Quê nhà của Chương Thị Kiều nằm ở ấp Hòa Hiếu 1, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ngôi nhà nằm bên bờ nhỏ của dòng kênh KH15, cách chợ Cà Nhung khoảng 3km, cách chợ Gò Quao (trung tâm huyện) khoảng 6km.
Nói rõ như vậy vì trên những bản đồ hiện đại nhất vẫn chưa cập nhật đầy đủ đường sá nơi được coi là một trong những vùng hẻo lánh nhất tỉnh Kiên Giang. Dù cho con đường được hiển thị là không thể đi tiếp được ngay trước nhà Kiều, đã được đổ bê tông khoảng 10 năm nay.
Trong quá trình vừa đi vừa dò hỏi người dân để tìm nhà cầu thủ nữ Chương Thị Kiều, ấn tượng đầu tiên là bà con hàng xóm luôn nhắc đến "con bé Kiều lội sông" nhiều hơn là chuyện "Kiều đá banh vô địch xước hết chân".
Như bà Trương Thị Loan bán tạp hóa dưới chân cầu Cà Nhum, khi nhắc tới Kiều là kể ngay một tràng dài:
"Cậu hỏi Kiều nhà bên bờ kia đó hả? Con bé ngày xưa lội nước ra đây mua thuốc lá cho cha nó hoài chứ gì. Lội hay lắm nha, cứ giơ tay cao không ướt tiền, không ướt thuốc. Bé con mà lội giỏi quá trời à nghen, cũng một cây số hơn đó. Mà hồi đó nó lên Sài Gòn sớm lắm, còn nhỏ xíu chừng 10 tuổi chứ nhiêu. Vậy mà giờ về ngon rồi, cất nhà cho cha mẹ chứ trước nhà lá mà, nghèo dữ lắm. Cha nó đi làm mướn cho người ta miết mà".
Những mẩu chuyện thời thơ ấu của Chương Thị Kiều đều gắn bó với sông nước. Mẹ Chương Vân kể lại: "Không biết sao nó có khiếu bơi dữ vậy nữa. Ngay từ bé là đã thích nước. Lội sông hoài à, ngày nào cũng lội dí theo lục bình chơi vậy đó. Hàng xóm hù không sợ ma hả mà nó vẫn cứ bơi vậy đó".
Nói thêm là đoạn ngã ba sông nhỏ ngay trước nhà Kiều, là nơi từng có 2 đứa trẻ chạc tuổi Kiều khi đó đã bị đuối nước và không qua khỏi. Khúc này cũng rất vắng người vào giữa trưa hay đêm tối, nếu có đi thì hạn chế tối đa đi bộ, đi một mình.
Cha là Chương Út kể: "Hồi trước nhà nuôi vịt, con bé nó cứ theo cha đi lùa vịt. Rướn hết cổ chừa mũi thở rồi tay cầm que lùa vậy đó. Hồi bé đi thi bơi giành giải luôn mà. Cái hồi nó lên Sài Gòn đá banh rồi mà mấy thầy bơi ở xã, ở huyện tuần nào cũng về hỏi đâu rồi, sao không cho nó đi bơi, họ tiếc dữ lắm".
Anh hai là Chương Tới tiếp chuyện: "Tui hết hồn với nó luôn mà. Tự dưng biết bơi vậy chứ ai dạy đâu. Hôm đó tui kêu nó đứng yên, để hai lội qua rồi về. Ai dè đâu mới qua tới bờ bên kia thì nghe nước động, quay lại đã thấy nó cầm cái thau lội sát ngay sau luôn".
Tìm đến người thầy đầu tiên dạy bơi và đá banh của Chương Thị Kiều - ông Danh Lê Tha, nói luôn: "Ngày đó phong trào bơi ở miền Tây mà tốt như cái đợt Ánh Viên nổi lên, thì có khi Kiều cũng như Ánh Viên đó chứ. Hồi đầu tui hướng nó đi bơi chứ đâu phải đá banh. Đoạn ngày nào nó cũng lội ngược dòng nước từ nhà ra sân banh của tui còn nhanh hơn người ta chạy là khoái rồi. Không biết sao lúc nó lên Sài Gòn thì lại đá banh được nên theo đến giờ luôn".
Trở lại với bóng đá khi nhắc đến Chương Thị Kiều ở nơi quê nhà. Sự tự hào, hãnh diện đến trực trào nước mắt là điều mà cha mẹ cô bộc lộ ngay khi được hỏi rằng: Kiều đá banh hay vậy, giành thành tích vậy nhà mình thấy sao?
Mẹ Vân cười phá lên: "Mới sáng rồi nè, tui ra chợ thì bà kia mới ngoắc lại nói, phải Kiều là con tui, tui khóc hết nước mắt cho coi. Xót con bé quá. Trầy da cả mảng vậy ai mà không xót. Giờ đi đâu ai cũng chỉ vô "mẹ đội tuyển nữ Việt Nam kìa". Nghe vui lắm nghen. Mà thương nó. Không nói mà tui biết nó sống hà tiện dữ lắm, gửi tiền về cho cha mẹ không à. Cất cái nhà gạch này nè, cũng Kiều nó gửi tiền về cho cha mẹ đó chứ. Xây từ năm 2014, chứ trước nhà lá mà".
