Chuyện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói

PHỤNG HIẾU x GN , 09:30 22/10/2020 | Esport

Chia sẻ

Những điều xấu mà Huanfeng chứng kiến khi còn nhỏ khiến cậu không tin vào việc trên thế gian này tồn tại thứ gọi là lòng tốt.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 1.

Nếu được xếp vào một nhóm những đứa cùng tuổi, Huanfeng sẽ là đứa ít nói nhất. Đó là điều mà cô giáo nào cũng phải công nhận.

“Hầu hết học sinh nam của tôi đều rất nghịch ngợm. Nhưng trong đám ấy tự nhiên lại xuất hiện một cậu bé đem lại cho tôi cảm giác rất lạ. Một cậu bé sống nội tâm”, cô Pang, giáo viên của Huanfeng mô tả lại học trò.

Sau này, khi Huanfeng rời xa mái trường để bước trên con đường của một tuyển thủ Esports, những người làm việc với cậu cũng có nhận xét tương tự. Ông Guokui, quản lý của tuyển trẻ Invictus Gaming (IGY) kể lại: “Nhóc ấy không giỏi trong việc giao tiếp với đồng đội lúc mới đến. Trong trận, Huanfeng cũng hiếm khi mở lời”.

Huanfeng thường xuyên giữ lại những ý tưởng, suy nghĩ của mình mà không chia sẻ với người khác. Trong một tập thể, đây rõ ràng là một vấn đề. Và những người như ông Guokui có trách nhiệm giải quyết nó. “Đứa trẻ ấy cần được dẫn dắt. Tôi sẽ giúp Huanfeng đưa ra những quyết định”.

Đầu mùa giải 2020, Huanfeng gia nhập Suning. Cậu nhóc cô đơn ấy cứ thi thoảng mua một vé tàu điện ngầm rồi đi quanh thành phố. Nếu thích, Huanfeng sẽ đáp xuống ở một nơi xa lạ, đi dạo một mình rồi lại lên tàu về nhà.

Thói quen này, theo quản lý Yuan Xi của Suning, thì giống như đang chơi Cờ Tỷ Phú. “Huanfeng đi đến nơi khác theo một cách ngẫu nhiên, như tung xúc xắc ấy. Khi nào chán, nhóc sẽ xuống tản bộ”, ông Yuan Xi tiết lộ. 

Theo Huanfeng, đó là cách để “đổi gió”, giải tỏa sau những giờ luyện tập và thi đấu căng thẳng.

Với Huanfeng, đến Suning có thể được coi là một quyết định khiến cậu đổi đời. Trước đó, cậu nhóc sinh năm 2001 đã trải qua rất nhiều chuyện không vui khi còn nhỏ. Chặng đường lên chuyên nghiệp cũng chẳng dễ dàng, khi Huanfeng phải đi từ cấp độ thấp nhất của Esports tại Trung Quốc, vượt qua hàng tá những trắc trở mới có được ngày hôm nay.

Giữa năm 2019, sau khi giải đấu mùa xuân kết thúc. Huanfeng (lúc ấy còn chơi cho IGY) tận dụng ngày nghỉ của mình để trở về quê nhà, một thành phố nhỏ ở vùng Quảng Tây.

Sau khi cất gọn đồ đạc, cậu lập tức hướng đến bến cảng ở phía nam thành phố.

Trên bãi biển, gió thổi chiếc áo phông rộng thùng thình của cậu bay mọi hướng khác nhau. Nhưng đó không phải vấn đề.

Trước mắt Huanfeng là vô số những chiếc thuyền đánh cá tấp nập qua lại. Vào thời điểm ấy, thời gian như ngừng lại với Huanfeng. Lần đầu tiên kể từ lúc thi đấu chuyên nghiệp, cậu nhóc cảm thấy hoàn toàn thoải mái, bay bổng.

“Bạn biết không? Thật khó để giữ đầu mình trống rỗng, chẳng suy nghĩ về điều gì”, Huanfeng chia sẻ.

Kỳ nghỉ kết thúc khá nhanh. Sau khi trở về đội, Huanfeng bắt đầu nảy lên suy nghĩ, rằng mình sẽ trở lại để tận hưởng cảm giác thoải mái ấy trong tương lai.

Có lẽ cậu muốn được thả mình theo những cơn sóng, những chiếc thuyền đánh cá một lần nữa.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 3.

