Những ngày qua, dịch viêm đường hô hấp gây ra bởi virus nCoV (chủng virus corona mới) đang lây lan một cách chóng mặt và diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong thời khắc khó khăn, khi cả thế giới đang cùng nhau chung sức chống lại cơn ác mộng đó thì một vài cá nhân lại dựa vào corona để phân biệt đối xử hay thậm chí là miệt thị những người khác. Làng bóng đá thế giới ít ngày qua đã chứng kiến không ít câu chuyện như thế.
Những "nạn nhân" bất đắc dĩ
Cách đây ít ngày, Son Heung-min đã sắm vai người hùng của Tottenham khi ghi bàn thắng quyết định giúp đội nhà đánh bại ĐKVĐ Man City 2-0 tại giải Ngoại hạng Anh. Một thắng lợi vô cùng quan trọng giúp CLB đến từ London tìm lại sự tự tin để quay về với đẳng cấp vốn có.
Thế nhưng, chẳng ai ngờ sau trận, cầu thủ số 1 châu Á lại nhận về những lời bình luận không hay ho trên mạng xã hội. Một tài khoản thậm chí mô tả Son như thể người Trung Quốc và cho rằng anh có thể liên quan đến virus chết người corona. Đáng buồn hơn, chính một vài CĐV được cho là của Tottenham lại tỏ ý tán đồng với các câu ác ý ấy.
Theo một thống kê từ tờ The Guardian, nạn phân biệt chủng tộc đang có chiều hướng tăng nhanh tại làng túc cầu xứ sương mù. Mùa giải năm ngoái, tổng cộng 152 vụ liên quan đến vấn nạn này được thông báo tới sở cảnh sát ở Anh và xứ Wales, hơn nhiều con số 97 vụ mùa 2017/2018.
Son Heung-min bị một số fan xúc phạm trên mạng xã hội sau trận Tottenham 2-0 Man City. Ảnh: PA.
Cũng là một câu chuyện diễn ra vào hồi tuần trước, tiền đạo Ighalo cập bến Man United bằng bản hợp đồng cho mượn từ CLB Shanghai Shenhua của Trung Quốc. Ngay lập tức, những lời châm chọc đlại xuất hiện. "Nhiều kẻ đùa cợt rằng mượn Ighalo là nước cờ cao tay của HLV MU để cầu thủ này khiến Ngoại hạng Anh bị hoãn và Liverpool không thể vô địch", tờ SCMP mô tả.
Tình cảnh của CLB Wuhan Zall trong chuyến tập huấn ở Tây Ban Nha mới đây thậm chí còn đáng thương hơn. Dù các cầu thủ hoàn toàn khỏe mạnh và HLV trưởng Jose Gonzalez khẳng định toàn đội đã không ở Trung Quốc từ ngày 2/1, tức là quá thời gian 14 ngày ủ bệnh của virus corona. Thế nhưng, hai đội bóng ở châu Âu vẫn quyết định hủy đấu giao hữu và không đưa ra lý do rõ ràng.
HLV Jose Gonzalez cùng các học trò gặp khó khi sang Tây Ban Nha tập huấn.
Khi gia đình và người thân đang phải chống chọi với dịch bệnh ở Vũ Hán, đây là lúc các cầu thủ Wuhan Zall cần sự quan tâm, đồng cảm nhất. Nhưng không, chỉ là sự cô đơn trước mặt họ. Có người còn chẳng dám bước ra ngoài khu tập luyện bởi vì sợ các ánh mắt dò xét.
Cả những đứa trẻ cũng trở thành nạn nhân của những hành động phân biệt ấy. Trong màn so tài giữa hai đội bóng nhí là Cesano Boscone Idrostar và Academy Ausonia hồi cuối tháng 1, cầu thủ 13 tuổi gốc Trung Quốc Francesco Lin đã bật khóc và chạy ngay khỏi sân khi đối thủ tiến đến nguyền rủa: "Tao ước mày cũng dính virus corona".
"Chúng ta đang ở năm 2020 nhưng sao vẫn có những hành vi phân biệt như thế chưs", Lin chia sẻ cùng sự bức xúc.
Francesco Lin chia sẻ nỗi lòng trên trang cá nhân.
Hãy lan tỏa những điều tử tế
"Con sâu không thể làm rầu nồi canh" và thật may, chúng ta vẫn thấy những nghĩa cử đẹp làm xóa nhòa phần nào chuỗi hành động phân biệt đối xử tồi tệ kia.
Nhận được thông báo về trường hợp của Lin, cả hai đội Idrostar và Ausonia đều bày tỏ sự bất bình: "Chúng tôi lên án mọi hành động phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử. Chúng tôi sẽ mạnh tay trừng phạt với tất cả những ai đi trái với giá trị của CLB".
Ở một diễn biến khác, ông lớn AC Milan cũng gửi tặng Lin một chiếc áo đã được ký tặng mà trên đó có tên cùng số áo của cậu. Lin chắc hẳn sẽ rất vui với món quà này.
Wu Lei đang chơi bóng tại Espanyol. Ảnh: Getty,
Cách không xa nơi Wuhan Zall đang đóng quân, CLB Espanyol, nơi sở hữu cầu thủ Trung Quốc Wu Lei, đã quyết định gửi tặng 450.000 chiếc khẩu trang để giúp ngăn ngừa dịch bệnh.
"Nhằm hỗ trợ Trung Quốc chống lại đại dịch gây ra bởi virus corona. Espanyol sẽ ủng hộ những thiết bị y tế cần thiết tới quốc gia này", CLB viết trên Weibo. Ngày 4/2, 450.000 chiếc khẩu trang đạt chuẩn đã tới với Trung Quốc.
Giới cầu thủ, HLV cũng tích cực chung tay chống đại dịch. Li Tie, chiến lược gia đang ngồi ghế nóng tại đội tuyển Trung Quốc, đã quyết định đóng góp một triệu nhân dân tệ (hơn 3,3 tỷ đồng) để giúp thành phố Vũ Hán. Cầu thủ từng chơi ở Trung Quốc trong 8 năm Gio Moreno cũng liên tục gửi những vật dụng y tế từ nguồn quỹ anh quyên góp được.
Jordi Cruff, con trai huyền thoại Johan Cruff thì truyền đi thông điệp tốt đẹp tới đất nước tỷ dân.
"Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì sự ủng hộ đã nhận được trong quãng thời gian ở Trung Quốc. Tại thời điểm quốc gia này gặp khó khăn, tôi muốn gửi tới các bạn tất cả sự ủng hộ và sức mạnh của tôi. Trong cuộc chiến chống virus corona, hãy tiến lên các bạn. Hãy luôn mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu này", ông viết.
Phát biểu của Jordi cũng chính là những gì tất cả chúng ta nên làm cho Trung Quốc vào lúc này. Thay vì phân biệt đối xử, hãy đồng hành với họ để đẩy lùi hoàn toàn thảm họa mang tên virus corona.
(Theo SCMP)
Bạn nên quan tâm