Alvaro Ortega đang trên đường về nhà sau một ngày cạn kiệt vì bóng đá. Dù vậy, đường phố có vẻ khác lạ. Ông quyết rảo bước nhanh hơn để về đến khách sạn nằm ở cuối góc phố. Nhưng không kịp, hai bóng đen bất ngờ hiện ra mang theo mùi của sự chết chóc.
Những đốm sáng lóe lên, khói nổ khô khốc cùng tiếng hét vô vọng phát ra, Ortega đổ gục, không còn chút sự sống. "Đây là cái giá phải trả vì mày đã không công nhận bàn thắng của Medellin". Kẻ nổ súng nghiến răng.
Năm 1989, trọng tài Alvaro Ortega bị bắn chết bởi hai tay súng chưa từng quen sau khi bỏ qua pha lập công của CLB Medellin vào lưới Club America. Tại châu Âu, bóng đá là môn thể thao của đại chúng, bất kể tiền bạc hay địa vị. Còn các quốc gia Mỹ Latin, nơi đã sản sinh ra Pele, Maradona và Messi, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác biệt.
Colombia cũng vậy. Con người ở đây có thể thiếu tiền để lấp đầy chiếc bụng đói nhưng vẫn đủ sức đi bóng qua hàng chục người. Quốc gia thường xuyên phải sống trong khói súng của cuộc nội chiến kéo dài 52 năm, vẫn sở hữu không ít ngôi sao tầm cỡ như Escobar, Valderrama, Higuita hay Rincon.
Là vùng đất ẩn chứa những câu chuyện kỳ vĩ nhất nhưng lại bị bỏ quên trong giới túc cầu. Thật khó để tường thuật kỹ càng, nếu tóm tắt lại, bóng đá Colombia có thể gói vào hai kỳ World Cup 1962 và 1994, giai đoạn của những thăng trầm và sự đấu tranh.
Thành tích của tuyển Colombia tại các kỳ World Cup. Đồ họa: Mai Lê.
Quay lại thập niên 1940s và 1950s, khi Elvis Presley và Bil Haley, nhịp điệu và dòng blue thống trị làng nhạc, đó là thời điểm dành cho rock and roll.
Và năm 1949 có thể được chọn là cột mốc khi Jerry Wexler và Billboard được thành lập và theo đó dẫn lối một dòng nhạc hoàn toàn mới.
Tại Colombia, bóng đá cũng có sự chuyển biến lớn lao.
Đáng ngạc nhiên hơn, năm 1949 cũng là thời điểm đánh dấu cho khoảng thời gian đó, khi DIMAYOR (Liên đoàn bóng đá Colombia) quyết định tách khỏi FIFA. Điều này cũng đồng nghĩa việc quốc gia đến từ Nam Mỹ sẽ không có cơ hội tham dự bất kỳ một sự kiện thể thao chính thức nào.
Tự mình đào thoát khỏi FIFA tất nhiên sẽ cảm thấy cô độc. Nhưng rất may, quốc gia của cà phê và bánh Arepas nhận được vòng tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Argentina khi đó bật đèn xanh để hàng loạt ngôi sao di chuyển đến nước láng giềng, trong đó bao gồm cả "mũi tên bạc" Alfredo Di Stefano. Từ châu Âu, những chuyến bay cũng chở Neil Franklin và George Mountford (Stoke City), Charlie Mitten (Manchester United), Hector Rial (Real Madrid) đáp xuống Tây Bán Cầu. Sự hảo tâm bất ngờ này tạo ra một giải vô địch quốc gia đầy cạnh tranh cho Colombia. Nhưng cũng thăng trầm như ca khúc nổi tiếng thời đó Rocket 88, lần này quốc gia Nam Mỹ lại vi phạm điều khoản về chuyển nhượng cầu thủ.
Sau cùng, vào năm 1950, để có sức bật, DIMAYOR buộc phải đầu hàng và tìm sự gắn kết với FIFA, dù bắt buộc chia tay tất cả những chân sút ngoại cập bến trái phép. Sự kiện này chính thức chấm dứt thời kỳ El Dorado (có nghĩa "dát vàng", thuật ngữ để mô tả bóng đá Colombia từ năm 1949-1954).
Huyền thoại Alfredo Di Stefano.
