"Băng qua biển lớn, hướng tới đỉnh cao. Như cha của anh đã làm!", đó là những mỹ từ mà tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đã dành tặng cho thủ thành Đặng Văn Lâm. Trước đó, trong tiêu đề, nhà báo Takaoka Sachiko đã gọi anh là "Lâm-chan", theo cách mà các thành viên CLB Cerezo Osaka gọi anh. Một cách gọi thân mật trong gia đình hay bạn thân. Chỉ như thế thôi cũng đủ để chúng ta thấy được truyền thông Nhật Bản dành cho thủ thành này thiện cảm lớn đến thế nào.
Bài báo có nội dung như sau:
Thủ thành Đặng Văn Lâm, 27 tuổi vừa gia nhập CLB Cerezo Osaka đầu mùa giải này. Mặc dù chưa có cơ hội trong đội hình xuất phát, nhưng anh mong muốn qua cơ hội rèn luyện tại Nhật Bản nâng cao trình độ và cùng đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao tại các trận đấu sắp tới.
Thủ môn mang hai dòng máu Việt-Nga này có bố là người Việt và mẹ là người Nga. Tên tiếng Nga của anh là Lev, được đặt theo thủ môn huyền thoại của bóng đá Liên Xô cũ Lev Yasin. Anh bắt đầu chơi bóng từ cấp tiểu học. Năm lên 14 tuổi, anh đã theo tập luyện tại đội bóng cũ của danh thủ này là Dynamo Moscow.
Anh trở về quê hương của cha mình từ năm 18 tuổi để thi đấu do không nhận được hợp đồng chuyên nghiệp tại Nga. Đến năm 19 tuổi, anh được triệu tập vào đội tuyển U19 Việt Nam.
Năm 2019, anh cùng đội tuyển của mình chạm trán Nhật Bản tại Asian Cup với tư cách thủ môn bắt chính. Dù họ đã thất bại, nhưng cũng chỉ bởi 1 tình huống phạt đền và bản thân Văn Lâm đã cứu thua vô số lần.
Anh được đánh giá cao nhờ màn thể hiện đó, và đã được CLB Cerezo Osaka đưa về từ CLB của Thái Lan là Muangthong United đầu mùa này. Trong đội anh được ưu ái gọi là "Lâm-chan".
Dù còn đang chật vật với việc học tiếng Nhật, để có được cơ hội thử sức tại giải đấu được coi là "số 1 châu Á", anh đã rèn luyện từ sáng đến tối. "Cả ngày tôi toàn là học", anh kể.
Đằng sau quyết tâm xuất ngoại để tôi luyện bản thân đó, có hình bóng của người cha. Cha anh - ông Sơn, là một vũ công ballet. Đầu thập niên 90, để theo đuổi bộ môn ballet một cách bài bản, ông đã một mình khăn gói từ Việt Nam sang Nga. Tại đó ông gặp một vũ công nữ chính, bà Olga và cả hai đã có với nhau một cậu bé, đó là Lâm.
Đó là thời điểm mà Liên Xô sụp đổ và chịu nhiều biến động, thế nhưng ông Sơn vẫn một mình từ Việt Nam đến Nga. Văn Lâm cảm phục cha mình vì lẽ đó. Anh tâm sự: "Tôi nghĩ là mình đã chịu ảnh hưởng từ bố trong quyết định ra nước ngoài thi đấu. Cơ thể tôi cũng thừa hưởng sự uyển chuyển từ bố nữa".
Tạm dừng câu chuyện về bố, anh bắt đầu kể về người mẹ luôn chở che cho mình trong cái giá lạnh dưới -20 độ.
"Mẹ lúc nào cũng là người hay hỗ trợ tôi, động viên tôi nhất trong sự nghiệp bóng đá của mình". Dù xa cha mẹ, nhưng anh vẫn không bao giờ quên tình cảm của họ dành cho mình.
Đã từng có một số cầu thủ Việt Nam từng thi đấu tại J.League. Những cầu thủ như Lê Công Vinh thi đấu cho Consadole Sapporo, nhưng chủ yếu vẫn là J2 League (thời điểm Công Vinh thi đấu, Sapporo vẫn chưa lên hạng). Vẫn chưa có người Việt nào được bước lên thảm cỏ J.League 1.
Mặc dù chỉ được xếp hạng 92 trên bảng xếp hạng FIFA, nhưng tại Việt Nam, bóng đá là môn thể thao hàng đầu. Bản thân Văn Lâm cũng có 318.000 người theo dõi trên Instagram. Người đồng đội thường xuyên trở thành chủ đề của cộng đồng mạng là Okubo Yoshito cũng chỉ có 186.000 lượt theo dõi. Thế mới thấy Văn Lâm nổi tiếng như thế nào.
Anh cũng rất ý thức được trách nhiệm của mình đối với sự kỳ vọng của khán giả nhà. "Qua sự thành công của mình, tôi có thể chứng minh cho mọi người là người Việt Nam có thể làm được. Không chỉ là cho người dân mà còn là cho các cầu thủ", anh nhắn gửi đến NHM và các đồng đội.
Đội tuyển Việt Nam của "Lâm-chan" sẽ có các trận đấu vào ngày 8, 12 và 16/8 tại UAE (theo giờ Nhật Bản) với các ĐT là Indonesia, Malaysia và UAE. "Lần nào được triệu tập lên tuyển tôi cũng có cảm giác vô cùng đặc biệt và cảm thấy có trách nhiệm to lớn. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đáp lại tình cảm của người dân Việt Nam", anh hăng hái bày tỏ.