Lúc mới nhận thức được thế giới xung quanh, Huanfeng luôn rơi vào cảnh bối rối. Chẳng là mẹ cậu luôn hỏi một câu cực khó.

“Nếu mẹ và bố ly dị, con sẽ ở với ai?”.

Nhà của Huanfeng không mấy yên bình hồi cậu còn nhỏ. Những cuộc cãi vã giữa bố và mẹ diễn ra thường xuyên, tưởng như không có hồi kết.

“Tôi luôn trốn trong phòng mình khi họ cãi nhau. Khổ nỗi phòng tôi không cách âm, nên tôi có thể nghe thấy hết mọi thứ”, Huanfeng kể.

Lý do của những cuộc cãi vã ấy xoay quanh chuyện nhà nội Huanfeng, gia đình riêng của bố và tình hình tài chính khó khăn của nhà ngoại.

Có lần, khi Huanfeng học lớp 4 hoặc lớp 5 gì đấy, cậu thấy mẹ đứng đợi sẵn ở cổng trường với chiếc xe đạp điện đã cũ. Hình ảnh ấy bình thường, vì ngày nào mẹ cũng là người đưa đón cậu đi học và về nhà. Nhưng hôm đó, mẹ nói một điều mà khiến Huanfeng sốc nặng.

“Mẹ chỉ còn đủ tiền mua một cọng hành thôi. Không còn gì cho con ăn nữa”.

Tại sao điều này có thể xảy ra? Huanfeng tự vấn bản thân.

Sau lần nói chuyện đó, Huanfeng luôn đóng vai một người giảng hòa cho bố mẹ khi 2 người cãi vã. Để không bị chết đói, cậu phải thay mặt mẹ đi xin tiền bố.

“Họ chẳng đợi tôi về phòng mà đã chửi nhau. Tiền đâu mà trả tiền nhà? Tiền đâu mà sinh hoạt? Chủ đề của những cuộc cãi vã là vậy. Mẹ tôi không biết phải làm như thế nào. Lúc ấy bà không kiếm được việc làm”, Huanfeng kể.

Vào kỳ học đầu tiên của năm lớp 7, mẹ Huanfeng đột nhiên biến mất, không để lại một mảnh giấy thông báo nào cho con trai. Phải sang kỳ hai, Huanfeng mới được gặp lại mẹ.

Hôm ấy khi Huanfeng đang chăm chú nhìn màn hình máy tính thì mẹ về. Bà mở cửa, lạnh lùng đi vào nhà, lấy chiếc vali không biết ai đã để sẵn đó rồi lại biến mất. Huanfeng bất giác cất tiếng hỏi mẹ đi đâu, nhưng không nhận được câu trả lời. Tiếng động duy nhất đọng lại trong tâm trí Huanfeng tối đó là tiếng cửa gỗ kẽo kẹt đóng lại.

Kể từ khoảnh khắc ấy, Huanfeng bắt đầu cuộc sống “cô đơn”. Trong căn nhà mà Huanfeng từng sống với ba mẹ từ khi còn bé ấy giờ chỉ còn mỗi mình cậu lủi thủi một mình.

Bố Huanfeng cho cậu 200 NDT (khoảng 700.000 VNĐ theo tỉ giá hiện tại) mỗi nửa tháng rồi để con trai sống một mình. Thi thoảng ông trở về căn nhà cũ ấy để sử dụng cái máy tính bàn. 

Hầu hết bóng điện trong nhà đã bị hỏng. Khi màn đêm buông xuống, màn hình máy tính trở thành nguồn sáng duy nhất thắp sáng cả gian phòng.

Huanfeng sau cùng đã phải sống trong căn nhà tồi tàn, thiếu thốn ấy trong suốt 3 năm trời.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 4.

Cứ thế, chuyện nhà ảnh hưởng đến góc nhìn của Huanfeng về thế giới xung quanh. Một thời gian dài cô đơn trong bóng tối, cậu nhóc chẳng biết thế nào là một người tốt. Và kể cả khi được giải thích cho hiểu, Huanfeng cũng không nghĩ rằng có những người như thế tồn tại trên thế giới này.

Nhưng rồi Huanfeng quen được một cậu bạn cùng lớp. Nhà cậu này thuộc hàng khá giả, mở một khách sạn lớn ngay đối diện nhà Huanfeng. 2 đứa hay đợi nhau mỗi buổi sáng để cùng đạp xe đến trường.