Vào thập niên 60, những giai điệu sôi động đã thịnh hành trở lại và bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhờ cơn sốt mang tên "tứ quái" The Beatles. Sự lan tỏa đã vượt ra khỏi biên giới, đâu đâu cũng vang lên những giai điệu của nhóm nhạc đến từ Liverpool, trong đó nổi bật nhất là tuyệt phẩm "Yesterday".
Và cũng như bỏ lại "ngày hôm qua" tăm tối, sau khi được thừa nhận, Colombia bước vào cuộc hành trình tìm chiếc vé có mặt tại ngày hội túc cầu lớn nhất hành tinh. Năm 1962, Brazil đã vào thẳng World Cup với tư cách nhà vô địch, Chile cũng tương tự với cái danh "nước chủ nhà", vì thế, cơ hội của Colombia được đánh giá là vô cùng sáng sủa. Ba suất vào thẳng và chỉ có 6 đội bóng, thể thức bắt cặp đấu loại trực tiếp nghiễm nhiên được chọn lựa.
Trước một Peru còn khá nhỏ bé, cuối cùng những Achito Vivas, Anibal Alzate, Jaime Gonzalez đã thành công. Họ hạ gục đối thủ bằng tổng tỷ số 2-1 để có góp mặt trong giải đấu của 16 cái tên xuất sắc nhất.
Với một quốc gia phát cuồng cùng trái bóng như Colombia, chiến tích vào năm 1962 đã được ghi vào lịch sử. Và những học trò của chiến lược gia Pedernera xứng đáng với danh xưng "người hùng".
Đội hình Colombia tham dự World Cup 1962.
"Vấn đề duy nhất là thiếu nước nóng, chúng tôi phải dậy sớm tập luyện nhưng nước khi đó quá lạnh. Nhiều cầu thủ còn chưa tắm khi bước ra sân". Tiền đạo German Aceros nhớ lại. Tại một quốc gia vừa mất đi khoảng 200.000 người sau thời nội chiến La Violencia, có đủ ăn và an toàn, những gì các chân sút Colombia nhận được thật sự đã quá tuyệt vời.
Nhưng sự thoải mái và một tâm thế hừng hực không giúp đội bóng Nam Mỹ có thể làm nên bất ngờ. Thời đó, Colombia không được coi là một thế lực và tất nhiên chẳng thể đá sòng phẳng trước hai ông lớn Brazil và Argentina. Phần đông trong đội hình năm ấy chưa từng được chơi trong môi trường bóng đá đỉnh cao và đến Chile cũng là lần đầu họ được "xuất ngoại".
Mang hình bóng của kẻ lót đường, Colombia không thể hiện được nhiều, họ để thua hai trận, trong đó có màn thảm sát 5-0 được thực hiện bởi Nam Tư. Nhưng lịch sử vẫn được ghi dấu, ở lượt đấu với Liên Xô.
Bị dẫn 4-1 đến phút 60 nhưng sau cùng bước khỏi sân Carlos Dittborn với một điểm. Và còn thêm một điều không tưởng khác được Colombia lập nên. Phút 68, từ chấm đá phạt góc, Marcos Coll bước lên và thực hiện pha làm bàn đẹp mắt, rung lưới người nhện huyền thoại Lev Yashin. Bàn thắng ấy hun lên ý chí để tạo thành màn ngược dòng đáng nhớ sau này.
Đến nay, chưa một ai làm được điều tương tự như Coll tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Và thế là đủ. "Marcos Coll và trận hòa 4-4 khiến mọi người phát cuồng và vây chặt từ sân bay đến Bogota". Antonio Rada, người có một bàn thắng tại World Cup năm đó thuật lại.
Cũng như The Beatles với những điệu rock ballad nhẹ nhàng, bóng đá đã giúp người Colombia xoa dịu trong những ngày nội chiến ác liệt bằng một cách đơn giản như thế.
Bàn thắng được ghi từ chấm đá phạt góc của Marcos Coll.
Trong thập niên 90s, sự xuất hiện của Nirvana khiến làng rock thế giới điên đảo. Chất alternative trong nhóm nhạc đến từ Mỹ tạo ra làn sóng hâm mộ ào ạt. Nhưng khi giọng lead chính Kurt Cobain vướng vào ma túy, mọi thứ chìm vào bóng tối. Cobain chết vào năm 1994 do dùng thuốc quá liều. Cái chết trắng làm đảo lộn tất cả.
