10 năm để vươn lên vị thế số một
Tháng 6 năm 2011, Fnatic trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên của bộ môn Liên Minh Huyền Thoại. Họ ôm nhau ăn mừng, nâng cao tấm bảng in rõ số tiền thưởng dành cho nhà vô địch ngay cạnh khu vực máy tính vừa dùng để thi đấu trận chung kết với Against All Authority.
Tất cả giải đấu năm ấy được tổ chức trong khuôn viên vô cùng nhỏ hẹp. Nó không hẳn là một cái hội trường, một phần nhỏ của hội trường thì đúng hơn. 2 dàn máy được kê san sát nhau, đối diện là khu vực của ban tổ chức, đội ngũ stream. Khán giả chỉ là vài người thanh niên đi ngang qua, cảm thấy hiếu kỳ nên ở lại xem đội nào sẽ giành thắng lợi.
Như thế mà giải đấu Worlds Mùa 1 năm ấy vẫn được coi là một thành công. Bởi lẽ tầm ảnh hưởng nó tạo ra quá lớn so với quy mô tổ chức nhỏ bé. Nhờ Worlds, người ta bắt đầu nhận ra rằng chơi game cũng là một lựa chọn nghề nghiệp, một hình thức để khẳng định bản thân.
Các năm sau đó, tổng số các đội được tham dự được tăng lên đáng kể, tỉ lệ thuận với nó là số tiền thưởng dành cho các đội vô địch. Tuyển thủ, tổ chức Esports coi CKTG là mục tiêu lớn nhất của cả năm để phấn đấu, nhà tài trợ thi nhau nhảy vào cuộc đua vì giá trị thương mại khổng lồ nó đem lại.
Còn với fan, khoảng thời gian tháng 10 hàng năm trở thành những ngày hội, khi họ được chứng kiến đội tuyển con cưng chiến đấu cho ngôi vị số một, những trận thư hùng khó quên.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, hiên giờ khi khái niệm thể thao điện tử đã được phổ cập trên toàn thế giới ở mọi độ tuổi khác nhau, Worlds, hay CKTG, đã đi đến mùa 10. Qua từng ấy thời gian, nó đã chuyển mình trở thành giải đấu chuyên nghiệp nhất, hấp dẫn nhất trong tất cả các bộ môn Esports.
Năm nay giải đấu càng trở nên đặc biệt hơn. CKTG 2020 đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển, thế nên dù dịch Covid-19 có hoành hành khắp thế giới, NPH Riot Games cũng làm tất cả để không khiến các fan phải hụt hẫng.
Họ thuyết phục thành công chính quyền Trung Quốc cho tổ chức trong khi thể thao truyền thống còn chưa hoàn toàn được cấp phép, đưa các tuyển thủ xuất sắc nhất thế giới về quy tụ lại một mối và vận hành mọi thứ trơn tru, mượt mà từ đầu giải đấu đến những ngày cuối cùng.
Họ cũng nâng tầm bộ môn Liên Minh Huyền Thoại lên trên hết thảy, trở thành tựa game duy nhất tổ chức giải vô địch thế giới trong năm 2020. Càng tuyệt vời hơn khi Riot Games cho phép hơn 6000 khán giả may mắn được vào sân vận động Phố Đông xem trực tiếp gala chung kết, khẳng định sẽ bảo vệ tất cả an toàn tuyệt đối khỏi Covid-19.
Vào ngày 31/10 sắp tới đây, tất cả nhiều khả năng sẽ phải choáng ngợp trước cách mà CKTG vươn mình trở thành giải đấu số một. Sẽ là một sân khấu hoành tráng, những ca khúc đình đám của nhóm nhạc K/D/A, một mô hình chuyển động được của con Rồng Ngàn Tuổi trứ danh và hơn hết, một nhà vô địch.
Tất cả đều hoàn hảo, trừ tiếc nuối duy nhất là không có đội tuyển của Việt Nam nào tham dự.
10 năm mới có một người Việt Nam vào Chung Kết
Tuy nhiên chúng ta vẫn còn một lá cờ đỏ thắm khác để cổ vũ, đó là Lê "SofM" Quang Duy. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng thần rừng Việt Nam đã vươn đến giải đấu CKTG.
SofM cùng Suning năm nay tham dự với tư cách là đại diện mạnh thứ 3 khu vực LPL. Rơi vào bảng đấu với Team Liquid và G2 Esports, nhiều người dự đoán "bầy sư tử" sẽ sớm phải nói lời chia tay. Nhưng hành trình của họ đến thời điểm này xứng đáng được lưu danh sử sách.
Vào ngày thi đấu cuối của vòng bảng, Suning 2 lần đánh bại G2 Esports - nhà vô địch châu Âu, ứng cử viên cho chiếc cúp bạc CKTG. Trong đó, màn trình diễn tuyệt đỉnh của SofM với vị tướng JarvanIV và Graves đã góp công không nhỏ đưa Suning tiến vào tứ kết với tư cách nhất bảng.