Một ngày nọ khi biết chuyện của Huanfeng, cậu bạn kia dùng tiền túi của mình để mua đồ ăn sáng cho cả 2. Ban đầu Huanfeng cứ gặng đòi trả lại, nhưng nhận được thái độ cứng rắn và câu trả lời: “Quên chuyện ấy đi, hôm nay tớ bao”.

Khi số lần được bao càng ngày càng nhiều lên, Huanfeng mới hỏi: “Này, sao bạn tốt với tôi thế?”.

“Bởi vì mình không phải là bạn cùng lớp đơn thuần, mà là bạn tốt của nhau”.

Một lần khác, Huanfeng bị sóng cuốn đi. Có rất nhiều người ở bãi biển chứng kiến cảnh tượng ấy nhưng chỉ mình cậu bạn kia nhảy xuống, nắm lấy tay và cứu lấy mạng Huanfeng.

Lên cấp 3, Huanfeng sống trong ký túc xá. Khi ấy có một cô bé cùng lớp hay nhờ Huanfeng chỉ giúp một vài bài vật lý. Để đáp lại những buổi dạy học không công ấy, cô bé thường xuyên mang thức ăn đến chia cho Huanfeng. Chu kỳ của mỗi lần “tiếp tế” thức ăn là sau chủ nhật hàng tuần.

“Tại sao cậu tốt với tôi thế?”, Huanfeng lại hỏi. 

“Chẳng phải bạn bè đối xử với nhau như thế quá bình thường hay sao?”, cô bạn kia đáp lại.

Cậu bạn ấy không những cứu sống, mà còn cứu luôn cả tuổi thơ của Huanfeng vậy. Còn cô bạn kia giúp Huanfeng nhận ra vẫn còn rất nhiều người tốt xung quanh mình.

Dần dần, Huanfeng bắt đầu cởi mở hơn. Cậu đồng ý đi chơi với nhóm bạn trong lớp như những đứa trẻ bình thường. Nhưng đấy là ban ngày, đêm về, Huanfeng vẫn ở một mình trong bóng tối, mặt đối mặt với cái máy tính. Cậu không ngủ trên giường, mà hay ngả lưng xuống ghế cho nhanh.

Tuổi thơ của Huanfeng cứ trôi qua. Sau từng ấy thời gian, cậu đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi của mẹ.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 5.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 6.

Hồi còn bé, mỗi lần về nhà nội là một lần hãi hùng với Huanfeng. Có quá nhiều người mà cậu không quen, chưa nghe tên và không biết mặt. Cô lập chưa đủ tệ, Huanfeng còn bị chính nhóm người thân trên danh nghĩa ấy to tiếng đôi lần.

Lần này lúc bị lôi về quê, Huanfeng xin phép được ở lại ký túc xá của trường. Cậu nhóc nhận lại một câu trả lời lạnh lùng từ bố: “Mày ở lại đấy để làm gì?”. Buổi trò chuyện giữa 2 bố con chính thức kết thúc sau câu trả lời ấy. Suốt một hành trình dài từ thành phố về vùng biển xưa cũ, cả 2 không nói với nhau câu nào nữa.

Về quê ăn Tết, theo góc nhìn của Huanfeng, là việc mọi người trong gia đình từ khắp mọi miền đổ về một căn nhà nhỏ, ở một thành phố nhỏ. Họ ăn uống, tiệc tùng. 

Thật tệ nếu bạn không thể hòa nhập vào cái bầu không khí ấy.

Huanfeng biết mình sẽ lại bị cô lập như những lần trước. Được cái lần này, cậu có cách để thoát khỏi nó.

Gia đình nội của Huanfeng rất lớn, gồm nhiều thế hệ. Trong nhóm trẻ con, Huanfeng đứng thứ 10. Vì thế thay vì gọi tên, người nhà đều kêu Huanfeng là “Thập” - tức số 10 theo Hán Ngữ. Vào đêm Giao Thừa, 3 đứa trẻ, “Cửu”, “Thập” và “Thập Nhất” bỗng nhiên biến mất. Chúng lẻn ra ngoài mà không một ai biết rồi mất hút trong một quán nét cỏ.

“Câu chuyện của nhà Cửu khá giống với tôi. Cả 2 cũng thích chơi điện tử nữa. Được một thời gian thì bố, mẹ của Thập Nhất không cho con trai của họ lang thang với tôi và Cửu. Họ nói sẽ giết luôn Thập Nhất nếu cậu nhóc bén mảng đi theo chúng tôi chơi điện tử”, Huanfeng kể.