Cha Kiều là ông Út cười thật tươi: "Giờ con nó thành công, cha mẹ tự hào, hãnh diện lắm. Lo được cho cha mẹ quá trời. Cái xe dream tui chạy cũng nó mua cho đó. Mấy hôm rày đi đâu cũng có người chặn lại hỏi "Kiều nó sao rồi? Khi nào nó về?". Nhiều người cũng ghé nhà hỏi khi nào về để còn qua xin chữ ký, chụp hình".
Đến đoạn này, ông Út bỗng hạ giọng và kể về cái ngày đầu tiên ông đưa Kiều lên huyện Gò Quao để bắt xe đi Sài Gòn. Giai đoạn mà có lẽ cả gia đình Kiều không bao giờ quên khi nỗi ám ảnh "bán con rồi hay sao?" hiện hữu suốt hơn 2 năm.
Ông Út kể với nước mắt lưng tròng: "Lúc đó con bé mới 11 tuổi, lên xe đi Sài Gòn thì mình chỉ biết là đi chung với chị Trinh, cầu thủ Võ Thị Thùy Trinh mang áo số 67 đá đội TP.HCM đó, nhà Trinh ở ấp bên, cũng đi đá banh trên trển trước đó".
"Hai cha con có 120 ngàn à, tiền xe hết 90 ngàn rồi, còn 30 ngàn cho con lên xe. Mà 30 ngàn đó là thiếu nợ xe ôm đó chứ. Không biết nó ăn uống dọc đường sao hay nhịn luôn. Nó lên xe rồi mình cũng mừng cho con, vì như tui đi tỉnh còn chưa đi nữa nói chi Sài phố, lên huyện mỗi năm được một lần lúc có đua ghe thôi. Khóc chứ. Không biết con nó sẽ sao".
"Khi Kiều đi mấy bữa rồi, tui mới qua nhà ngoại thì ngoại hỏi con bé đâu rồi? Mày bán con bé rồi hay gì? Nuôi lớn đến chừng đó rồi đem bán sao? Tui cũng không biết trả lời sao. Hồi đó làm gì có điện thoại, đường sá toàn đất đỏ không à, đi bộ chứ không chạy xe như giờ đâu. Mà có đi thì đi đâu kiếm nó giờ. Loanh quanh ở nhà chờ tin con vậy thôi".
"Phải đến 2 năm sau khi Kiều về, mới biết được là con nó đá banh ở Sài Gòn, nhà tui mới dám về ngoại lại".
Ông ngoại Kiều năm nay đã ngoài 80 tuổi cũng kể về khoảng thời gian đó rằng: "Sợ mất con bé chứ. Đi luôn vậy không rõ tăm tích gì cả. Mãi sau mới biết nó lên đó đá banh được mới yên tâm".
Ông Út tiếp chuyện: "Kiều kể là lên thành phố tập bơi, tập thể dục dụng cụ gì đó. Rồi có hôm nọ, buồn buồn mấy chị em đá banh chơi với nhau thì thầy cô trên trển mới thấy đá hay quá nên vô tập banh từ đó. Nói chung là lúc đầu khi nó về, cũng than thở dữ lắm. Lúc nó đá banh được rồi thì đòi về, cứ khóc đòi về kiếm nghề khác thu nhập tốt hơn, phụ cha phụ mẹ. Chứ ở trên đó nó toàn phải ăn ké người ta không à".
"Tui mới bảo nó, cả nhà mình không ai được lên tới Sài phố, có mình con lên được, cứ cố gắng đi".
Hỏi Kiều về giai đoạn 2 năm mất liên lạc với gia đình, cô chỉ ngắn gọn rằng: "Hồi đó đi chị Thùy Trinh nuôi em không đó. Mà lúc đó không có điện thoại như giờ nên chỉ biết tập với tập thôi, cũng không nghĩ gì nhiều".
Ngày Chương Thị Kiều về đến nhà, cha mẹ cô làm hai mâm cỗ chung vui cùng hàng xóm. Gọi cho sang vậy thôi chứ được có hai món chính là mực xào, lẩu giò heo rồi thêm trái cây có sẵn, chôm chôm của nhà, rồi mít từ vựa ở Vĩnh Long - chỗ làm của anh hai Chương Tới và chị ba Chương Thị Loan.
Trong bữa, bà con hàng xóm hay hỏi đùa: Khi nào Kiều mới chịu "chống lầy"? Cha mẹ Kiều thật thà: "Kiều chắc không muốn lấy chồng nữa đâu. Nó mê đá banh mất tiêu rồi. Mấy lần nó về đây, con người ta cũng qua hỏi đó. Cha mẹ ưng ý lắm, chịu hết các cái rồi mà Kiều bảo là con chưa chịu đâu".
Đợt này Kiều về nhà chỉ được 1 ngày, ngủ qua đêm xong sáng mai lại đi. Vì sắp tới vào ngày 23/12, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ lại tập trung để chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 Olympic Tokyo 2020 vào đầu năm sau.
Nhà có con út đi xa và chỉ về được 1, 2 lần trong năm, về lâu nhất cũng được 10 ngày rồi lại đi. Đợt này về mà cũng không trọn 24 giờ đồng hồ rồi lại đi. Hỏi cha mẹ nào mà không xót và nhớ con?
Nhưng có lẽ niềm tự hào "nhà có mỗi mình con lên được Sài Gòn", và cả những thành tích vang danh cả nước, giờ đây ông Út và bà Vân đã yên tâm hơn. Họ chỉ còn nỗi lo rằng: "Mong con chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Giờ mà con có an cư được trên thành phố cũng mừng".