Ở Colombia, bóng đá cũng bị chi phối nặng nề bởi cocaine, bởi Pablo Escobar, một trong những ông trùm giàu nhất lịch sử. Hắn khát máu và hoang dại nhưng lại cực thích trái bóng. Hàng triệu đồng Peso bị vấy bẩn bởi máu và mồ hôi được Pablo đầu tư vào bóng đá.
Đồ họa: Mai Lê.
Trong thời kỳ đã quá dư dả về tài chính, các ông trùm coi túc cầu là mặt trận thị uy sức mạnh. Pablo có Atletico Nacional, ông trùm El Mexicano thì đổ tiền vào Millionarios còn Miguel Rodriguez sở hữu America De Cali.
Điều này làm thay đổi toàn bộ nền bóng đá của quốc gia Nam Mỹ. Tiền đủ sức thu hút các ngôi sao tầm cỡ thế giới và hệ thống đào tạo trẻ được thay máu toàn bộ. Atletico thống trị Copa Libertadores và theo thời gian, một thế hệ vàng của bóng đá Colombia được ra đời.
Thi đấu vô cùng bài bản, nhãn quan chiến thuật cực tốt, những Higuita, Herrera Valderrama đã tạo nên lịch sử khi vào tời vòng knock-out tại kỳ World Cup 1990. Ở vòng loại 4 năm sau, họ tiếp tục hủy diệt Argentina của Maradona tời 5-0.
Nhưng sự đi lên của bóng đá Colombia ẩn nhiều mặt trái và chẳng mấy đáng tự hào. Bàn tay của những ông trùm và tác động của xã hội biến cầu thủ trở thành một trong những nghề nghiệp hiểm nguy nhất.
Một trọng tài người Uruguay bị đầu độc chỉ vì gây hấn với đội bóng của Pablo Escobar. Tiếp đến là ông Alvaro Ortega và hai thủ môn khác bị bắn chết. Tình trạng bạo lực tiếp tục kéo dài bất chấp Pablo đã qua đời năm 1993 và sau cùng, thảm kịch thực sự đã xảy đến.
Bước đến World Cup 1994 với phong độ hủy diệt trong loạt trận khởi động, Colombia nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Pele thậm chí còn dự đoán đội bóng Nam Mỹ sẽ lên ngôi. Lại thêm một lần đoán trật lất của "vua bóng đá" vì thực tế Colombia bị loại ở vòng bảng. Andres Escobar trở thành "tội đồ" khi anh đá về lưới nhà sau đường căng ngang của John Harkes trong trận thua 1-2 của Los Cafeteros trước đội chủ nhà Mỹ.
Mười ngày sau cú phản lưới, Andres bị bắn chết ngoài một quán bar sau khi bỏ mặc những lời khuyên và tự lộ diện ngoài đường phố. Đã có tổng cộng 6 phát đạn găm trên người của cầu thủ 27 tuổi và kẻ sát nhân đã hô to "vào" mỗi lần cò súng được bóp.
Cái chết của Andres Escobar gây rúng động đến toàn thế giới. Một tuyển thủ quốc gia mất mạng sau một sai lầm tại World Cup là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử, giờ xảy đến ở Colombia, nơi có sự trộn lẫn giữa bóng đá, tội phạm và ma túy.
Đồ họa: Mai Lê.
Từ Pablo cho đến Andres, sự ra đi của hai người cùng họ Escobar khiến chính quyền Colombia buộc phải hành động và liên tiếp những ông trùm bị bắt. Thiếu tiền, bóng đá đất nước Nam Mỹ một thời gian dài chìm vào bóng tối. Tất cả được xây dựng từ đầu và phải mất 16 năm để họ trở lại World Cup (2010), dưới đôi chân của James Rodriguez, Radamel Falcao và David Ospina.
DIMAYOR đã chọn đi con đường vòng để ít nhất giờ đây dòng tiền bẩn của những ông trùm ma túy không còn đóng vai trò quan trọng trong nền bóng đá quốc gia Nam Mỹ. Và gần như chắc chắn, toàn đội Colombia sẽ an toàn bất chấp màn thể hiện ở kỳ World Cup 2018 tại Nga.
Bàn phản lưới nghiệt ngã dẫn tới cái chết của Escobar
Theo Goalden Times