Với những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới, có hàng ngàn lý do để họ đặt trọn trái tim của mình vào một đội bóng nào đó, có thể vì một ngôi sao, đam mê riêng của bản thân hay sự định hướng của gia đình. Nhưng với diễn viên người Italy Diego Abatantuono, câu chuyện gắn kết ông với AC Milan có lẽ là đặc biệt nhất.
Đó là vào một ngày khi Abatantuono vẫn còn đang tấm bé, cậu bỗng nhặt được một chiếc ví bị đánh rơi. Tò mò, cậu mở chiếc ví và bất chợt bắt gặp hai bức ảnh. Một trong đó trông giống một mục sư còn người còn lại chắc chắn là một cầu thủ bóng đá. Còn quá nhỏ tuổi để biết nhận biết, Abatantuono bèn hỏi ông nội và nhanh chóng nhận được câu trả lời đã tạo ra ảnh hưởng to lớn tới cuộc đời cậu sau này.
Phía bên phải là vị mục sư đến từ Biglia. Còn bên trái, không ai khác chính là chân sút đang nổi danh nhất thời bấy giờ, Gianni Rivera. Ông mang một mái tóc dày, xoăn như một minh tinh màn ảnh nhưng tài năng cùng trái bóng mới là điều đáng nói. Nhờ ông, bóng đá tại Milan, thành Italy đã thay đổi, mãi mãi.
Gianni Rivera thời còn khoác áo AC Milan.
Vào thời đỉnh cao, tên tuổi của Rivera được gọi cùng những mỹ từ tốt đẹp nhất. Với bản năng thiên tài được tôi luyện chăm chỉ, hình ảnh của ông tương đồng với hình mẫu các fans túc cầu vẫn quen gọi lúc bấy giờ - một số 10 cổ điển.
Ở Rivera, một cái liếc mắt có thể thâu tóm mọi vị trí xung quanh. Khả năng chọn vị trí, thời điểm và tận dụng không gian của ông được cây viết bóng đá Edd Norval mô tả bằng cụm từ "thượng thừa".
Trong sự nghiệp, dù được sắp xếp ở nhiều vị trí, từ tiền vệ làm bóng đến tiền đạo ảo, nơi đâu Rivera cũng có thể biến mọi thứ thành vàng. Thập niên 60 và 70, người hâm mộ đã từng trầm trồ thế nào trước những đường chuyền sắc như dao cạo của Rivera, đưa bóng ra sau hàng thủ đối phương và đặt đồng đội vào những vị trí vô cùng thuận lợi.
Dù vậy, với khả năng ghi trung bình một bàn sau 4 trận đấu cho Milan, không thể nói Rivera chỉ là mẫu cầu thủ chỉ giỏi kiến tạo. Nhờ khả năng đột biến và phá vỡ tình thế cao độ, ông đã từng là nỗi khiếp sợ của mọi hàng thủ Italy.
Lối đá của Rivera phảng phất hình dáng của tên tuổi nào? Thật khó để chỉ ra chính xác. Nhìn các cựu cầu thủ AC Milan làm chủ trái bóng, có người nói đó là Marco van Basten, Johan Cruyff hay Roberto Baggio. Và nếu phải tìm một hình mẫu gần nhất, Norval cho rằng đó chính là huyền thoại người Pháp Zinedine Zidane.
Theo HLV nỏi tiếng Nereo Rocco, một trong những người đặt nền móng cho lối phòng thủ trứ danh Catenaccio, Rivera là một vật phẩm vô giá mà bất kỳ ông thầy nào cũng muốn sở hữu.
"Đúng vậy, cậu ấy không chạy quá nhiều, nhưng mỗi khi tôi cần một đường bóng sắc, sự sáng tạo và khả năng xoay chuyển tình thế, chỉ duy nhất Rivera có thể mang cho tôi những điều đó. Tôi không muốn sử dụng nghệ thuật nói quá. Suy cho cùng, cậu ấy cũng chỉ là một cầu thủ như bao người khác, dù vậy, thứ bóng đá cậu ấy trình diễn là thứ bóng đá thiên tài".
Mái tóc bồng bềnh và vẻ lãng tử của Gianni Rivera.
Người Italy sử dụng rất nhiều từ cụ thể để mô tả các vị trí trên sân. Một trequartista là người đóng vai trò hộ công ngay dưới tiền đạo, một fantasista thì lĩnh trách nhiệm tạo nên những đường bóng chết người cho đội nhà còn regista mô tả vị trí đánh chặn và điều tiết lối chơi. Nếu đặt ba con người trên vào một sơ đồ, hãy trao vị trí "ông chủ" cho Gianni Rivera.
