Thủ môn: Bùi Tiến Dũng (CLB TP.HCM)
Năm 2018 là năm đổi đời của Bùi Tiến Dũng dù không sở hữu tài năng đặc biệt. Ước muốn năm mới của Dũng "gôn" lúc này đơn giản là chăm chỉ tập luyện và chờ cơ hội được ra sân nhiều hơn tại CLB TP.HCM.
Trung vệ: Hồ Tấn Tài (Bình Định)
Hồ Tấn Tài là hiện tượng của V.League hai mùa giải qua khi sở hữu số bàn thắng mà nhiều tiền đạo cũng mơ ước. Năm 2021, Tấn Tài rời Bình Dương về thi đấu cho đội bóng quê hương Bình Định. Dưới bàn tay HLV Đức Thắng, anh hứa hẹn sẽ thi đấu ngày càng tốt hơn.
Trung vệ: Trần Đình Trọng (Hà Nội FC)
Nếu Đình Trọng không gặp chấn thương nặng vào giữa năm 2019 thì có lẽ khó có trung vệ Việt Nam nào được đánh giá cao hơn anh. Sau hơn 1 năm đối mặt với các chấn thương, Trọng "ỉn" đã trở lại. Mong ước trong năm tuổi chỉ đơn giản là không gặp chấn thương, được thi đấu nhiều hơn cho Hà Nội FC và đội tuyển Việt Nam.
Trung vệ: Nguyễn Thành Chung (Hà Nội FC)
Không nằm trong đội hình dự FIFA U20 World Cup 2017 nhưng Thành Chung đã có bước tiến vượt bậc trong hai năm trở lại đây. Anh trở thành trụ cột hàng thủ Hà Nội FC, là nhân tố chính cùng U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 2019. Mục tiêu tiếp theo của Thành Chung là vô địch AFC Cup cùng Hà Nội FC và được ra nước ngoài thi đấu.
Tiền vệ trung tâm: Nguyễn Trọng Đại (Viettel)
Từng được đánh giá sở hữu tài năng tương đương Quang Hải nhưng những chuyện ngoài lề khiến sự nghiệp của Trọng Đại không đạt đỉnh như kỳ vọng. Sau những vết trượt, Trọng Đại đã chuyên tâm hơn vào phát triển sự nghiệp và đặt mục tiêu được khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Tiền vệ trung tâm: Nguyễn Trọng Huy (Bình Dương)
Ở lứa tuổi này, Trọng Huy thuộc nhóm tiền vệ trung tâm tốt nhất. Cùng với Tiến Linh, anh đại diện cho thế hệ mới của CLB Bình Dương, niềm tự hào từ lò đào tạo trẻ của đội bóng đất Thủ.
Tiền vệ cánh: Dương Văn Hào (Viettel)
Chấn thương đứt dây chằng cổ chân gặp phải vào năm 2018 đã khiến sự nghiệp của Dương Văn Hào bị chững lại. Anh có thể thi đấu tốt ở nhiều vị trí trên sân như tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ cánh. Ở Viettel, Dương Văn Hào sẽ sớm là nhân tố được đá chính thường xuyên. HLV Park Hang-seo cũng đưa anh vào danh sách theo dõi đặc biệt cho đội tuyển Việt Nam.
Tiền vệ cánh: Nguyễn Trọng Hùng (Thanh Hoá)
Khi hỏi HLV Ljupko Petrovic đâu là cầu thủ Thanh Hoá giàu tiềm năng nhất, ông sẽ không ngần ngại trả lời ngay cái tên Nguyễn Trọng Hùng. Chấn thương từ SEA Games 2019 đến nay vẫn âm ỉ khiến anh chưa thể trở lại đội hình xứ Thanh. Cải thiện thể lực và tốc độ, anh sẽ có nhiều đất diễn dưới bàn tay của HLV lừng danh Petrovic.
Tiền vệ công: Nguyễn Quang Hải (Hà Nội FC)
Quang Hải chắc chắn là cái tên xuất sắc nhất của thế hệ 1997. Anh đã có đầy đủ các danh hiệu cấp CLB và ĐTQG ở trong nước lẫn khu vực. V.League hay Hà Nội FC giờ đã là tấm áo quá chật và người hâm mộ vẫn chờ đợi anh xuất ngoại. Với tài năng thiên phú, anh được kỳ vọng làm rạng danh bóng đá Việt ở nước ngoài.
Tiền đạo: Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương)
Tiến Linh đang là lựa chọn số 1 của HLV Park Hang-seo cho vị trí tiền đạo cắm ở đội tuyển Việt Nam. Không sở hữu tốc độ quá tốt nhưng kỹ thuật, khả năng dứt điểm sắc bén là điều Tiến Linh làm tốt nhất trong số tiền đạo nội vào lúc này.
Tiền đạo: Hà Đức Chinh (Đà Nẵng)
Đức Chinh được xem là sản phẩm tốt nhất của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. Tốc độ và sự xông xáo là điểm mạnh của Chinh "đen". HLV Park Hang-seo từng chia sẻ: "Tôi đã thử nhiều tiền đạo nhưng không ai làm tốt hơn Đức Chinh, Công Phượng, Tiến Linh".
Những cầu thủ sinh năm 1997 đáng chú ý khác:
- Thủ môn: Ngô Xuân Sơn (Viettel)
- Hậu vệ: Vũ Viết Triều (Bình Định), Trương Dũ Đạt (Bình Dương)
- Tiền vệ: Phan Thanh Hậu (TP.HCM), Trần Mạnh Hùng (Nam Định), Triệu Việt Hưng (HAGL), Martin Lo, Lâm Quí (Hải Phòng), Trương Văn Thái Quý, Đậu Văn Toàn (Hà Nội FC), Tống Anh Tỷ, Trần Duy Khánh (Bình Dương)
- Tiền đạo: Nguyễn Công Thành (TP.HCM)
Ảnh: Hiếu Lương, GN, AFC