Đêm hôm ấy, cả 3 đứa nhóc quyết liều một phen. Lúc trốn ra khỏi nhà, cảm giác lo lắng, sợ sệt bủa vây. Nhưng khi tiệm Internet xuất hiện mập mờ trong sương, nỗi sợ hãi đã biến mất.

Trong tiệm nét chẳng có ai. Đúng ra là chẳng có ai dị hợm như 3 thằng nhóc muốn chơi điện tử thêm giao thừa.

Hồi ấy đang rộ lên phong trào “Tình anh em xứ Demacia” nên một đứa chơi Jarvan, một đứa Xin Zhao và một đứa Garen. Cả 3 chơi liền tù tì từ đêm đến sáng hôm sau.

7h sáng, khi những đồng cuối cùng trong túi đã được tiêu hết, 3 đứa trẻ chạy vội về nhà. Cũng may, chúng kịp bữa sáng. Và điều tuyệt vời nhất là không một ai trong nhà biết đêm qua chúng đã làm gì.

Trên đường về, một đứa, Huanfeng không nhớ rõ là ai, đột nhiên nói lớn: “Chúng ta hãy trở thành tuyển thủ Esports chuyên nghiệp đi”.

Câu ấy như một lời nói đùa với Huanfeng, người sở hữu mức xếp hạng cao nhất trong bọn (Bạch Kim). Thật ra Huanfeng có biết là người ta thật sự kiếm ra tiền bằng việc chơi game, thông qua những trận đấu được truyền hình trực tiếp trên mạng. Đôi lần, cậu cũng nán lại quán net để xem người ta thi đấu giải cỏ.

Nhìn thì thích thật, nhưng Huanfeng luôn có cảm giác rằng mình sẽ không bao giờ được như thế. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ chơi chuyên nghiệp”.

Quay trở lại buổi sáng hôm ấy, Huanfeng bắt đầu cân nhắc nghiêm túc câu nói của người anh/em họ.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 7.

Sau khi chia tay, Huanfeng trở về căn nhà nhỏ của mình. Cậu cảm thấy có động lực thúc đẩy chơi Liên Minh Huyền Thoại nhiều hơn nên mỗi khi có thời gian rảnh là lại ngồi vào máy.

Hằng ngày, Huanfeng dậy lúc 5h sáng. Cậu kịp chơi một trận xếp hạng rồi cùng bạn đạp xe đến trường. Giờ nghỉ trưa chỉ kéo dài 2 tiếng đồng hồ nhưng Huanfeng vẫn tính toán sao cho cậu đạp xe về nhà, chơi thêm một hoặc 2 trận xếp hạng nữa.

Huanfeng đồ rằng nếu cậu ở lại trường một chút sau khi tan học để làm bài tập về nhà thì cậu sẽ có nhiều thời gian chơi hơn. Đúng như kế hoạch, mọi bài tập đều được Huanfeng giải quyết nhanh chóng, để rồi cậu có thể chơi thoải mái đến 23h. Ngày nào cũng vậy.

Ban đầu vị trí sở trường của Huanfeng là đường giữa. Nhưng một thời gian sau đó, Huanfeng cảm thấy “có điều gì đó không ổn”. Kể từ lúc chuyển sang xạ thủ, Huanfeng mới ngộ ra một điều rằng: “Ồ, đây mới là vị trí phù hợp với mình”.

Trong những chuỗi ngày "tryhard" không ngừng nghỉ ấy thì Huanfeng hiếm khi chơi cùng 2 người anh/em họ kia. Từ tận sâu trái tim mình, cậu hiểu rằng, “chơi với họ như một hình thức giải trí, không nghiêm túc”.

Vào thời điểm hoàn thành xong việc học ở trường cấp 2, Huanfeng đã đạt đến mức xếp hạng Kim Cương 1, với tỉ lệ thắng cao ngất trời. Không lâu sau, cậu cán mốc Cao Thủ 200-300 điểm.

“Khi một người thích, muốn làm điều gì đó, họ sẽ làm điều ấy rất tốt. Tôi luôn tin như vậy”.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 8.

Huanfeng đỗ vào một trường cấp 3 địa phương. Cô giáo chủ nhiệm của cậu khi ấy tên là Pang. Cô Pang từng là một học sinh của trường, sau khi tốt nghiệp xong thì được tín nhiệm cho ở lại dạy những thế hệ sau. Lứa Huanfeng chính là nhóm học sinh đầu tiên của cô Pang.

