Trash talk hay còn gọi là những hành động "cà khịa", đấu khẩu giữa các cầu thủ trên sân bóng đã trở thành một hiện tượng phổ biến của thể thao. Tại NBA, trash talk còn được coi là một "bộ môn nghệ thuật". Nhiều huyền thoại mọi thời đại NBA đã lấy khả năng trash talk làm niềm tự hào khi họ dễ dàng thâm nhập vào tâm lý đối thủ bằng những lời lẽ đầy kích động.
Đối với một số cầu thủ, trash talk còn đem lại tâm lý sau mỗi chiến thắng. Cùng điểm qua một số câu "cà khịa" cực "văn vở" từ các ngôi sao NBA nhưng cũng không kém phần cay độc khiến đối thủ phải muối mặt:
11 năm trước, LeBron James và rapper đình đám Jay-Z từng làm dậy sóng Hollywood khi hợp sức chống lại DeShawn Stevenson và ngôi sao hip-hop mới nổi lúc bấy giờ Soulja Boy. DeShawn Stevenson (Washingtion Wizards) đã để thua Cleveland Cavaliers tại 2 series Playoffs 2006 và 2007. Vì quá cay cú, trong lần gặp lại LeBron James và năm 2008, cựu cầu thủ đã phát biểu: "Anh ta được đánh giá quá cao (over rated)".
Để đáp trả lại đối thủ, ngôi sao Cavaliers đã ví von trình độ của anh và DeShawn Stevenson như 2 rapper Jay-Z và Soulja Boy. Ở thời điểm đó, Soulja Boy là một nghệ sĩ mới nổi. Chỉ với bản hit “Crank That”, anh đã trở thành hiện tượng MXH. Tuy nhiên, nếu đặt cạnh một rapper kỳ cựu như Jay-Z thì Soulja Boy quả thực sẽ lu mờ.
Phát ngôn của LeBron lập tức đẩy cuộc chiến lên một tầm cao mới. Tại series Playoffs năm đó, Soulja Boy đã được mời đến biểu diễn trên sân nhà Wizards và gây áp lực tới các cầu thủ Cavaliers từ hàng ghế courtside. Wizards chiến thắng với tỷ số 108-72 tại Game 3.
Mặc dù tấm vé bước tiếp cuối cùng thuộc về LeBron James và đồng đội nhưng Jay-Z vẫn có một động thái nhằm lên tiếng bênh vực người bạn thân, LeBron James. Ông xã Beyonce đã sáng tác một bài hát mới để "diss" DeShawn Stevenson.
Bản nhạc "diss" DeShawn Stevenson của Jay-Z được phát lần đầu tại buổi tiệc ăn mừng chiến thắng của Wizards tại một vũ trường tọa lạc tại Washington DC
Trong những năm đầu gia nhập NBA, Dennis Rodman đã chứng minh mình là một trong những tay phòng thủ cừ khôi nhất giải đấu. Tuy nhiên, trong mùa giải 1986-87, tân binh Detroit Pistons đã gặp chút khó khăn khi đương đầu với huyền thoại Larry Bird.
"Tôi không hiểu được sự cạnh tranh tại NBA cho đến khi tôi thi đấu với Larry Bird. Ông ấy đã dạy tôi một bài học nhớ đời", "Gã trai hư" chia sẻ trong một buổi phỏng vấn. Đây là trận đấu mà Dennis Rodman được giao nhiệm vụ theo kèm ngôi sao mang áo 33 của đội bạn.
Lép vế cả về kinh nghiệm lẫn tâm lý thi đấu, cầu thủ trẻ lúc bấy giờ đã để Larry Bird ghi 23 điểm vào lưới Pistons. Tỷ số chung cuộc là 112-102 nghiêng về Boston Celtis. Tuy nhiên, cũng chính trận đấu này đã góp phần tiếp thêm động lực cho "The Worm" suốt phần còn lại của mùa giải. Detroit Pistons một lần nữa gặp lại đội bóng yêu thích tại chung kết miền Đông và phần thắng một lần nữa lại mỉm cười với đội bóng áo xanh lục.
Stephen Curry là một trong số những cầu thủ ít gây tranh cãi và có cá tính thân thiện nhất giải đấu. Trash talk gần như không nằm trong từ điển của ngôi sao Golden State Warriors. Tuy nhiên, ngay cả một người "lành tính" như Curry cũng có những lúc nổi nóng.
