HLV Henrique Calisto: Chức vô địch AFF Cup 2008 là mốc son chói lọi nhất trong sự nghiệp cầm quân của "Thầy Tô". Sau giải đấu, HLV người Bồ Đào Nha chia tay Việt Nam vào năm 2010, ông sang Thái Lan, Angola rồi trở lại Bồ Đào Nha dẫn dắt các CLB trước khi chính thức nghỉ hưu.
Thủ môn Dương Hồng Sơn: "Người gác đền" sinh năm 1982 góp công rất lớn trong chức vô địch lịch sử của bóng đá Việt Nam. Anh được bầu làm Cầu thủ hay nhất AFF Cup 2008, đồng thời giành giải Quả bóng vàng Việt Nam cùng năm. Hồng Sơn thi đấu cho CLB Hà Nội đến năm 2016, sau đó giải nghệ, làm HLV thủ môn rồi HLV trưởng của đội trẻ Hà Nội vừa giành vé lên chơi ở giải hạng Nhì năm 2019.
Đoàn Việt Cường (áo đỏ): Hậu vệ sinh năm 1985 là người gặp nhiều trắc trở nhất trong dàn cầu thủ vô địch AFF Cup 2008. Việt Cường có chuyên môn xuất sắc nhưng anh cũng được biết đến là một tay chơi “không phải dạng vừa”. Sự nghiệp của Việt Cường nhanh chóng trượt dài trong vũng lầy. Hiện nay, Việt Cường đã nghỉ bóng đá về kinh doanh online. Trước đó, Việt Cường bất ngờ trở lại sân cỏ sau thời gian nghỉ đá bóng đi... nuôi tôm hồi 2016. Tuy nhiên, anh sớm bị Chủ tịch Lê Công Vinh của CLB TP.HCM thanh lý hợp đồng.
Vũ Như Thành (áo trắng): Đá cặp với Phước Tứ ở trung tâm hàng phòng ngự là Vũ Như Thành, cũng là một trong những trung vệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Sau khi giải nghệ năm 2017, Như Thành mở trung tâm bóng đá học đường. Hiện anh đã sở hữu bằng A huấn luyện viên.
Lê Phước Tứ (áo đỏ): Là một trong những hậu vệ hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, Phước Tứ góp công cực lớn trong chức vô địch lịch sử năm 2008. Hiện anh làm HLV ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. Trong sự nghiệp của mình, anh thi đấu cho Thể Công từ 2005 đến 2009, sau đó phiêu bạt qua Thanh Hóa, Xuân Thành Sài Gòn, Quảng Nam, Ninh Bình và giải nghệ trong màu áo Bình Dương.
Huỳnh Quang Thanh: Hậu vệ thép một thời của ĐT Việt Nam chạm đáy sự nghiệp vào năm 2017. Anh bị cấm thi đấu 2 năm sau khi dính vào bê bối của Long An. Về sau, được giảm án, Quang Thanh tiếp tục đá cho Long An ở giải hạng nhất rồi giải nghệ khi mùa 2018 khép lại. Hiện anh đã bắt đầu theo học lớp HLV.
Nguyễn Vũ Phong (áo đỏ): Sau AFF Cup 2008, Vũ Phong còn chơi cho Bình Dương và Đà Nẵng. Giải nghệ năm 2017, Vũ Phong làm trợ lý cho HLV Minh Phương ở CLB Đà Nẵng.
Phan Văn Tài Em: Sau vinh quang AFF Cup 2008, Tài Em tiếp tục thi đấu cho Đồng Tâm Long An đến năm 2011 rồi chuyển qua Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn rồi trở về Long An và giải nghệ ở đây. Tài Em trở thành HLV của CLB Sài Gòn từ đầu mùa 2018 nhưng sớm từ chức vì thành tích yếu kém của đội.
Lê Tấn Tài: Trong lứa cầu thủ vô địch AFF Cup 2008, Tấn Tài là người hiếm hoi vẫn còn thi đấu đỉnh cao. Anh góp công lớn trong chức vô địch Cúp Quốc gia của Bình Dương và được tái ký hợp đồng có thời hạn 1 năm.
Nguyễn Minh Phương: Anh là người đá quả phạt quyết định để Lê Công Vinh đánh đầu ghi bàn thắng đem về chiếc cúp vô địch cho ĐT Việt Nam. Minh Phương thi đấu cho Đà Nẵng từ 2010 đến 2015. Sau khi giải nghệ, anh đi học bằng HLV và được mời ngồi vào ghế cầm quân Đà Nẵng từ mùa giải 2018.
Nguyễn Việt Thắng: Sự nghiệp của Thắng "Bế" bước sang trang mới sau chức vô địch AFF Cup 2008. Anh ký vào những bản hợp đồng chuyển nhượng đắt giá, chuyển qua nhiều đội bóng như Ninh Bình, Bình Dương hay Thanh Hóa. Năm 2014, Việt Thắng trở lại Long An, đeo băng đội trưởng và thi đấu tới khi giải nghệ. Anh làm HLV ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF trong 4 năm. Mới đây, Việt Thắng đã nói lời chia tay PVF.
Lê Công Vinh: Người hùng AFF Cup 2008, người đánh đầu ghi bàn thắng quyết định, tiền đạo hay nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Sau giải, Công Vinh đầu quân cho Hà Nội T&T, sau đó là CLB Hà Nội trước khi trở lại Nghệ An và có thời gian sang Bồ Đào Nha, Nhật Bản chơi bóng. Công Vinh giải nghệ sau AFF Suzuki Cup 2016. Anh trở thành Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM nhưng từ chức vào ngày 1/5/2018, chỉ sau hơn 1 năm giữ vị trí này. Gần đây, anh xuất bản cuốn tự truyện "Phút 89" gây nhiều tranh cãi.
Bạn nên quan tâm