Được đà tiến lên, Suning vượt qua luôn đương kim á quân và vô địch LPL, là JDG và TOP Esports ở tứ kết và bán kết, qua đó xuất sắc giành tấm vé thứ 2 vào chơi trận đấu quyết định với DAMWON Gaming.
Khoảnh khắc nhà chính TOP Esports nổ tung lần thứ 3 trong trận bo5 ngày 25/10 cũng là lúc cái tên SofM xuất hiện khắp nơi trên MXH. Trước trận, người ta cho rằng anh chỉ chơi được những vị tướng cần được farm lính. Sau đấy, họ lại trầm trồ khả năng dẫn dắt lối chơi, làm nền cho đồng đội tỏa sáng của thần rừng Việt Nam.
Không chỉ cá nhân SofM, đồng đội của anh cũng nhận được những lời có cánh. Cũng phải thôi, vì giải đấu CKTG 2020 đối với họ là một hành trình kỳ diệu.
Xạ thủ của Suning, Huanfeng là tấm gương vượt lên số phận. Tuổi thơ suýt chết đói, năm lần bảy lượt có trải nghiệm đáng quên nhưng anh vẫn bất chấp tất cả để đi theo con đường mình đã chọn. SwordArt là một gã lính đánh thuê, rời bỏ Đài Bắc Trung Hoa để tìm kiếm cơ hội được chứng tỏ bản thân. Angel và Bin, ai cũng có mục tiêu riêng, sở hữu tinh thần của những chiến binh và đầy khao khát thành công.
Còn SofM, toàn bộ câu chuyện về chàng trai nói lời tạm biệt với đất mẹ để hiện thực hóa giấc mơ đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được tiết lộ hết. Tuy nhiên, những gì anh trải qua đến thời điểm hiện tại chắc chắn cũng chẳng dễ dàng gì.
Sau tất cả những điều trên, Suning quá xứng đáng trở thành nhà vô địch mới của làng Liên Minh Huyền Thoại.
10 năm mới có một trận chung kết như thế này
Làng LMHT chuyên nghiệp nay đã rất khác thời điểm 3, 4 năm trước. Các ngôi sao trẻ xuất hiện ngày càng nhiều ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ bước ra sân chơi châu lục và nhanh chóng khẳng định được mình, CKTG 2020 là một ví dụ điển hình.
Sau quá trình bốc thăm, chúng ta dễ dàng nhận thấy có nhiều hơn một bảng tử thần. Và chuyện LGD Gaming, đại diện thứ 4 của Trung Quốc suýt bị loại từ vòng khởi động cho thấy khoảng cách giữa các đội tuyển bắt đầu xích lại gần nhau hơn.
Năm ngoái, G2 Esports xưng hùng xưng bá ở MSI và CKTG. Năm nay, các trụ cột liên tiếp để lộ điểm yếu nên nhà vua của châu Âu. Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia nhận định rằng chuyện G2 yếu đi chỉ là một phần nguyên nhân. Điều quan trọng nhất khiến họ rời giải từ vòng bán kết là khả năng của các đội tuyển khác đã tăng lên quá nhanh.
G2 đã thua DAMWON Gaming, đối thủ cuối cùng mà SofM và Suning cần phải vượt qua. Và thật thú vị khi nhận ra đại diện của Hàn Quốc cũng xứng đáng vô địch CKTG chẳng kém gì "bầy sư tử".
Cộng đồng LMHT quốc tế hẳn rất ngỡ ngàng khi nhìn "gaming house" của DAMWON Gaming. Chẳng phải những căn nhà, biệt thự sang trọng, đầy đủ tiện nghi, tuyển thủ DWG sống gắn bó với trong một khu ký túc xá chật hẹp. Mỗi phòng có 2 chiếc giường tầng, đôi khi vì lý do bất khả kháng mà 5 người phải ngủ chung một phòng.
Ngay cả anh chàng Ghost - Yong-jun mới được lên làm thành viên chính thức từ đầu hè cũng có khả năng khiến fan rơi nước mắt nếu kể ra câu chuyện của mình. Năm nay mới 21 tuổi nhưng Yong-jun đã trải qua đầy đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố. Đến mức mà anh phải tự biến bản thân trở thành một kẻ gây cười và hay tự nhủ: "Một nụ cười bao giờ cũng tốt hơn những giọt nước mắt".
DWG và Suning đều có những câu chuyện riêng mang tính truyền cảm hứng. Cả 2 đều có xuất phát điểm đầy rẫy khó khăn để rồi vươn lên trở thành niềm tự hào của cả một khu vực.
Khác ở chỗ, nếu như DAMWON càn quét mọi đối thủ, hạ nhục những huyền thoại, những đội tuyển được yêu thích như T1, G2 để vươn đến vị thế hiện tại thì Suning khởi đầu có chút khiêm tốn hơn với vị trí thứ 3 chung cuộc ở LPL mùa hè.
Thật ra điều đó đâu còn quan trọng nữa. Bởi vì dù đội nào lên ngôi vô địch, hành trình của họ và đối thủ chắc chắn cũng đã được lưu lại trong sử sách.
Bạn nên quan tâm