Series chung kết giữa Cavaliers và Warriors đã chứng kiến sự theo dõi của cựu cầu thủ Kendrick Perkins. Tất nhiên, với tiểu sử từng gắn bó với đội bóng xứ Cleveland, Perkins đã có hành động trêu tức ngôi sao Warriors.
"Bếp trưởng" đã tỏ ra không vui khi cựu cầu thủ Cavaliers vô tình ngáng chân vào đường chạy của anh. Cả 2 sau đó đã có lời qua tiếng lại khiến trận đấu phải dừng lại vài phút. Ở vai trò một chuyên gia bình luận NBA, Perkins đã vì mâu thuẫn với Curry mà tỏ rõ thái độ khắt khe hơn hẳn.
Tuy nhiên, thật khó mà phủ nhận tài năng của Stephen Curry. Kendrick Perkins sau đó đã lên tiếng xin lỗi ngôi sao mang số áo 30: "Tôi xin rút lại những gì mình đã nói về cậu. Cậu là một huyền thoại. Tôi đã ghen tị vì màu da và thành công của cậu. Cố gắng phát huy nhé!". Curry xứng đáng với danh hiệu "nhà vô địch trong lòng người hâm mộ" bởi thật khó để trở thành anti-fan của một ngôi sao vừa có tâm vừa có tầm như vậy.
Rajon Rondo gia nhập NBA trong màu áo Boston Celtics vào năm 2006 và góp công lớn vào chức vô địch NBA 2008 của họ. Là mẫu cầu thủ phòng thủ, kiến tạo kinh điển nhưng ngôi sao này lại có một điểm yếu là khả năng ném xa.
Đặc biệt, trong những năm đầu sự nghiệp, chỉ một câu nói đã dập tắt sự tự tin của cầu thủ trẻ và tác giả của phát ngôn đó là... Barrack Obama. Trong một lần làm CĐV của Boston Celtics, cựu tổng thống mỹ đã nói đùa: "Sao không dạy anh bạn này cách ném rổ?".
Nhiều cựu cầu thủ Celtics đã chứng kiến khung cảnh đó và miêu tả biểu cảm của Rajon Rondo là rất thất vọng. Ở trận đấu sau đó, hậu vệ dẫn bóng đã thi đấu rất tệ và kể từ đó anh quyết tâm sẽ không ném xa nữa.
Cho đến ngày nay, Draymond Green vẫn tự hào là "cầu thủ trash talk giỏi nhất NBA". Trung phong Warriors không ngại công kích bất cứ một ai, từ cầu thủ trẻ đến những đàn anh. Một trong những màn "khẩu chiến" nổi tiếng nhất của anh là với huyền thoại Paul Pierce.
Tại NBA 2016-17, Golden State Warriors chạm trán với Los Angeles Clippers tại vòng Playoffs. Ở thời điểm đó, 2 đội bóng đã có mối tương phùng. Đây cũng là mùa giải cuối cùng của Paul Pierce trước khi giải nghệ.
Trong một tình huống tranh bóng giữa Blake Griffin và Draymond Green, Paul Pierce là người khởi đầu cuộc tranh cãi: "BG, anh ta không kèm được cậu đâu. Anh ta quá nhỏ con". Câu nói này đã kích động trung phong Warriors, anh lập tức so sánh Paul Pierce với cố huyền thoại Kobe Bryant, người vừa giải nghệ một năm trước đó.
Thời còn thi đấu, Kobe Bryant và Paul Pierce nổi tiếng là cặp "kỳ phùng địch thủ" tại NBA. Do đó, lời "cà khịa" của Draymond Green chắc hẳn đã tác động sâu sắc đến huyền thoại Celtics. Xuyên suốt sự nghiệp, Paul Pierce có lẽ đã quen với việc bị so sánh với Kobe Bryant. Tuy nhiên, ngay cả khi đã nghỉ hưu, "Black Mamba" vẫn còn là một nỗi ám ảnh đối với cựu cầu thủ Clippers.
Kobe Bryant và Paul Pierce là đối thủ lớn nhất của nhau khi còn thi đấu tại NBA
Bạn nên quan tâm