Ít nói và thường xuyên giành được điểm cao, đó là ấn tượng đầu tiên của cô Pang về Huanfeng. Sau một thời gian, cô Pang cảm thấy giữa mình và cậu học trò này có sự liên kết khó giải thích.

“Cậu nhóc ấy nói chuyện với tôi khá nhiều về chuyện điểm số khi thi vào trường. Huanfeng đem điểm của nhóc ấy ra so sánh với tôi, khẳng định rằng một ngày nào đó sẽ vượt xa tôi”, cô Pang kể lại.

Hồi ấy ca học buổi đêm của Huanfeng bắt đầu từ 18h40 chiều đến 21h10 tối. Tình cờ vào lúc 19h tối nọ, Huanfeng tìm đến cô Pang để nói chuyện. Họ hợp nhau đến mức buổi trò chuyện kéo dài đến hết ca học buổi tối, đến lúc chuông reo cả 2 mới nhận ra đã muộn quá rồi.

Cô Pang là một trong số ít những người mà Huanfeng có thể tin tưởng để chia sẻ. “Nhóc ấy không có quá nhiều bạn để nói chuyện”, cô Pang nói.

“Huanfeng thường hỏi tôi nên lựa chọn con đường nào. Chơi game chuyên nghiệp hay tiếp tục đèn sách, cố thi đỗ vào đại học. Tôi cảm nhận được sự mâu thuẫn không nhỏ đang giằng xé Huanfeng. Lúc thì nhóc ấy khoe, bảo chơi điện tử giỏi lắm và đúng ra phải nhận được nhiều hơn từ tài năng ấy. Lúc thì lại bảo muốn tiếp tục học vì điểm cũng khá cao”.

Huanfeng luôn nằm trong top đầu của lớp. Có thời điểm thành tích của cậu không đứng nhất thì đứng nhì. Và đương nhiên, mọi thời gian rảnh đều được cậu dồn hết cho Liên Minh Huyền Thoại. Khả năng chơi của cậu ngày một tăng.

Đi kèm với những thành tựu ấy là sự mâu thuẫn như cô Pang đã nói.

Trong những buổi nói chuyện với cô Pang, Huanfeng luôn hỏi “Nếu con không đi học nữa thì điều gì sẽ xảy ra? Cô nghĩ gì về những đứa trẻ bỏ dở trường lớp?”.

Câu trả lời của cô Pang thì chỉ có một. “Vào thời điểm ấy, tôi không biết cậu nhóc ấy chơi game giỏi đến mức nào. Cá nhân tôi cũng cho rằng chơi game chuyên nghiệp không đem lại lợi ích lâu dài. Huanfeng lại là một học sinh giỏi giang, nên tôi khuyên nhóc nên tiếp tục đi học”, cô Pang kể lại.

Nghe vậy, nhưng Huanfeng vẫn tiếp tục hỏi. Có vẻ như cậu không hài lòng với câu trả lời của cô Pang.

Vào thời điểm đang học cấp 3, cuộc sống đang yên bình của Huanfeng trở nên bất ổn định. Thông thường nửa tháng bố lại gửi cho cậu khoảng 200 yuan, nhưng con số này đột nhiên giảm một nửa. Có tháng, Huanfeng không nhận được một xu nào. Cậu bắt đầu lo lắng, hỏi bố tại sao không chuyển tiền nhưng không một câu trả lời thích đáng nào được đưa ra.

Thế chưa đủ tệ. Một ngày, mẹ của Huanfeng bất ngờ liên lạc lại với con và bảo rằng, căn nhà cũ kỹ có thể sẽ bị người ta lấy đi. Thế nên không còn cách nào khác, Huanfeng buộc phải ăn uống dè dặt, giữ lại cho bản thân một khoản tiền nhỏ để sau này, có chuyện gì xấu xảy ra cậu còn tự xoay xở được.

Giữa học kỳ thứ 2, mỗi ngày Huanfeng chỉ ăn 2 chiếc bánh bao và uống một chai nước lọc.

Dù có vấp phải từng ấy khó khăn, Huafeng vẫn sống tốt, đạt được điểm cao trong mỗi kỳ thi cuối kỳ.

Rồi một ngày, lệnh từ hiệu trưởng đổ xuống, yêu cầu lớp của Huanfeng phải chia làm 2. Nửa học tốt, bao gồm Huanfeng, được chuyển thành lớp chọn và sẽ có giáo viên đào tạo riêng. Cô Pang thì được phân dạy dỗ nửa còn lại.

