Với sự xuất hiện của World Cup, nước Nga sẽ có một mùa hè sôi động cùng trái bóng. Theo ước tính của ông Alexei Sorokin, trưởng Ban tổ chức World Cup, sẽ có khoảng 600.000 khách nước ngoài đáp xuống xứ bạch dương trong thời gian giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh diễn ra.
Trước số lượng du khách khổng lồ, việc đảm bảo an ninh trở thành ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh đã xuất hiện sự đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hooligan đến từ Anh.
"An ninh luôn là vấn đề quan trọng, bất kể tại Brazil, Nam Phi hay Đức. Tôi đặc biệt hài lòng với sự phối hợp của Nga và Ủy ban tổ chức World Cup cũng như cách họ chuẩn bị", ông Helmut Spahn cho biết trên tờ DPA.
Hồi cuối tháng 5, IS khiến tất cả lo ngại khi đăng tải bức ảnh đang hành quyết hai ngôi sao hàng đầu của bóng đá thế giới là Ronaldo và Messi. Trong quá khứ, tổ chức này cũng nhiều lần đe dọa sẽ "tắm máu" kỳ World Cup 2018 như một biện pháp trả đũa việc can thiệp của Nga vào Syria.
Trước động thái này, Nga lập tức cho thấy sự nghiêm túc trong công tác chuẩn bị. Khi tổ chức Olympic mùa đông Sochi 2014, nước này đã chi tổng cộng 1,4 triệu Euro cho an ninh đồng thời huy động gần 70.000 cảnh sát và các lực lượng liên quan.
Bức hình đe dọa hành quyết Ronaldo và Messi của IS.
Theo tờ DW, tại World Cup 2018, số tiền bỏ ra cho công tác chống bạo động của Nga sẽ tăng gấp nhiều lần so với Sochi 2014. Số nhân viên an ninh cũng vượt trên 100.000 người.
Bên cạnh đó, những trang bị tối tân nhất cũng được sử dụng. Riêng tại Kaliningrad, địa điểm diễn ra bốn trận đấu tại World Cup 2018, một tàu khu trục, hai tàu chiến Frigates, bốn tàu chiến Corvette, hai tàu chống khủng bố, hệ thống phòng không và xe tăng được huy động để ngăn chặn khủng bố tấn công từ đường biển. Sự trang bị tương tự cũng diễn ra tại các thành phố khác trên đất Nga.
"Vợ và hai con trai tôi sẽ đến Nga xem bóng đá theo đường du lịch. Nếu có bất kỳ nghi ngại nào về sự an toàn, chắc chắn tôi đã ngăn cản họ", ông Spahn cho biết.
Tại Euro 2016, hai nhóm cổ động viên của Anh và Nga đã choảng nhau dữ dội bên ngoài sân vận động ở Marseille. Sự việc trên gây chấn động làng túc cầu và tạo ra sự mâu thuẫn không thể hàn gán giữa bộ phận hooligan hai quốc gia.
Vụ ẩu đả giữa hooligan Nga và Anh tại Euro 2016.
Tuy nhiên, sự việc trên rất khó lặp lại tại Nga. Bên cạnh việc đưa các đối tượng quá khích trong nước vào tầm ngắm, Nga còn làm việc với cảnh sát Anh để lên danh sách và ngăn các đối tượng thuộc dạng "máu nóng" của xứ sương mù đến xem World Cup.
Ngoài ra, để có thể đến Nga, người hâm mộ bắt buộc phải có trong tay Fan ID, một loại giấy tờ chỉ được nước này cấp sau khi xem xét kỹ càng. Việc tạo ra Fan ID sẽ giúp công việc kiểm soát thông tin của fan hâm mộ hiệu quả hơn.
Nga cũng cấm bán đồ uống có cồn trong sân và trên các ga tàu. Phía bên ngoài, bia, rượu đựng trong chai thủy tinh không được phép bán vào buổi tối hoặc những ngày diễn ra trận đấu tại các thành phố đăng cai.
"Chúng tôi đã xem xét tình hình tại Nga và vụ ẩu đả ở Euro hai năm trước. Với công tác chuẩn bị như lúc này, khả năng xảy ra những vụ việc như tại Marseille là khá thấp", ông Spahn kết luận.