Vòng loại NBA từ lâu đã nổi tiếng với tính chất khắc nghiệt. Đây là nơi các HLV thể hiện tầm nhìn chiến lược của mình và các cầu thủ nằm ngoài đội hình xuất phát cũng có thêm cơ hội nâng vai trò trong đội bóng. Lịch sử NBA Playoffs đã chứng kiến không ít màn trình diễn đẳng cấp của những cầu thủ dự bị. Thậm chí có người còn nắm trong tay chìa khóa để mở ra cánh cửa hy vọng cho đội bóng.
Nhân dịp mùa giải 2020-21 chuẩn bị bước vào giai đoạn gay cấn nhất, cùng điểm lại cống hiến ấn tượng của những "người hùng thầm lặng" trong lịch sử vòng loại NBA.
Nathaniel Cornelius Robinson là một cầu thủ 36 tuổi đã giã từ NBA 6 năm trước. Anh chỉ thi đấu một mùa giải duy nhất cho Chicago Bulls nhưng màn trình diễn đỉnh cao từ băng ghế dự bị vào mùa giải 2012-13 vẫn để lại cho NHM ấn tượng sâu sắc.
Đó là trận thứ 4 của vòng đầu tiên thuộc khuôn khổ NBA Playoffs 2013, đối thủ của "Đàn bò tót" là Brooklyn Nets. Đồng hồ đếm ngược chỉ còn 3 phút, Chicago vẫn đang bị dẫn trước 14 điểm. Đó là lúc Robinson tỏa sáng. Anh ghi liên tục 12 điểm, dẫn đầu "Đàn bò tót" đang nổi giận tiến vào hiệp đấu phụ.
Trong thời gian cuối trận anh đã phạm 5 lỗi cá nhân và phải rời sân, thế nhưng sự tỏa sáng đúng lúc của Robison đã thắp lên tia hy vọng cho Bulls, giúp họ lội ngược dòng trước đối thủ với tỷ số 142-134. Với lợi thế dẫn trước, họ đã kết liễu Nets ở trận đấu thứ 7. Về phía cầu thủ 36 tuổi, kể từ khi ra sân từ băng ghế dự bị, anh một mình ghi 34 điểm trong vòng 29 phút, trong đó 23 điểm được ghi chỉ trong hiệp 4.
"Soái ca" Miami Heat khi mới bước vào NBA từng có 3 mùa giải khoác áo Phoenix Suns. Đáng nhớ nhất là loạt trận bán kết miền vào năm 2010 khi Goran Dragic cùng đội bóng đối đầu với San Antonio Spurs, một thế lực hùng mạnh tại NBA lúc bấy giờ.
Sau khi có một trận thua, 2 trận thắng, Suns đã bị lấn át trong phần lớn thời gian Game 3. Tuy nhiên khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, Suns lại có cho mình chiến thắng thứ 3 với tỷ số 110-96. Để có được kết quả này, công lớn thuộc về Goran Dragic
Bắt đầu thi đấu từ hiệp 4, trên tổng số 39 điểm của đội bóng, anh ghi 23 điểm bằng 11 cú ném hiểm hóc, trong đó có 4 cú ném tầm xa. Lúc đầu, Goran được thay vào sân nhằm giảm gánh nặng thể lực cho ngôi sao Steve Nash. Thế nhưng anh đã làm nhiều hơn cả vai trò của mình. Cống hiến của Goran Dragic đã giúp Suns kết liễu Spurs tại loạt trận này với thành tích 4-1 và trả mối thù 4 mùa Playoffs liên tiếp bị loại bởi thầy trò HLV Gregg Popovich.
Tân binh Miami Heat đã có một mùa giải để đời khi vừa bước chân vào NBA. Sau bao "tiếng xấu" tại NCAA, Tyler Herro cuối cùng cũng ghi điểm trong lòng khán giả bằng trận đấu thứ 4 của loạt trận Chung kết miền Đông tại mùa giải năm ngoái. Đối thủ đáng gờm của họ là Boston Celtics.
Ở độ tuổi 20, chưa cầu thủ nào từng tiến xa đến thế tại NBA ngoài Tyler Herro. Anh đã chứng minh cho nhiều người thấy quyết định bỏ ngang đại học của mình là hoàn toàn đúng đắn. Trong 36 phút thi đấu, tân binh Heat đã khuấy đảo hàng phòng ngự dày dặn kinh nghiệm của Celtics bằng hiệu suất 14/21 trong đó có 5 quả 3 điểm cùng với 6 rebounds và 3 assists. Cũng bằng trận đấu này, anh đã san bằng kỷ lục của huyền thoại Magic Johnson khi trở thành cầu thủ 20 tuổi thứ hai tại NBA ghi ít nhất 37 điểm trong một trận Playoffs.
