Nếu không có loạt sút luân lưu định mệnh với Jordan, Văn Lâm sẽ lại trở thành chủ đề châm chọc sau quả đá phạt thành bàn của đối phương. Nếu không có loạt sút luân lưu ấy, Văn Lâm sẽ chẳng thể có cơ hội đối diện với nỗi ám ảnh trong sự nghiệp kể từ khi đặt chân đến Việt Nam. Nỗi ám ảnh mang tên "đá phạt 11m".
Và tại Al-Maktoum tối 20/1, cái "dớp" ấy chính thức đầu hàng chàng trai 25 tuổi.
Văn Lâm bay người, Văn Lâm cản phá, những trọng trách thường tình của một thủ môn, Văn Lâm đều làm tốt. Từ V.League cho đến đội tuyển quốc gia, thân hình lực lưỡng cao gần 1m90 ấy là nỗi ám ảnh với không ít chân sút, khiến họ chùn chân, còn bản thân anh giữ lại những điểm số quý giá cho đội nhà. Thế nhưng, chính Văn Lâm cũng có những nỗi ám ảnh.
Kể từ ngày đặt chân về Việt Nam, Văn Lâm ngày càng tiến bộ, những pha cản phá không tưởng, những trận giữ sạch lưới nhiều lên qua từng năm. Tiếc rằng, số lần cản phá phạt đền thì vẫn dậm chân ở số không tròn trĩnh suốt 8 năm ròng. Như "gót chân Asin", để rồi chính anh phải thốt lên như tự uý lạo tinh thần mình: "Sẽ có lúc tôi bắt được penalty".
Đó là niềm mơ ước nằm trong khát khao lớn lao tự biến mình trở thành một thủ môn tốt nhất. Giữa không gian huyên náo bốn bề SVĐ Al-Maktoum ở thành phố xa hoa Dubai, Văn Lâm góp một tay đưa đội tuyển Việt Nam đánh bại Jordan ở vòng 1/8 Asian Cup 2019. Còn gì ngọt ngào hơn khi chiến thắng ấy đến sau loạt sút luân lưu mà Văn Lâm là tác giả của 1 pha cản phá.
Ký ức buồn nay để lại sau lưng nhưng trước đó là cả một cuộc đấu trí với 4 đối thủ đến từ đội bóng có biệt danh "những quý ông dũng cảm". Văn Lâm nhún nhảy, khua tay múa chân. Văn Lâm nhìn thẳng vào đối phương, gào thét bằng thứ âm thanh không ai hiểu được. Anh bật nhảy, anh cản phá và đứng dậy hiên ngang cùng gương mặt lạnh tanh mới vài giây trước còn lộ rõ sự hung tợn. 8 năm qua, Văn Lâm chỉ chờ có một ngày như tại Al-Maktoum.
Đá luân lưu là một cuộc đấu trí ở khoảng cách 11m giữa thủ môn và những cầu thủ đối phương. Những quyết định được đưa ra trong thời gian tính bằng tíc tắc, là khoảnh khắc cả triệu người cùng nín thở trước khi một nửa rơi nước mắt, nửa còn lại vỡ oà trong niềm vui. Cảm xúc mà Văn Lâm đem lại sự bùng nổ chẳng khác là bao ngày này 1 năm trước ở Trung Quốc với U23 Việt Nam, với Bùi Tiến Dũng.
Nỗi chất chứa trong lòng bao lâu nay cuối cùng được giải toả. Cú giậm nhảy ấy không phải kỹ thuật cao siêu nhưng là khoảnh khắc để đời với cá nhân chàng thủ môn 25 tuổi. Văn Lâm đã ao ước "rồi một ngày, anh sẽ đỡ được, đỡ được penalty" để ngày hôm qua anh cất vang tiếng hát "anh sẽ về, anh sẽ về nhưng không phải hôm nay".
Bà Jukova Olga hạ sinh Văn Lâm vào giữa tháng 8/1993, tháng Sư tử theo chiêm tinh phương Tây. Sư tử tiếng Nga là Lev và trùng hợp thay đó cũng là tên thủ môn huyền thoại của bóng đá thế giới, Lev Yashin, cũng là thần tượng của bà Olga. Và người phụ nữ này chưa bao giờ tưởng tượng rằng Lev Sonovich của bà sẽ trở thành người gác đền số 1 của bóng đá Việt Nam 25 năm sau.
Mã gen của người Nga, đất nước nơi những chú gấu xám là biểu tượng, tạo nên một Đặng Văn Lâm lực lưỡng như hiện tại trong khung thành đội tuyển Việt Nam. Lâm không thích bị gọi là "Lâm Tây" nhưng "gấu Nga" thì anh chẳng bao giờ từ chối. Chú "gấu Nga" ấy sở hữu độ điên lớn nhất và cũng giàu đức tin nhất đội tuyển Việt Nam.