Đến bây giờ, cô Pang vẫn còn nhớ như in nội dung của buổi nói chuyện cuối cùng với Huanfeng. Vẫn là cái chủ đề đi học hay đi chơi chuyên nghiệp, nhưng lần này cô Pang không thuyết phục cậu học trò cưng theo con đường đèn sách nữa. 

“Hãy làm mọi thứ mà em muốn. Cô Pang nói với tôi như thế”, Huanfeng hồi tưởng lại.

Đó là câu trả lời mà Huanfeng mong muốn. Vài câu khuyên nhủ của cô Pang khiến cậu cảm thấy hạnh phúc hơn lúc nào hết.

Một thời gian sau, Huanfeng bất ngờ xin thôi học ở ngay học kỳ 2 của năm đầu lên cấp 3. Cô Pang nghĩ rằng học trò cưng của mình quyết định đi theo Esports nên xin nghỉ, nhưng nguyên nhân không phải vậy.

Theo Huanfeng, cậu không thể làm quen được với nhóm học sinh ở lớp chất lượng cao. Có lần, Huanfeng đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với một đứa. Giáo viên chủ nhiệm bắt cả 2 bắt tay làm hòa, nhưng Huanfeng chẳng thèm quan tâm.

Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức Huanfeng nhắn tin, báo với bố rằng cậu không muốn theo học ngôi trường đó nữa. Nội dung tin nhắn chứa đầy những từ ngữ tương đối hằn học, được cậu sử dụng để mô tả môi trường ở lớp học chất lượng cao. 

Sau khi đọc xong, bố của Huanfeng đưa ra một quyết định vô cùng khó hiểu. 

Ông đưa cho hiệu trưởng xem tin nhắn, khiến con trai bị nhốt ở lớp một đêm.

Huanfeng bị coi là một trường hợp cá biệt, cần phải được dạy dỗ khác những đứa trẻ thường. Suy nghĩ như thế nên hiệu trưởng cùng một nhóm giáo viên đến chuyện với Huanfeng vào buổi sáng hôm sau. Bố của cậu cũng có mặt ở buổi nói chuyện ấy.

Thay mặt hiệu trưởng, một vị giáo viên đưa cho Huanfeng xem một bức ảnh, trong đó một bên là cảnh ở vùng quê nghèo khó, một bên là chốn đô thị phồn hoa. Người giáo viên chỉ cho Huanfeng rằng nếu đi học, cậu ấy sẽ nhận được gì, và ngược lại nếu không đi học, cuộc đời cậu sẽ ra sao.

Chiều hôm ấy, Huanfeng cùng bố rời khỏi trường. Hiệu trưởng ra quyết định cho Huanfeng nghỉ một thời gian để cậu “suy nghĩ cho chín chắn”. Nhưng có lẽ những gì cậu nhóc trải qua là quá đủ.

Trên đường về, Huanfeng hỏi bố, tại sao không thể học trường khác? Ông nói: “Được thôi, miễn là mày không bỏ học sau một năm”. 

Thế là ngay trong ngày, bố Huanfeng đưa cậu đến một ngôi trường ở trên tỉnh. Cả 2 đứng trước cổng trường. Bố để lại cậu nhóc Huanfeng đứng một mình rồi ra nói chuyện với một người nào đấy. Huanfeng nghe ngóng được là cậu sẽ được nhận, nhưng phải có tiền. Rồi cậu thấy bố cúi đầu, cầu xin người đàn ông xa lạ kia.

“Tại sao bố tôi lại phải hành xử như thế? Là một người đàn ông, cúi đầu xin người khác là một điều cấm kỵ. Dù sao ông ấy cũng là bố tôi”, Huanfeng chia sẻ.

Sau khi chứng kiến cảnh tượng ấy, Huanfeng tự bắt xe buýt trở về. Cậu đã cãi vã một trận nảy lửa với bố. 

“Mày sẽ làm gì nếu không đi học?”, bố của Huanfeng lớn tiếng. Huanfeng không đáp lại, chỉ lao lên xe buýt một mình. Vào thời điểm ấy, chàng trai đến từ làng quê hẻo lánh đã đưa ra quyết định.

Sau cùng, lời hứa sẽ vượt qua cô Pang đã không được thực hiện.

Chuện về Huanfeng (phần 1): Tuổi thơ suýt chết đói - Ảnh 9.