Nói thế để thấy, vai trò của Rivera quan trọng đến mức nào. Thực tế, ông đã thể hiện những phẩm chất của mình ở cái tuổi 15 khi ra mắt Alessandria vào năm 1959 – cầu thủ trẻ thứ ba trong lịch sử Serie A. Một năm sau, ông trở thành người ít tuổi thứ hai có bàn thắng tại giải đấu cao nhất hình chiếc ủng.
Không bất ngờ, ở tuổi 16, Rivera đã được gã khổng lồ AC Milan dùng mọi cách mang về. Đáng nói hơn, Rivere đến đội bóng xọc đỏ đen nhằm thay thế cho người hùng World Cup Juan Schiaffino. Việc chiếm vị trí của một trong những chân làm bóng giỏi nhất thời bấy giờ có lẽ là thử thách quá khó cho chàng trai trẻ. Vậy nhưng, Rivera không biết sợ hãi.
Nhà báo Gianni Brera gọi ông với cụm từ L-Abation - ông chủ nhỏ - mô tả cho cảm quan chiến thuật của Rivera. Đến Milan ở cái tuổi còn rất trẻ, Rivera nhận dược sự hướng dẫn tận tình của Schiaffino cùng Dino Sani hay Jose Altafini. Những lời chỉ dẫn này đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp định hình phong cách chơi cho cầu thủ sinh năm 1943. Để rồi, sau này, sự thăng tiến liên tục đến với ông.
Huyền thoại Inter Giuseppe Meazza từng ca ngợi Rivera: "Cậu ấy là một gã cầu thủ đặc biệt với những cú chạm khó tin". Không chỉ Meazza và cả thế giới đều công nhận vậy. Năm 1969, ông giành cho mình Quả bóng vàng một cách xứng đáng. Về mặt tập thể, ông cùng Milan sở hữu ba Scudetto, bốn Coppa Italia, hai European Cup (tiền thân của Champions League).
Nhắc đến sự nghiệp của Rivera tại Milan không thể quên đề cập đến sự gắn bó của ông với HLV Nereo Rocco. Trong hai triều đại đầu tiên tại đội bóng thành Milan, Rocco đều xây dựng triết lý Catenaccio của mình xung quanh Rivera, trong đó sự sáng tạo và khả năng chuyển từ phòng ngự sang tấn công được dồn cả vào Rivera.
Và rồi chiếc băng đội trưởng cũng được trao cho cầu thủ sinh ra tại Alessandria. Một ông chủ trên mặt cỏ và một người thầy trên băng ghế chỉ đạo, Rivera và Rocco tao thành bộ dôi đặc biệt một thời của bóng đá Italy.
Tại Milan, Rivera được gọi với mỹ từ như "cậu bé vàng" hay "món quà vô giá" nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ trong tròn 19 năm tại đội bóng. Những lời nói hay quan điểm của ông đều giữ một sức nặng đáng kể không chỉ trong phòng thay đồ mà tại cả thành phố Milan. Giờ đây, nếu nhắc về Rivera, những người hâm mộ AC Milan thời ấy sẽ đề cập cụm từ "huyền thoại".
Gianni Rivera cùng người bạn thân Pierino Prati.
Trong một thời kỳ bóng đá Italy đề cao đến sự chắc chắn và vững chãi nơi hàng thủ, sức sáng tạo của Rivera trở thành của hiếm. Ông được gọi lên đội tuyển Thiên thanh từ World Cup 1962 và có trận ra mắt trong trận hòa 0-0 Tây Đức. Tuy nhiên, ngày hội bóng đá tại Chile cùng kỳ World Cup bốn năm sau đều không phải những ký ức đẹp với Rivera khi Azzurri của ông đều bị loại từ rất sớm.
Khi ấy, việc cho Rivera tham gia quá nhiều vào nhiệm vụ phòng ngự của HLV Edmondo Fadbri đã ảnh hưởng phần nào đến sự đóng góp của ông. Sau Fadbri và triều đại ngắn ngủi của chiến lược gia Helenio Herrera, sau cùng, sự nghiệp của cầu thủ AC Milan tại Azzurri vươn lên được tầm cao mới dưới bàn tay của Gianni Brera.