Hãy lên facebook cá nhân của Đặng Văn Lâm để chứng kiến anh để hình ảnh gì ở phần giới thiệu. Một tấm ảnh theo kiểu chào của quân đội Nga đầy mãnh liệt, một chú gấu Nga vươn mình đứng dậy. Tất cả như miêu tả đích xác con người của Đặng Văn Lâm mà chẳng cần phải dò hỏi ai hay tìm kiếm nơi đâu
Hình ảnh Văn Lâm giang rộng hai tay, ánh mắt trôi vào vô định, chiếc miệng lẩm nhẩm một vài câu đã trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc. Lâm cầu nguyện trước trận, sau trận và ở loạt sút luân lưu với Jordan, anh tiếp tục nguyện cầu.
Văn Lâm luôn giữ một đức tin trong suốt hành trình của cuộc đời. Hình ảnh ấy cũng thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hoá Á – Âu, là hai dòng máu đang chảy trong huyết quản của thủ môn 25 tuổi.
Ngoài đời, Văn Lâm nhu mì và hiền lành, thậm chí có phần ngô nghê, ngốc nghếch nhưng trước khung thành, anh bỗng hoá con người khác. Khoảnh khắc Văn Lâm ăn mừng bàn thắng của Anh Đức vào lưới Malaysia ở vòng bảng AFF Cup 2018, thét lớn cầu thủ Jordan ở loạt sút luân lưu, đó là những khoảnh khắc vượt ngưỡng sự hưng phần mà lần sang nghĩa điên rồ. Giống như bao thủ môn trên thế giới, Văn Lâm cũng mang trong mình mầm mống của một gã điên với khao khát luôn căng tràn lồng ngực, trái tim và trí óc.
Thế nhưng, mọi chuyện đâu phải gần đây mới bắt đầu. Cách đây 3 năm, khi tiếng Việt vẫn còn bập bõm, Văn Lâm đã gửi tâm thư lên trang facebook cá nhân cầu mong có cơ hội được chơi cho đội tuyển U23 Việt Nam. Nếu sinh ra ở Việt Nam, chịu sự giáo dục ở Việt Nam, liệu Văn Lâm có đủ can đảm để nói lên suy nghĩ và ước muốn của mình như thế.
Sự thẳng thắn của tuổi trẻ, của một nền giáo dục đề cao tính cá nhân còn được xem là nguyên nhân khiến anh gặp phải những biến cố của cuộc đời, như những ngày tập luyện tại CLB HAGL, ở CLB Hải Phòng với câu chuyện bị trợ lý đội bóng hành hung. Nhưng, không gì ngăn cản được ý chí tiến lên của Văn Lâm. Nếu cuộc đời đẩy Văn Lâm xuống đáy, anh sẽ lại vùng mình vươn tới trời xanh. Sau tất cả những biến cố, người chiến thắng vẫn gọi tên chàng thủ môn họ Đặng.
Sức mạnh nội tại của Đặng Văn Lâm được gìn giữ từ tình yêu thương của gia đình, đặc biệt từ mẹ. Bà Jukova Olga rơi nước mắt khi đội tuyển Việt Nam vô địch mà con trai bà là người góp sức nhưng trước đó có người mẹ nào dám để con mình một mình đến một đất nước dù là quê cha những vẫn còn lạ lẫm để lập nghiệp. Có người mẹ nào chứng kiến con mình hai lần bị đẩy xuống bùn đen nhưng rồi vẫn nén nước mắt đẩy đứa con tiếp tục tiến về phía trước, hoàn thành giấc mơ còn dang dở.
Niềm tin, tình cảm của ông Đặng Văn Sơn, của bà Olga dành cho cậu con trai cả là sức mạnh Văn Lâm không thể tìm được ở bất cứ nơi nào khác. Văn Lâm đã có thể trở thành một nhân viên kế toán thay vì cầu thủ bóng đá, nhưng không, ý chí mãnh liệt biến anh giờ trở thành nhà vô địch Đông Nam Á và người hùng ở vòng 1/8 Asian Cup 2019 cùng đội tuyển Việt Nam.
Văn Lâm 25 tuổi và vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện nhưng giờ đây, cậu trai háo thắng bị coi là tự tin quá mức ngày nào đã trưởng thành gấp bội.
Trước AFF Cup 2018, anh nói với bố mẹ rằng: "Bố mẹ không phải lo gì nữa. 8 năm qua con đã trải qua tất cả buồn, khổ, đau. Trong con có hai dòng máu: một dòng máu đánh thắng phát xít Đức, một dòng máu đánh thắng Mỹ. Con không sợ gì nữa, giờ này con sẽ chỉ quyết tâm hết sức".
Câu nói ấy thốt ra từ chàng thủ môn tuổi 25 mang trong mình hai tình yêu say đắm: quê hương và bóng đá. Từ lúc anh cất tiếng lòng như vậy, gia đình và kể cả người hâm mộ đã hiểu rằng, chẳng còn điều gì có thể đánh gục niềm đam mê, sức sống với bóng đá của Lev Sonovich, của Đặng Văn Lâm.
Bạn nên quan tâm