Vinnie Johnson còn được biết với nickname "Lò vi sóng" nhờ khả năng làm tăng nhiệt độ trận đấu một cách nhanh chóng. Cựu cầu thủ 63 tuổi từng dành 10 năm gắn bó với Detroit Pistons và chưa từng "chiếm sóng", cho tới Game 4 tại loạt Bán kết miền mùa giải 1984-85.
Bước vào hiệp 4, Pistons đã đối mặt với nguy cơ bị dẫn trước 3-1 với tỷ số khi đó là 76-87. Vinnie đã lựa chọn đúng thời điểm để tỏa sáng và lập tức ghi 22 điểm trên tổng số 26 điểm của Detroit tại hiệp cuối, khiến cho nỗ lực phòng thủ của Celtics trở thành trò trẻ con. Con số 22 điểm này còn nhiều hơn số điểm mà cả đội Celtics ghi được trong hiệp cuối (12 điểm).
Thật đang tiếc là sau ngày hôm đó, Boston Celtics đã nhanh chóng xốc lại tinh thần để cuối cùng giành tấm vé đi tiếp với thành tích 4-2. Thế nhưng màn trình diễn của Vinnie Johnson đã cho ông một dấu ấn để đời trong lòng NHM.
Những năm 2000, Dallas Mavericks từng "làm mưa làm gió" với bộ ba siêu khủng Dirk Nowitzki - Steve Nash - Michael Finley. Bộ ba sức mạnh này khiến người ta quên mất sự hiện diện của một cầu thủ khác không kém quan trọng. Đó là Nick Van Exel. Cựu cầu thủ 49 tuổi đã giải nghệ vào năm 2006 trong màu áo San Antonio Spurs. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục gắn liền với NBA và bóng rổ thông qua vai trò trong ban huấn luyện.
Tại Game 3 của loạt trận Bán kết năm 2003, Nick đã thả 40 điểm vào rổ của Kings. Đây là kỷ lục thứ nhì tại NBA vẫn trường tồn đến ngày nay về số điểm cao nhất được ghi trong một trận Playoffs. Phần thi đấu bùng nổ của cựu cầu thủ đã giúp Dallas "lật kèo" dù bị dẫn trước 16 điểm. Đặc biệt, cú ném chính xác của ông trong hiệp 4 đã giúp đội bóng kéo dài hy vọng đến hiệp phụ.
Van Exel rời trận đấu với hiệu suất ghi điểm 14/26 trong đó có 6 quả 3 điểm cùng 7 rebounds và 7 assists. Mavericks chiến thắng sau 2 hiệp phụ với tỷ số 141-137 và giành quyền góp mặt tại series chung kết miền năm đó.
Stephen Curry không phải cái tên xa lạ với khán giả NBA đương đại. Chúng ta thường xuyên nhắc đến anh với cái những cái biệt danh hoa mỹ như "Bếp trưởng", "Xạ thủ ném 3" hay "Vua ghi điểm của NBA". Nhưng hiếm khi nào NHM thấy anh lọt top những cầu thủ dự bị.
Tại mùa giải 2016, Curry đang phục hồi sau chấn thương đầu gối phải. Ở thời điểm đó phong độ của anh khó mà ổn định như bây giờ, nhất là khi đang chịu đau. Theo như kế hoạch ban đầu, Golden State Warriors sẽ giới hạn số phút thi đấu của ngôi sao này xuống còn 25 phút/trận. Nhưng vì Shaun Livingston, cầu thủ thay thế Curry trong đội hình xuất phát tại Game 4, chạm trán với Portland Trail Blazers tại bán kết miền, bị truất quyền thi đấu nên "Bếp trưởng" buộc phải gồng gánh đến hết trận.
Anh nhập cuộc có phần khó khăn khi liên tục bỏ lỡ những cú ném 3 điểm. Nhưng đến cuối trận, anh đã nhanh chóng nhắc nhở mọi người lí do anh là MVP 2015 bằng 40 điểm, bao gồm 17 điểm trong hiệp phụ. Curry đồng thời cũng san bằng kỷ lục nói trên với Van Exel. Màn trình diễn thăng hoa của "Vua ghi điểm" góp phần giúp Warriors giành chiến thắng 132-125 và trở thành Á quân của mùa giải năm đó.
Năm nay, mùa Playoffs sắp trở lại, hứa hẹn sẽ đem đến những khung bậc cảm xúc từ kịch tính đến vỡ oà, không kém những màn trình diễn bùng nổ trong lịch sử NBA. Loạt trận NBA Playoffs 2021 sẽ chính thức diễn ra vào rạng sáng ngày 23/5 (giờ Việt Nam). Mở màn là trận đấu giữa hạt giống số 3 và hạt giống số 6 miền Đông, Milwaukee Bucks đối đầu Miami Heat.