Erling Haaland và đồng đội có thể bị FIFA cấm tham dự World Cup

Tuấn Hoàng , 23:07 17/06/2021 | Bóng đá quốc tế

Chia sẻ

Quyết định tẩy chay nước chủ nhà World Cup 2022 có thể khiến ngôi sao Haaland và tuyển Na Uy bị FIFA trừng phạt bằng lệnh cấm tham dự World Cup 2026.

Theo nguồn tin từ Na Uy, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) có thể đe dọa tuyển Na Uy bằng lệnh cấm tham dự World Cup 2026 như một phần của biện pháp trừng phạt sau hành động tẩy chay chủ nhà World Cup 2022.

Được biết, phía FIFA vẫn đang chờ đợi kết quả bỏ phiếu vào ngày 19/6 tới của LĐBĐ Na Uy (NFF) về quyết định có rút lui khỏi World Cup 2022 hay không. Tromso, CLB hàng đầu của Na Uy khởi đầu cuộc tranh luận bằng cách tuyên bố tuyển Na Uy nên tẩy chay giải đấu do điều kiện làm việc tồi tệ cho lao động nhập cư.

Erling Haaland và đồng đội có thể bị FIFA cấm tham dự World Cup - Ảnh 1.

Erling Haaland và các đồng đội có thể vắng mặt tại World Cup 2026 vì ủng hộ nhân quyền

Rất nhiều CLB trong nước cũng ủng hộ quyết định này. Thậm chí theo khảo sát, có đến 55% người Na Uy ủng hộ việc đội nhà từ chối tham dự giải đấu danh giá nhất cấp đội tuyển. Theo tờ SPORTbible, nếu tiếp tục tẩy chay giải đấu, ước tính NFF sẽ thiệt hại khoảng 11 triệu USD tiền doanh thu.

Trước đó, tại các trận ở vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 3, các cầu thủ của Na Uy - bao gồm cả ngôi sao Erling Haaland - đã lên tiếng phản đối việc giải đấu được tổ chức tại Qatar vào năm tới do vấn đề nhân quyền.

Vài giờ trước trận gặp Gibraltar, đội trưởng Martin Odegaard và HLV Stale Solbakken đã tuyên bố đây là cơ hội để bày tỏ phản ứng chống lại việc nước chủ nhà Qatar bóc lột lao động nhập cư. Sau đó, trong lúc xếp hàng để hát quốc ca, đội tuyển vùng Scandinavia đã mặc những chiếc áo phông mang khẩu hiệu "Nhân quyền - trong và ngoài sân cỏ".

Erling Haaland và đồng đội có thể bị FIFA cấm tham dự World Cup - Ảnh 2.

Na Uy mặc những chiếc áo phông mang khẩu hiệu "Nhân quyền - trong và ngoài sân cỏ" vài giờ trước trận gặp Gibraltar

Tuyển Đức sau đó cũng mặc những chiếc áo phông mang khẩu hiệu "Nhân quyền" trong trận thắng Iceland 3-0 ở vòng loại World Cup 2022.

Hành động để hưởng ứng thông tin chấn động được tờ The Guardian công bố trước đó vài tuần. Theo số liệu của tờ báo Anh, đã có hơn 6.500 lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka thiệt mạng tại Qatar kể từ khi nước này giành quyền đăng cai World Cup 10 năm trước.

Trong trận đấu với Thổ Nhĩ Kỳ tại lượt trận thứ 2 bảng A vòng loại World Cup 2022, tuyển Na Uy tiếp tục phát đi thông điệp phản đối vấn đề nhân quyền ở nước chủ nhà. Vẫn với khẩu hiệu chủ đạo "Nhân quyền - trong và ngoài sân cỏ", dòng chữ trên chiếc áo bổ sung thêm "Na Uy, Đức, ai sẽ là người tiếp theo?". Cầu thủ Na Uy còn giơ 5 ngón tay lên trong lúc xếp hàng.

Tuyển Đức và Hà Lan cũng có những hành động hưởng ứng phong trào lên tiếng vì nhân quyền ở Qatar

Trong trận đấu diễn ra cùng giờ, tuyển Hà Lan cũng tham gia ủng hộ phong trào này với khẩu hiệu "Thế giới bóng đá ủng hộ những sự cải cách".