Mới đây, người hâm mộ Việt Nam đã đón nhận một tin sét đánh, đó là việc trung vệ Đỗ Duy Mạnh dính chấn thương đứt dây chằng chéo trước và buộc phải phẫu thuật. Dự kiến, cầu thủ của CLB Hà Nội sẽ phải nghỉ thi đấu ít nhất 7 tháng mới có thể quay trở lại tập luyện.
Trong 2 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp cầu thủ Việt Nam gặp vấn đề với dây chằng. Từ những tuyển thủ như Đình Trọng, Xuân Trường, Văn Thanh... cho đến các gương mặt trẻ như Văn Tới hay Văn Nam (đều của CLB Hà Nội). Sự nghiệp đang lên của họ bỗng nhiên chững lại vì chấn thương quái ác và cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Với những vận động viên đỉnh cao, dây chằng chẳng khác nào thứ "bảo vật" vô giá.
Sau khi Duy Mạnh chấn thương, nhiều người đã có những bình luận vô duyên như "lấy vợ đen lắm" ngay trên trang cá nhân của anh. Đây chỉ là lời nói cho đã miệng của cử dân mạng mà thôi, thực tế đứt dây chằng là hệ quả của một quá trình, thông thương là do thi đấu quá nhiều dẫn đến mệt mỏi hoặc đơn giản chỉ là một khoảnh khắc không may mắn.
Dây chằng chéo trước (DCCT) khớp gối có vai trò quan trọng thế nào?
Giống như tất cả các dây chằng, DCCT có nhiệm vụ làm vững gối. Theo trục trước - sau, nó ngăn cản sự trượt ra phía trước của xương chày so với xương đùi: vì thế nó chặn lại chuyển động "ngăn kéo trước" của xương chày so với xương đùi
Theo trục xoay, dây chằng chéo trước ngăn không cho xương chày xoay vào trong so với xương đùi, khi cẳng chân xoay vào trong dây chằng chéo trước sẽ quấn quanh dây chằng chéo sau.
Đứt dây chằng chéo trước không gây nên biến chứng gì cho chuyển động của khớp gối theo trục gấp duỗi. Nhưng khớp gối lại không được bảo vệ trong vận động xoay và xoắn vặn: đặc biệt là trong trường hợp xoay người, mà bàn chân cố định dưới đất.
Do đó khi đứt DCCT bệnh nhân sẽ giảm chức năng gối, đặc biệt trong các hoạt động đòi hỏi di chuyển nhanh, mạnh và đột ngột như chơi các môn thể thao cần di chuyển nhiều như: bóng đá, tennis, bóng chuyền,... Ngoài ra còn có tổn thương thứ phát các thành phần khác của gối, trong đó 2 thành phần dễ bị ảnh hưởng nhất là sụn chêm và sụn mặt khớp. Tổn thương sụn chêm thường gặp là rách sụn chêm dẫn đến biểu hiện đau, kẹt khớp và tràn dịch khớp. Tổn thương sụn khớp dẫn đến hư khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp. Nếu bị thoái hóa khớp gối thì việc thay khớp gối sẽ phức tạp và tốn kém rất nhiều so với điều trị đứt dây chằng gối.
Ngay khi bị tổn thương dây chằng, các cầu thủ có thể cảm nhận phần nào khi thấy tiếng "rắc" phát ra từ đầu gối. Họ sẽ thấy đầu gối rất đau và sưng phù nề do dây chằng vừa đứt, dẫn đến chảy máu và tổn thương cấu trúc bên trong của khớp. Cơn đau sẽ trở nên dữ dội khi di chuyển, đây chính xác là những gì mà Duy Mạnh hay Xuân Trường đã gặp phải. Họ không thể tự đi lại mà cần có người giúp đỡ hoặc dùng nạng cùng dụng cụ cố định khớp gối.
Các nguyên nhân dẫn đến đứt dây chằng
Với người bình thường, khi tập thể thao, việc đứt dây chằng là một việc hy hữu. Tuy nhiên, các vận động viện thường xuyên có những động tác va chạm mạnh, đặc biệt là trong những môn đối kháng, hoàn toàn có thể dẫn đến dễ dàng đứt dây chằng.
Nguyên nhân dẫn đến chấn thương này có rất nhiều yếu tố. Có thể do thể trạng của vận động viên không được tốt, khởi động chưa kỹ, hay do tư thế va chạm với đối phương khi bị bất lợi, đây là tình huống mà Duy Mạnh đã gặp phải. Đầu gối của anh đã phải chịu lực quá mạnh khi ngoại binh to cao của TPHCM mất đà và thúc mạnh đúng thời điểm chân chạm đất.
Bên cạnh đó, việc dinh dưỡng của các cầu thủ cũng là vấn đề. Tại Việt Nam, điều này chưa thực sự được chú trọng. Hãy nhìn vào trường hợp của Văn Hậu. Chàng trai trẻ này đã có những tiến bộ vượt bậc về thể chất chỉ sau vài tháng thi đấu tại Hà Lan, được các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ của SC Heerenveen tư vấn, theo dõi sát sao về việc ăn uống. Trong khi các đội bóng của Việt Nam hầu hết đều hờ hững với vấn đề này.
Thi đấu quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến thể chất của các cầu thủ suy giảm và dẫn đến chấn thương. Trong năm 2019 vừa qua, Duy Mạnh đã thi đấu 3386 phút cho CLB Hà Nội và 1004 phút cho các ĐT Quốc gia. Đó là con số rất lớn mà mọi cầu thủ trên thế giới đều cảm thấy mệt mỏi.
Trong tự truyện của mình, Michael Carrick, cầu thủ nổi tiếng có lối sinh hoạt chuẩn mực nhất cũng chia sẻ rằng có những lúc anh cảm thấy "sợ phải thi đấu cho đội tuyển Quốc gia" vì quá mệt mỏi sau mùa giải căng thẳng. Việc di chuyển liên tục từ nước này đến nước khác có thể bào mòn rất nhiều thể lực của cầu thủ, khiến các chấn thương có thể đến bất kỳ lúc nào.
Duy Mạnh cần bao lâu để trở lại?
Đây là câu hỏi rất khó để trả lời. Thông thường các cầu thủ Việt Nam cần ít nhất 7 tháng để có thể tập với bóng. Trước mắt, Duy Mạnh cần thời gian để đầu gối hết sưng và tiêu dịch, khớp gối đã có thể hoạt động với mức độ co duỗi bình thường. Việc mổ dây chằng đầu gối quá sớm khi còn sưng nề khiến bệnh nhân có nguy cơ bị cứng khớp sau mổ. Quá trình này có thể mất từ 2-3 tuần.
CLB Hà Nội cho biết, họ sẽ đưa Duy Mạnh sang Singapore để phẫu thuật, đó là sự lựa chọn tói ưu ở thời điểm hiện tại. Sau đó, anh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong một khoảng thời gian nhất định, chỉ khi vết mổ lành hẳn, Duy Mạnh mới có thể tập luyện hồi phục.
Dù sao, chúng ta hãy cùng gửi đến Duy Mạnh những lời chúc tốt đẹp nhất thay vì dùng những lời vô duyên như "lấy vợ đen lắm", bởi hai việc này chẳng liên quan gì đến nhau. Mong rằng chàng trung vệ đáng mến của ĐT Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này và trở lại sớm nhất có thể.
Bạn nên quan tâm