"Tôi biết rằng tôi đang đánh cược với mạng sống của mình. Thực tế là mỗi ngày. Một buổi test, vòng loại hay cuộc đua chính thức, tất cả đều có thể ngày cuối cùng của cuộc đời. Tôi luôn nhìn nhận cuộc đời theo góc độ đó, để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xấu nhất, những người thân có thể giảm bớt nỗi đau buồn", David Coulthard nói với tờ The Times.
Như Hemingway đã nhận xét, 3 môn thể thao, gồm leo núi, đấu bò và đua xe, có một đặc điểm chung: người tham gia luôn đối mặt với cái chết.
Với Coulthard, mỗi khi đội chiếc mũ bảo hiểm và đặt chân lên bàn đạp, đồng nghĩa với việc chuẩn bị bước vào vũ trụ song song, nơi ông sẽ trải quá hành trình cam go dài 240km với vận tốc 322km/h. Và khi ấy, nhịp tim của ông có thể tăng lên 200 nhịp mỗi phút, gấp đôi bình thường. Đồng thời, chống chọi với sức nóng khủng khiếp cùng lực G gia tốc (G-force), được sinh ra khi thay đổi tốc độ đột ngột khiến tay đua rơi vào tình trạng thiếu oxy.
Mỗi lần ngồi vào chiếc xe đua là mỗi lần Coulthard đánh cược với mạng sống.
Chưa hết, quá trình đạp phanh ở chiếc xe nhanh nhất thế giới cũng gây ra vấn đề. Đột nhiên buồng lái giảm tốc độ xuống còn 80km/h trong vòng 2 giây, nhưng khi ấy đầu của Coulthard, cộng với trọng lượng của chiếc mũ bảo hiểm nặng nề vẫn lao đi với vận tốc cũ, khoảng 322km/h. "Nếu cổ của bạn không đủ cứng, bạn không có cơ hội sống sót mỗi lần", ông nói.
Trong một lần phỏng vấn khác, Coulthard nói rằng "tiền đến và đi, cuộc sống là quan trọng nhất". Vậy tại sao ông lại chấp nhận mạo hiểm với cuộc sống của mình?
Câu trả lời dĩ nhiên là đam mê.
Coulthard sinh ra trong một gia đình làm nghề vận tải và lớn lên cùng mùi dầu mỡ và những bánh xe bụi bặm. Bố mẹ ông cũng không dạy con theo kiểu nuôi gà công nghiệp, mà tin rằng các kỹ năng xã hội mới thực sự cần thiết.
Vì vậy, trong những chuyến đi xa, cậu bé Coulthard sẽ ngồi trên đùi bố và ngắm nhìn thế giới qua ô kính. Năm 11 tuổi, Coulthard đã sở hữu một Go Kart (xe đua công thức 1 dạng mini). Ban đầu bố ông đặt chân lên bàn đạp còn ông, lọt thỏm trong lòng bố và chỉ đạo. Sau thì Coulthard tự lái, phóng qua vườn nhà mà không có mũ bảo hiểm trước ánh mắt giận dữ của bà mẹ.
Từ năm 11 tuổi, Coulthard đã bắt đầu ngồi vào chiếc xe đua.
Coulthard còn một anh trai và em gái, tất cả đều yêu tốc độ. Như ông thừa nhận, ông không có sự liều mạng như ông anh Duncan, chạy chậm hơn cô em Lynsay nhưng có đạo đức nghề nghiệp. Đó là lý do ông nổi tiếng với phong cách lái xe trươn mượt, uyển chuyển và bền bỉ.
Năm 2008, ngay trước thời điểm giã từ sự nghiệp, Coulthard là tay đua nhiều tuổi nhất (37) còn cầm lái trên đấu trường Công thức 1. Trong 15 năm đỉnh cao, ông đã tham gia 236 cuộc đua, đoạt 13 giải Grand Prix. Một gia tài đồ sộ.
Đua xe đã mang lại cho Coulthard nhiều thứ mà ông có thể mơ. Và khi nhìn lại, ông sẽ thầm cảm ơn Chúa vì đã không bỏ mạng vì nó. Thật ra đã có lần Coulthard thực sự đối mặt với cái chết, nhưng không phải trên chiếc xe đua, mà là một chiếc máy bay.
Đó là năm 2000 và ông đang bay tới Nice trên chiếc máy bay tư nhân. Động cơ bị hỏng và Coulthard nhìn thấy đèn nháy cũng như phát hiện ra các tiếng động lạ lùng. Điều kỳ lạ là ông đã rất bình thản để đối mặt với thảm họa. Có lẽ vì ông luôn sẵn sàng để chết.
Đua xe đã mang lại cho Coulthard nhiều thứ mà ông có thể mơ.
Chiếc máy bay sau đó lao xuống, mũi cày xuống mặt đất khiến phần trước bị xé ra khỏi thân và 2 phi công mất mạng ngay lập tức. Coulthard bình tĩnh ra khỏi máy bay và điều đầu tiên ông nghĩ đến là "máy bay hỏng rồi, giờ về nhà thế nào đây?".
Coulthard từng kể rằng ông đã lớn lên trong nỗi sợ hãi. Vào mỗi buổi tối, ông thường hình dung ra một con quái vật. Nó sẽ đến và đưa ông qua những con đường lạnh lẽo và heo hút của Twynholm, ngôi làng nằm sát biên giới Scotland. Ông ghét cảm giác sợ hãi. Và chiếc xe đua giúp ông đối phó với nó.
Đua xe Công thức một mang đến sự hiểm nguy, nhưng cũng chính nó thúc đẩy khát khao sống một cách trọn vẹn. Đó là cách Coulthard trở thành một tay đua lừng danh.