Từ trước đến nay, những cảnh phim hành động cũng như những câu chuyện kể về các cuộc ẩu đả đều ít nhiều xuất hiện "tuyệt chiêu" đập chai thủy tinh làm vũ khí. Dù đây là một cách chiến đấu hoàn toàn có thật, nhưng nó không phải là không có rủi ro.
Thậm chí, trong một vài trường hợp, hành động đập chai thủy tinh làm vũ khí còn có thể làm bạn bị thương.
Các loại thủy tinh khác nhau sẽ cho ra những kiểu nứt, vỡ khác nhau. Bên cạnh đó, độ dày, đặc của thủy tinh cũng gây ảnh hưởng đến tính liên kết của nó. Vì thế các loại chai thủy tinh khác nhau cũng sẽ có những vết gãy khác nhau, đôi khi gây nguy hiểm đến người sử dụng.
Chẳng hạn đối với những chai thủy tinh mỏng, tính liên kết trong thủy tinh của chai rất yếu. Do đó, chỉ cần một tác động nhẹ, cả chai có thể bị vỡ vụn chứ không phải chỉ riêng phần đáy chai.
Thí nghiệm đập chai thủy tinh làm vũ khí
Những mảnh vỡ xui xẻo này sẽ có thể cắt vào tay bạn trước khi bạn kịp làm gì đó. Điều này thường xảy ra với các loại chai thủy tinh mỏng có tính liên kết yếu. Trong khi đó, với những loại thủy tinh dày, việc đập vỡ nó cũng là một điều khá khó khăn.
Như đã nói ở trên, việc đập vỡ chai có thể khiến bạn bị "đứt tay" trước khi kịp làm gì. Nếu xui xẻo, những mảnh vỡ này có thể cắt trúng động mạch và khiến tình hình trở nên càng nghiêm trọng.
Trong khi đó, nếu vớ phải một chiếc chai dày, việc đập vỡ được nó gần như là bất khả thi với sức người. Bên cạnh đó, giả sử bạn đã đập vỡ được cái chai và không gặp phải vết cắt nào, cũng có nhiều khả năng cái chai ấy đã vỡ đến tận phẩn cổ chai.
Các nhà sản xuất chỉ quan tâm đến chất liệu thủy tinh và khả năng bảo quản thức uống chứ không quan tâm đến khả năng tự vệ của chúng. Vì thế, không có gì đảm bảo rằng khi bạn đập vỡ cái chai, chỉ có phần đáy chay bị ảnh hưởng. Chúng có thể gãy rất sâu đến tận cổ chai và không còn khả năng gây nguy hiểm.
Giả sử bạn vượt qua cả 2 điều trên, vấn đề cuối cùng có thể gây rắc rối cho bạn chính là luật pháp. Một chiếc chai thủy tinh và một món vũ khí sắc nhọn lởm chởm bằng thủy tinh là 2 vật có tính chất hoàn toàn khác nhau theo Bộ Luật Hình sự.
Tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng đã nêu rõ:
- "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Như vậy, chiếc chai thủy tinh thông thường chỉ là một "phương tiện nguy hiểm" nếu dùng nó tấn công người khác. Tuy nhiên, mảnh chai sắc nhọn do cố ý đập vỡ sẽ được liệt vào hung khí do "người phạm tội chế tạo ra".
Với chi tiết này, dù cho là tự vệ, bạn vẫn có thể gặp nhiều rắc rối. Bên cạnh đó, "chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ", đôi khi những con người nóng nảy vì không kiềm chế được cơn giận đã để bản thân lao vào ẩu đả mà họ lầm tưởng là hành vi "tự vệ".