm thành tích trên sân cỏ không đúng như những kỳ vọng ban đầu.
Bạn nên quan tâm