1. Đoàn Văn Hậu – kẻ thách thức những danh hiệu ở lứa tuổi U.
Ở độ tuổi 21, có lẽ từ trước tới nay, không có cầu thủ Việt Nam nào dám nhận mình thành công hơn Đoàn Văn Hậu: 17 tuổi lọt vào bán kết của U19 Châu Á; 18 tuổi được hít thở không khí của 1 kì World Cup U20; cùng các đồng đội viết nên trang sử ở U23 Châu Á khi mới 19 tuổi.
Và sau đó lần lượt là ASIAD, AFF Cup, ASIAN Cup, trước khi Hậu chinh phục được tấm Huy chương vàng lịch sử môn bóng đá nam tại Sea Games 30. Với những thành tích huy hoàng đó, Văn Hậu được mặc định là tương lai của bóng đá Việt Nam.
Đoàn Văn Hậu chinh phục nhiều cột mốc khi mới 21 tuổi. Ảnh: Sport5.vn
Lúc này, chỉ còn 1 cột mốc nữa mà chưa có 1 cầu thủ Việt Nam nào thực sự thành công: xuất ngoại. Đoàn Văn Hậu cùng với Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường... là những gương mặt được CĐV nước nhà chọn mặt gửi vàng để chinh phục được thử thách đó.
Trong những cầu thủ đó, Văn Hậu được tin tưởng là có khả năng thành công nhất. Bởi ngoài tài năng thiên bẩm, anh chàng người Thái Bình còn có lợi thế về thể hình. Sở hữu chiều cao 1m85 cùng sức bền tốt, Văn Hậu không hề thua thiệt về thể chất so với các đồng nghiệp phương Tây.
Đúng lúc này, cái tên Heerenveen xuất hiện. Và chuyến du học của Hậu đã bắt đầu.
2. Một chuyến du học đầy "giông bão".
Mới chân ướt chân ráo tới Hà Lan, việc Hậu không được BHL đăng ký ra sân thi đấu giai đoạn đầu là điều dễ hiểu. Tuyển thủ U23 Việt Nam cũng không hề phàn nàn, thay vào đó, cậu nỗ lực tập luyện và thể hiện khả năng của mình trên sân tập.
Tuy vậy, từ đó cho đến nay, ngoại trừ khoảng thời gian 4 phút trong 1 trận đấu chính thức, thời gian còn lại của Văn Hậu chủ yếu gắn liền với đội trẻ của Heerenveen. Người hâm mộ Việt Nam dần trở nên sốt ruột. Nhiều người rằng tin bản hợp đồng này chỉ nhằm mục đích thương mại, để giúp cho đội bóng Hà Lan lôi kéo được nhiều nhà tài trợ đến từ Việt Nam.
Văn Hậu có thời gian khó khăn ở SC Heerenveen. Ảnh: Pro Shots.
Thời điểm này, đại dịch Covid-19 đang “tàn phá" toàn bộ nền bóng đá thế giới, đội bóng chủ quản của Văn Hậu cũng không ngoại lệ. Các giải bóng đá hoãn lại, doanh thu bị giảm sút. Giải pháp cấp thiết nhất lúc này là chia tay 1 vài cầu thủ.
Văn Hậu – mặc dù không nằm trong danh sách các cầu thủ phải ra đi của ban lãnh đạo, nhưng lại nằm trong "danh sách sa thải" của các cổ động viên. Trên trang Twitter của đội bóng sọc trắng xanh, có đến 79%CĐV của đội bóng này mong muốn tiền vệ gốc Thái Bình trở về Việt Nam.
Suy cho cùng, CĐV Hà Lan có lý, khi Văn Hậu tuy nhận lương khá cao nhưng lại chưa đóng góp được nhiều cho đội bóng của mình.
79% CĐV Heerenveen muốn Văn Hậu về nước. Ảnh: Chụp màn hình
3. Hà Lan không dành cho Ngạn, cũng tạm thời chưa thể dành cho Hậu.
Trong trường hợp xấu nhất, Văn Hậu sẽ phải khăn gói về nước. Đó sẽ là 1 gáo nước lạnh dành cho những người yêu mến bóng đá Việt Nam nói chung và fan của cầu thủ này nói riêng. Nhưng kể cả khi như vậy, liệu chuyến du học của Văn Hậu có thể xem là thất bại?
Không, ngược lại, cậu ấy còn nhận được rất nhiều thứ. Đầu tiên là thể hình, thể lực. Còn nhớ trong trận ĐTVN tiếp đón UAE trên sân Mỹ Đình, Văn Hậu có thể tranh chấp tay đôi 1 cách sòng phẳng, thậm chí đủ sức "ủi bay" đối phương mỗi khi có 1 cầu thủ đội bạn lao đến.
Thứ hai là về tư duy chơi bóng. Dù chỉ được dự bị tại Hà Lan, nhưng việc được tiếp xúc với môi trường bóng đá đỉnh cao tại 1 quốc gia nổi tiếng về đào tạo trẻ như Hà Lan cũng giúp ích rất nhiều cho Văn Hậu. Chính tuyển thủ U23 cũng phải thừa nhận rằng, các cầu thủ ở châu Âu chơi bóng rất nhanh, di chuyển cực kì nhiều, và có 1 khoảng cách khá xa so với bóng đá trong nước.
Chuyến đi tới Hà Lan là 1 trải nghiệm quý giá của Van Hậu. Ảnh: Pro Shots.
Thứ ba, Văn Hậu có thể chưa xuất chúng nổi bật để chen chân vào đội hình 1, nhưng anh chàng vẫn là thành viên quan trọng của đội trẻ U21 – lứa tuổi của những cầu thủ bằng vai phải lứa với anh. Có lẽ, NHM Việt Nam đã quen với hình ảnh Văn Hậu được thi đấu vượt cấp lên ĐTQG mà quên đi mất rằng, anh vẫn nằm trong độ tuổi U21.
Suy cho cùng, chuyến đi của Hậu giúp những người làm bóng đá Việt Nam được mở mang tầm mắt, hiểu được mình còn thiếu những gì để có thể thu hẹp được với trình độ bóng đá thế giới. Văn Hậu "đi 1 ngày đàng", cả Việt Nam "học được 1 sàng khôn".
Trong bộ phim Mắt Biếc của Victor Vũ, Hà Lan đã từ chối tình cảm của Ngạn. Không phải vì Ngạn không đủ tốt, mà chỉ đơn giản là vì anh không phải người thích hợp. Giống Ngạn, có thể "phiên bản Văn Hậu 2020" chưa phù hợp để chinh phục được Hà Lan. Nhưng chàng trai này vẫn còn rất trẻ, biết đâu 1 vài năm nữa, Hậu sẽ khiến Hà Lan phải nhìn mình với một con mắt khác.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bạn nên quan tâm