Kỳ Euro 1968 trên sân nhà, Rivera đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiệm vụ điều tiết lối chơi. Ông là nhạc trưởng, là linh hồn của từng đợt lên bóng. Đáng tiếc, một chấn thương gặp phải trong trận bán kết khiến ông không thể góp mặt trong trận đấu cuối. May mắn cho Rivera, đội tuyển Italy vẫn có thể đánh bại Tiệp Khắc và đây cũng là danh hiệu trong màu áo tuyển quốc gia duy nhất của ông.
Tại giải đấu lớn tiếp theo, World Cup 1970, đây cũng là thời điểm phong độ của Rivera đã chạm tới đỉnh cảo. Một năm trước, ông vừa khuấy động cả châu Âu và mang về nhà phần thưởng Quả bóng vàng danh giá.
Tuy vậy, Rivera vẫn không được đá chính bởi một chiến thuật kỳ lạ của ông thầy Ferruccio Valcareggi. Vào thời điểm đó, bên cạnh Rivera, đất nước chiếc ủng còn sản sinh một tài năng nơi tuyến giữa khác là Sandro Mazzola, người chơi trong màu áo Inter. Mỗi cái tên đều có những phẩm chất tuyệt mỹ riêng, Mazzola hơn về tốc độ và khả năng phòng ngự nhưng không thể sánh bằng Rivera ở góc độ hỗ trợ các đồng đội cũng như tổ chức lối chơi.
Vì thế, ông Valcareggi đã có quyết định khiến tất cả ngỡ ngàng, đó là cho mỗi người chơi một hiệp. Mazzola sẽ vào sân trước tạo sự chắc chắn cho đội nhà ở 45 phút đầu tiên trước khi Rivera mang đến sự khác biệt trên hàng công ở thời gian còn lại.
Kỳ lạ hơn, miếng sắp xếp đó lại tạo ra hiệu quả bất ngờ. Azzurri tiến thẳng một mạch vào đến trận chung kết gặp Brazil. Lo sợ trước sức mạnh hàng công được lĩnh xướng được Pele, HLV Valcareggi đã quyết định thay đổi chiến thuật và chỉ dành cho Rivera vỏn vẹn 6 phút cuối trận. Thay chiến thuật, mất niềm vui, Azzurri phơi áo 4-1 hôm ấy và ngậm ngùi chứng kiến Brazil vĩnh viễn giữ chiếc cúp Jules Rimet.
Sau chiến thắng, vua bóng đá Pele thở phào nhẹ nhõm: "Tôi đã lo lắng Rivera sẽ được vào sân sớm. Có cậu ấy, đội tuyển Italy sẽ nguy hiểm hơn". Đến nay, một số CĐV vẫn tiếc nuối. Nếu Valcareggi chấp nhận đánh bạc với Rivera, có thể Italy thay vì Brazil mới là đội tuyển đầu tiên có ba lần vô địch World Cup.
Gianni Rivera và Sandro Mazzola trong màu áo đội tuyển Italy.
Rời xa bóng đá, Gianni Rivera vẫn giữ nguyên sự khiêm tốn và mực thước từng thể hiện trên mặt cỏ. Ông vẫn ở lại AC Milan, không ngừng đóng góp trước khi trở thành Phó chủ tịch đội bóng dưới thời của Silvio Berlusconi.
Bằng những đóng góp không ngừng nghỉ cho túc cầu, vào năm 2011, Rivera được nhận danh hiệu Tổng thống UEFA. Từ đây, tên tuổi của ông đã được biết đến như Franz Beckenbauer, Johan Cruyff hay Alfredo Di Stefano trước kia.
"Gianni Rivera đích thực là một đại sứ của bóng đá tại cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia, với hơn 500 trận cho AC Milan và tham dự bốn kỳ World Cup. Rivera là một quý ông thực sự, cả trong lẫn ngoài khi thi đấu", cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini nhận định về người tiền bối.
Sau cùng, khi đã bước sang tuổi 74, Gianni Rivera sẽ không có bất kỳ điều gì phải hối tiếc về quá khứ. Ông đã cống hiến cho cả thế giới một thứ bóng đá đẹp mắt và giàu tính sáng tạo giữa lúc chiến thuật phòng thủ Catenaccio đang chạm đến đỉnh cao.
Ông đã cả sự nghiệp trung thành với đội tuyển AC Milan bất chấp những lời mời kếch xù đến từ khắp châu Âu. Ông muốn không chỉ một đội bóng mà là một gia đình. Với Rivera, đó chính là Rossoneri. Vì thế, trước ông, xin được ngả mũ thán phục.
Gianni Rivera khi nhận giải Tổng thống của UEFA.
(Theo ThesefootballTimes)