Ngoại binh người Jamaica cho biết anh chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ phía CLB Hải Phòng. Phía đội bóng đất cảng cũng mới chỉ liên lạc với Stevens một lần nhưng anh cho biết cuộc gọi đó chỉ liên quan đến hỏi thăm, không đả động đến hợp đồng hay chi phí đền bù.
Ông Trần Mạnh Hùng, chủ tịch CLB Hải Phòng, nhân vật chính còn lại trong câu chuyện với Stevens thì chỉ buông một câu ngắn gọn: "Chúng tôi đang giải quyết" rồi tắt máy.
Theo phán quyết của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vào ngày 4/7, CLB Hải Phòng vi phạm hợp đồng với Errol Stevens và phải đền bù khoảng 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng). Số tiền trên bao gồm tiền lương, phí lót tay, lãi suất ngân hàng, phí xử kiện,… CLB Hải Phòng có 45 ngày để thanh toán chi phí.
Ngoài thời hạn trên, FIFA sẽ tiếp tục đưa ra một phán quyết xử phạt khác với CLB Hải Phòng. Theo điều 64 Quy định về kỷ luật của FIFA, bất kỳ một CLB nào không chấp hành các khoản phạt hành chính của FIFA đều phải chịu án phạt bổ sung, trong đó gồm trừ điểm, cấm chuyển nhượng (từ 2 đến 3 mùa). Nếu vẫn tiếp tục không chấp hành, CLB ấy sẽ bị cấm thi đấu trong tất cả các giải đấu thuộc hệ thống của FIFA.
Hôm nay đã là ngày 6/8, tức 34 ngày sau án phạt, CLB Hải Phòng và chủ tịch Trần Mạnh Hùng vẫn chưa có động thái chấp hành phán quyết của FIFA.
Ông Trần Mạnh Hùng (Chủ tịch CLB Hải Phòng) vẫn chưa có dấu hiệu chấp hành phán quyết của FIFA. Ảnh: VFF.
Trước đó, chủ tịch Trần Mạnh Hùng cho biết sẽ khiếu nại lên FIFA và cho rằng Errol Stevens mới là người có lỗi. Ông cho rằng, thời gian đó Stevens vi phạm kỷ luật nội bộ của đội bóng. Thế nhưng, FIFA đưa ra phán quyết cuối cùng dựa trên quy định của họ.
Bên cạnh đó, việc khiếu nại, kháng cáo lên Toà án thể thao quốc tế (CAS) được cho sẽ còn tốn chi phí hơn gấp bội. Nếu Hải Phòng không thắng kiện, họ sẽ còn mất thêm tiền và còn số ấy được cho không nhỏ. Số tiền ấy gồm chi phí khiếu nại, mời luật sư, phiên dịch, đại diện đội bóng sang CAS nằm ở thủ đô Brussels (Bỉ),… được cho là khá tốn kém.
Bạn nên quan tâm