Từ nào đã được Nhật hoàng thay đổi?
Nhật hoàng Naruhito nói: "Tôi tuyên bố khai mạc các môn thi đấu Olympic Tokyo để kỷ niệm Thế vận hội lần thứ 32 của kỷ nguyên hiện đại".
Theo Reuters, Nhật hoàng đã tinh tế trong việc sử dụng từ "kỷ niệm". Báo chí Nhật Bản cũng bàn luận nhiều về cách sử dụng từ ngữ này ngay sau khi lễ khai mạc kết thúc.
Ban đầu, câu nói được giữ giống với tuyên bố của cố Nhật hoàng Hirohito, ông nội của Naruhito, trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 1964.
Câu nói tiếng Nhật ban đầu khi được phiên dịch sang tiếng Anh là "I declare open the Games of Tokyo celebrating the thirty second Olympiad of the modern era". Từ "kỷ niệm" (celebrating) ở đây mang ý nghĩa chào mừng một sự kiện quan trọng với sắc thái vui vẻ.
Nhật hoàng Naruhito đã quyết định chọn một từ tiếng Nhật khác có ý nghĩa trung hoà hơn (commemorating). Theo ngôn ngữ Việt Nam, từ này cũng có thể hiểu là "kỷ niệm" và gần hơn với từ "tưởng niệm" mang màu sắc nghiêm trang, tôn kính.
Trong khi đó, ở Olympic mùa đông Nagano 1998, Thượng hoàng Akihito, khi ấy là Nhật hoàng, lại bỏ qua từ "kỷ niệm". Ông chỉ nói: "Tôi xin tuyên bố khai mạc Thế vận hội mùa đông lần thứ 18 ở Nagano".
Nhật hoàng Naruhito thay đổi 1 từ trong lời tuyên bố khai mạc Olympic Tokyo 2020 so với phần phát biểu của ông nội tại Olympic Tokyo 1964
Nguyên nhân của sự thay đổi
Nhật hoàng Naruhito đã thể hiện rõ cảm xúc lo lắng về dịch bệnh. Việc sử dụng một từ ngữ mang sắc thái vui vẻ là không phù hợp ở thời điểm này.
Olympic Tokyo 2020 được tổ chức trong một bối cảnh phức tạp khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành và ban tổ chức bị vùi dập bởi hàng loạt bê bối. Các cuộc thăm dò dư luận liên tục cho thấy đa số người Nhật phản đối việc tổ chức Olympic.
"Khi người dân Nhật Bản vẫn cất lên những tiếng nói bày tỏ sự lo lắng thì bệ hạ cũng có sự lo lắng rằng việc tổ chức Olympic sẽ dẫn đến sự lây lan dịch bệnh", ông Yasuhiko Nishimura, thư ký Hoàng gia Nhật Bản, cho biết.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản bày tỏ quan điểm: "Đó là lời tuyên bố của bệ hạ, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc và ngài cho rằng từ "chào mừng" là không phù hợp".
Dựa trên ý nguyện của Hoàng gia Nhật Bản, chính phủ và BTC đã đồng ý về việc thay đổi từ ngữ. Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) sau đó cũng đồng thuận.
Bà Seiko Hashimoto, Trưởng BTC Olympic Tokyo, nói: "Thách thức với sự kiện là kìm nén cảm giác ăn mừng càng nhiều càng tốt".
Tuyên bố này làm rõ hướng thay đổi từ ngữ. Hoàng gia Nhật Bản không có quyền thay đổi những gì nằm trong "Hiến chương Olympic" bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
"Hãy nghĩ về một bản dịch bằng tiếng Nhật. Thật tuyệt khi chúng tôi có thể làm được trong phạm vi này", bà Hashimoto chia sẻ.
Phó giáo sư Hideya Kawanishi, Đại học Nagoya chuyên nghiên cứu về các vị vua, thì cho biết: "Dịch Covid-19 lây lan đến nhiều người. Nếu bệ hạ nghĩ về nó thì không thể không sửa bản dịch tiếng Nhật.
Nếu bệ hạ sử dụng từ "kỷ niệm" có ý nghĩa chào mừng thì có khả năng phe phản đối sự kiện sẽ cho rằng Nhật hoàng đang ủng hộ Olympic. Bệ hạ vì thế có thể đã cân nhắc việc duy trì tính trung lập về chính trị".
Nhật hoàng Naruhito và dịch Covid-19
Ngày 30/4/2019, Nhật hoàng Akihito thoái vị. Một ngày sau, thái tử Naruhito được kế vị. Lễ đăng vị chính thức diễn ra vào ngày 22/10/2019. Và cũng chỉ vài tháng sau, vị hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản cùng người dân đối mặt với đại dịch Covid-19.
Suốt hơn 1 năm qua, Nhật hoàng Naruhito cùng hoàng hậu Masako tham gia nhiều hoạt động chống lại dịch Covid-19. Cuối năm 2020, cả hai có cuộc họp trực tuyến với các nhân viên y tế ở Tokyo, Hokkaido và Okinawa, nói chuyện với từng người và động viên họ vượt qua khó khăn.
Nhật hoàng thường xuyên tổ chức những cuộc gặp mặt với thành viên trong chính phủ, những chuyên gia y tế để nắm được tình hình dịch bệnh. Ông cũng cắt giảm những phần nào sự phức tạp, tốn kém của các sự kiện hoàng gia. Hình ảnh của nhà vua được sử dụng để cổ vũ người dân trong thời kỳ khó khăn bậc nhất.
Chính từ điều này, Nhật hoàng Naruhito càng cẩn trọng hơn trong việc sử dụng từ ngữ liên quan đến Olympic Tokyo 2020, sự kiện vốn không được lòng dân chúng. Chi tiết này được đánh giá phần nào giảm bớt ác cảm về Olympic từ chính người dân xứ sở mặt trời mọc.
Sau 1 năm bị hoãn cùng nhiều biến cố, lễ khai mạc Olympic Tokyo cuối cùng cũng được tổ chức. Một lễ khai mạc đặc biệt với không khán giả cùng số lượng VĐV, quan khách tham dự hạn chế; được thực hiện theo phong cách tối giản, không phô trương và tập trung thể hiện nỗ lực gắn kết cộng đồng.