Trận hòa 2-2 trước chủ nhà Thái Lan trong trận bán kết lượt về có thể được xem là bất ngờ lớn nhất tại giải đấu năm nay. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lối chơi của "Hiramau Malaya", có lẽ giới chuyên môn không quá bất ngờ.
Malaysia tổ chức áp đặt thế trận và chơi sòng phẳng trước chính đối thủ. Họ kiểm soát bóng tốt, gây áp lực trên phần sân đối phương đến những tình huống tấn công đầy tốc độ. Tất cả dường như nằm trong tính toán của HLV Tan Cheng-hoe với triết lý được người hâm mộ Malaysia gọi là "Cheng Hoe - ball".
Liệu triết lý "Cheng Hoe - ball" của mình có giúp tuyển Malaysia của ông lên ngôi tại AFFCup 2018. Ảnh: FAM
Cuộc cách mạng mang tính chiến lược của HLV Tan Cheng Hoe
Trước thềm AFF Cup, không nhiều người đặt cửa vào chung kết hay thậm chí lên ngôi vô địch của Malaysia. Đơn giản, dưới triều đại của cựu HLV Nelo Viganda, đội bóng này để thua tới 6/7 trận. Tồi tệ hơn, tất cả đều đến từ phong cách "nửa Tây, nửa ta" của vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha với các tình huống phất bóng dài.
Hậu quả, bóng đá Malaysia có một năm 2017 thảm họa khi không thể giành quyền tham dự ASIAN Cup 2019. Tất nhiên, thứ hạng của đội bóng này cũng tụt hạng không phanh với thứ hạng ngoài 170 (vào tháng 1/2018).
Những người đứng đầu FAM tỏ ra loay hoay thật sự, họ quyết định "chọn mặt gửi vàng" HLV Tan Cheng Hoe như một giải pháp tình thế. Mục tiêu khả dĩ nhất mà FAM đặt ra đó là giành quyền vào bán kết AFF Cup 2018, giải đấu mà họ từng bị loại ngay vòng bảng cách đây hai năm.
Malaysia thi đấu càng lúc càng hay tại AFF Cup 2018. Ảnh: AFF Cup 2018
Tiếp nhận một Malaysia đang rệu rã về tinh thần lẫn con người, HLV Tan Cheng Hoe bắt đầu công cuộc gượng dậy bóng đá Malaysia. Ông cùng các học trò có trận đấu khởi đầu như mơ khi hủy diệt 7-0 đại diện Nam Á - Bhutan cũng như vượt qua tuyển Fiji với tỷ số tối thiểu. Lối chơi dần định hình và người hâm mộ "những chú hổ Mã Lai" đang chờ mong sự thay đổi của đội bóng con cưng.
Malaysia đã thi đấu tới bảy trận giao hữu kể từ khi vị thuyền trưởng 50 tuổi này lên nắm quyền. Họ thắng tới năm và chỉ để thua hai trận. Kể từ đây, "Cheng Hoe - ball" đã bắt đầu được quán triệt và trở thành "niềm tin" cho sự lột xác của bóng đá Malaysia.
Triết lý "Cheng Hoe - ball" được những CĐV Malaysia ám chỉ lối chơi của đội tuyển nước này dưới triều đại HLV Tan Cheng Hoe. Một Malaysia thực dụng, chỉ biết chơi bóng dài và tận dụng các đường chuyền vượt tuyến đã không còn.
Thay vào đó, là một Malaysia kiểm soát bóng tốt hơn, sử dụng nhiều đường chuyền ngắn, nhanh từ phần sân nhà kết hợp với sự cơ động của bộ đôi tiền vệ cánh. Nền tảng thể lực sung mãn giúp cho các cầu thủ Malaysia "thuộc làu" giáo án của người thầy 50 tuổi.
Sumareh - nhân tố X dưới triều đại của HLV Tan Cheng Hoe của tuyển Malaysia. Ảnh: AFF Cup 2018
Hạt nhân tiêu biểu nhất trong lối chơi mà HLV Tan Cheng Hoe áp dụng cho "Hiramau Malaya" phải kể đến tiền vệ nhập tịch Sumareh. Sự năng nổ và tốc độ của cầu thủ 24 tuổi đang mang đến mối đe dọa thường trực trước khung thành đối phương.
