Công Phượng và thói quen lạ ở V.League
Sau hai vòng đầu, những người yêu mến Công Phượng có quyền nuối tiếc và tin rằng anh xứng đáng có một bàn thắng cho riêng mình. Nếu Lê Cao Hoài An (Sài Gòn FC) không phá bóng ngay trước vạch vôi, nếu cú sút vào khung thành Văn Hoàng (SLNA) không bị cột dọc từ chối thì lúc này đây, Công Phượng đang dẫn đầu bảng vua phá lưới.
Ở cả hai tình huống ấy, Công Phượng cho thấy khả năng đưa ra quyết định cực nhanh và táo bạo. Công Phượng thiếu một chút may mắn để được ăn mừng. Dù không ghi bàn thắng nhưng anh tiếp tục cho thấy sự thay đổi trong phong cách thi đấu. Phiên bản Công Phượng ngày trở lại HAGL đã lược bỏ đi nhiều sự rườm rà, ham rê dắt như những năm đầu đá V.League.
Không ghi bàn, phong độ của Công Phượng bị đặt dấu hỏi. Điều ấy thể hiện sự kỳ vọng dành cho tiền đạo 25 tuổi không nhỏ. Điều ấy là khó tránh khỏi trong bối cảnh anh trở lại HAGL ở một mùa giải mà đội bóng phố Núi được đánh giá cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, việc không ghi bàn sau hai vòng đấu tiếp tục cho thấy Công Phượng chưa thể thay đổi thói quen "khai hoả chậm" tại V.League. Tiền đạo người Nghệ An thường nổ súng khi giải đấu đi đến vòng 5. Những thống kê chứng minh cho điều này.
Ở V.League 2017, anh mở tài khoản bằng cú đúp ở vòng 5 vào lưới Cần Thơ. Đến V.League 2018, Công Phượng phải đến vòng 6 mới có bàn đầu tiên vào lưới Đà Nẵng. Kết thúc mùa giải, anh có 12 bàn, kỷ lục của bản thân tại giải đấu số 1 Việt Nam. Sang V.League 2020, người hâm mộ cũng phải đợi đến vòng 5 mới được chứng kiến Công Phượng lập công trong màu áo CLB TP.HCM.
V.League 2015 là mùa giải hiếm hoi Công Phượng ghi bàn ngay từ trận mở màn trong chiến thắng tưng bừng 5-2 của HAGL trước Khánh Hoà. Tuy nhiên, anh tịt ngòi dài và chỉ ghi bàn trở lại ở vòng 8.
Một thống kê tích cực cho thấy Công Phượng cứ ghi bàn là đội nhà có khoảng 60% cơ hội chiến thắng tại V.League.
HLV Kiatisuk nên để Công Phượng chơi tự do như Chanathip
Hai trận đấu đầu tiên dưới thời HLV Kiatisuk Senamuang cho thấy một HAGL chơi quyết tâm và có phần khởi sắc. Cộng với sai lầm của đối phương, họ có được chiến thắng đầu tay trước SLNA. Việc chơi hơn người là một lợi thế nhưng thay đổi về vị trí thi đấu của hàng công chính là chìa khoá mở ra chiến thắng.
Khi tỷ số là 0-1 nghiêng về SLNA, HLV Kiatisuk đổi chiến thuật từ 3-4-3 sang 4-2-1-3. Công Phượng từ tiền đạo cánh trái chuyển sang đá hộ công. Washington Brandao chuyển sang tiền đạo lệch trái nhường vị trí trung phong cho Nguyễn Trung Đại Dương. Văn Toàn vẫn trung thành vị trí bên cánh phải.
Bàn gỡ hoà đến với HAGL sau khi Công Phượng chọc khe thuận lợi để Brandao thoát xuống khoảng trống bên cánh trái của SLNA trước khi chuyền vào vòng cấm để Minh Vương lập công.
Ở bàn thứ hai, Nguyễn Trung Đại Dương làm tường thành công dù còn chới với để Văn Toàn có bóng, nhanh chân dứt điểm ghi bàn.
HLV Kiatisuk có lẽ sẽ nhận ra những điểm tương đồng của Công Phượng và Chanathip, học trò cưng ở đội tuyển Thái Lan một thời. Cả hai đều có xu hướng hoạt động rộng, phối hợp nhiều hơn với các vị trí, tìm khoảng trống để kiến tạo hoặc đột phá. Sự nguy hiểm của Công Phượng sẽ tăng cao hơn thay vì bó buộc ở hai bên cánh.
Một vấn đề khác của HAGL nằm ở vị trí tiền vệ trung tâm. Minh Vương chỉ là phương án tạm thời, trong khi đó Xuân Trường đem đến cảm giác về sự lười nhác. Khả năng tranh chấp, di chuyển bền bỉ vẫn là điểm yếu của tiền vệ này. Nếu SLNA không mất người, HAGL khó có thể ngược dòng với sự chậm chạp từ Xuân Trường.
Sự trở lại của Tuấn Anh có thể sẽ tạo nên khác biệt trong trận đấu với Topeland Bình Định chiều nay (30/1). Nhiều khả năng HLV Kiatisuk vẫn sẽ để Xuân Trường đá cặp cùng Tuấn Anh để kiểm chứng với hy vọng về sự ăn ý lâu năm. Trong khi đó, Châu Ngọc Quang, Triệu Việt Hưng sẽ sẵn sàng cho một phương án tăng tính cơ động cho tuyến giữa.
Bạn nên quan tâm