Bóng đá Malaysia và sứ mệnh đặt trên vai của HLV Tan Cheng Hoe
Malaysia đến AFF Cup 2018 với lứa cầu thủ được đánh giá là trẻ nhất trong tất cả các lần tham dự trước đó, con số về độ tuổi TB được đưa ra là 25,17 (đứng thứ 5 giải đấu).
Thật khó để hình dung khi một Malaysia không ổn định, thiếu kinh nghiệm quốc tế lại ghi tên mình vào chung kết AFF Cup 2018. Công đầu trong chiến tích này gọi tên HLV Tan Cheng Hoe - người làm thay đổi triết lý bóng đá của "những chú hổ Mã Lai".
Sự thay đổi mang tính bước ngoặt này mang đến hiệu ứng đầy tích cực, thậm chí với người hâm mộ Malaysia, họ còn không tin được đội bóng quê hương lại có được bước chuyển mình đầy mạnh mẽ như vậy.
Tuyển Malaysia sẽ đối đầu với tuyển Việt Nam trong trận chung kết được cả ĐNA dõi theo. Ảnh: AFF Cup 2018
Malaysia như thể đã trải qua một sự lột xác đầy kinh ngạc. Họ trở mình từ vị thế của một đội bóng không được đánh giá quá cao để đến đích, họ từ ngưỡng cửa bị loại ở bán kết bỗng nhiên "sống dậy" và đi đến trận đấu cuối cùng.
Không thể phủ nhận vai trò và công lao của HLV Tan Cheng Hoe, thế nhưng với các cầu thủ Malaysia, họ xứng đáng nhận được nhiều lời ngợi khen cho sự cố gắng của mình.
Dưới thời HLV tiền nhiệm Nelo Viganda - đó là thứ bóng dài và bổng, còn dưới thời Tan Cheng Hoe, mọi thứ được xoay chuyển - bóng ngắn và nhanh. Sự thích nghi đầy ấn tượng của "Hiramau Malaya" tạo tiền đề để Malaysia hướng tới chức vô địch AFF Cup lần thứ hai trong lịch sử.
Tất nhiên, còn quá sớm để nói đến chức vô địch AFF Cup 2018 khi trước mắt cả Malaysia lần Việt Nam là hai trận chung kết đi và về. Lợi thế tinh thần là vũ khí lớn nhất của "những chú hổ Mã Lai" lúc này, bởi họ đã vượt qua được thử thách cực đại mang tên Thái Lan trong vòng bán kết.
Gặp Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng nhưng với khả năng của mình, có lẽ HLV Tan Cheng Hoe sẽ gây ra một vài bất ngờ thú vị cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Mặt khác, một điểm cần lưu ý với tuyển Việt Nam, khi thứ triết lý "Cheng Hoe - ball" còn gây khó chịu ở chỗ biến khó khăn thành động lực.
Liệu người Mã đã sẵn sàng trên hành trình chinh phục cúp bạc Đông Nam Á? Ảnh: AFF Cup 2018
Malaysia dưới thời chiến lược gia 50 tuổi vừa biết cách gây ức chế lên đối phương bằng các tình huống tiểu xảo, vừa tạo nên được tính đoàn kết của tập thể. Malaysia rất đáng sợ trên sân nhà và càng đáng sợ hơn dưới sự cổ vũ của gần 9 vạn khán giả sân Bukit Jalin.
Một trận đấu hứa hẹn đầy khó khăn của tuyển Việt Nam khi người Mã có lợi thế sân nhà. Vòng bảng chúng ta đã chiến thắng nhẹ nhàng 2-0 trước người Mã, nhưng trận chung kết sẽ rất khác. Lịch sử đang ủng hộ tuyển Việt Nam tuy nhiên không vì thế, "những ngôi sao vàng" được phép chủ quan.
90 triệu con tim người hâm mộ đang chờ đợi liệu "Hang-seo - ball" có khắc chế được "Cheng Hoe - ball" trong trận chung kết lượt đi diễn ra lúc 19h45 ngày 11/12, để giúp tuyển Việt Nam nắm lợi thế trực tiếp tại cuộc đọ sức ở chung kết lượt về sau đó 4 ngày.
Bạn nên quan tâm