CEO Terence Ting (Team Flash): Thể thao truyền thống đang bước vào thời kỳ xa lạ, khó có thể "chung mâm" với Esports ở các kỳ đại hội lớn

MẠNH ĐĂNG - CAFE , 12:30 24/02/2021 | Esport

Chia sẻ

Team Flash từng đại diện Việt Nam vô địch giải đấu Esports tầm cỡ thế giới. Ấy thế mà sau khi giành được hàng tá vinh quang, CEO Terence Ting cho rằng tất cả chỉ là bước khởi đầu.

Tháng 3/2020, Forbes Việt Nam công bố danh sách 30 Under 30, Team Flash được vinh danh ở hạng mục "thể thao". 2 tháng trước đó, đội tuyển áo cam đen cũng lọt top 10 Nhân vật/tập thể truyền cảm hứng tại Wechoice Awards 2019.

Thế mới thấy, Team Flash đã gặt hái được vô vàn danh hiệu đáng tự hào. Càng đáng ngưỡng mộ hơn khi họ chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam được vài năm.

Báo chí thi nhau dành những chức vô địch cho tuyển thủ của đội, nhưng mấy ai biết được dàn siêu sao ấy được gây dựng lên bằng tầm nhìn chiến lược, nắm bắt thời cơ nhanh của CEO Terence Ting. Với slogan: “Making Gamers Heroes” (Biến game thủ trở thành anh hùng), doanh nhân sinh năm 1991 đã nỗ lực hết mình để đưa Team Flash trở thành thương hiệu nổi tiếng tầm cỡ khu vực.

Team Flash sở hữu nhiều danh hiệu ở những bộ môn khác nhau như Liên Quân Mobile, Free Fire hay LMHT.

Để tìm hiểu rõ hơn về thành công công cũng như những khó khăn của Team Flash, Sport5.vn đã có buổi trò chuyện cùng ông Terence Ting.

CEO Terence Ting: “Không có bất kì giới hạn nào cho Esports và Team Flash chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này” - Ảnh 2.

- Xin chào ông Terence. Đầu tiên, ông có thể giới thiệu về bản thân mình và Team Flash? Cơ duyên nào giúp ông gắn bó với game và đến với Esports?

- Tôi là Terence Ting, CEO của Team Flash. Đối với tôi, Esports như một đích đến với niềm đam mê trò chơi điện tử. Tôi đã phán đoán về tương lai từ 15 năm trước và tin rằng game sẽ trở thành một môn thể thao và giải trí cho khán giả ở thế hệ tiếp theo.

Năm đầu tiên tôi làm việc trong lĩnh vực Esports là 2006, khi tôi bắt đầu chơi Warcraft 3/Dota. Nhờ đó, tôi bắt đầu tham gia vào cộng đồng thể thao điện tử ở Singapore.

- Vậy “Team Flash” là gì? Vì sao ông chọn cái tên này?

- Tôi chọn Team Flash vì nó ngầu. Cá nhân tôi muốn các tuyển thủ chiến thắng một cách phong cách nhất và giúp người hâm mộ giải trí, vậy nên cái tên đó rất phù hợp.

- Team Flash là thương hiệu thể thao điện tử phát triển hàng đầu Đông Nam Á. Vì sao ông quyết định chọn Việt Nam thay vì một quốc gia có nền Esports đang phát triển mạnh mẽ là Thái Lan hay Philippines?

- Với chúng tôi, Việt Nam là thị trường cốt lõi đầu tiên. Rất dễ hiểu thôi, bởi chi phí vận hành tại đây tương đối thấp hơn so với các thị trường lân cận như Thái Lan hay Indonesia. Khi chúng tôi bắt đầu đầu tư vào năm 2018, thị trường Việt Nam mới bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim của Esports trên điện thoại với sự xuất hiện của Liên Quân Mobile. Vì vậy, tôi đã quyết định bắt đầu với đội Liên Quân.

- Team Flash đã gặt hái được nhiều thành công khi gia nhập thị trường Esports Việt Nam. Đó là chức vô địch Việt Nam ở giải Liên Quân Mobile, LMHT và Free Fire. Đặc biệt là danh hiệu vô địch thế giới của Team Flash tại AWC 2019 và AIC 2019. Vậy bí quyết của Team Flash là gì?

- Tôi tin rằng bí quyết thành công của chúng tôi nằm ở tầm nhìn của tổ chức. Đó là “Making Gamers Heros” - Slogan của Team Flash. 

Mọi tuyển thủ, nhân viên và ban giám đốc công ty đều có chung niềm đam mê với Team Flash và nỗ lực đưa Esports trở thành một ngành công nghiệp thành công ở Việt Nam. Hơn nữa, rất nhiều nỗ lực, sự chăm chỉ để đảm bảo cho thành công và sự bền vững.

"Making Gamers Heros" cũng là phương châm của tổ chức. Tôi tin rằng điều này đã truyền cảm hứng cho giới trẻ để trở nên vĩ đại hơn.

CEO Terence Ting: “Không có bất kì giới hạn nào cho Esports và Team Flash chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này” - Ảnh 2.

- Với tư cách là một nhà đầu tư, theo ông, thuận lợi và khó khăn khi đầu tư vào Esports Việt Nam là gì? Liệu đây có phải miền đất hứa cho những nhà đầu tư nước ngoài giống như Team Flash?

- Một trong những lợi thế lớn nhất ở Việt Nam là tiềm năng để gây dựng một thương hiệu nếu bạn chọn đúng bộ môn và tuyển thủ để đầu tư. Giá trị truyền thông của đội tăng theo cấp số nhân mỗi mùa, miễn là bạn chấp hành theo những nguyên tắc ở đây.

Một bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài là sự thiếu hiểu biết về văn hoá, sắc thái bản địa. Bất kì công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng cần phải có thái độ và tư duy đúng đắn.

- Theo ông, những yếu tố quan trọng nhất của một tổ chức Esports là gì? Một bộ máy Esports cần những gì để hoạt động trơn tru, hiệu quả nhất?

- Một tổ chức thể thao điện tử cần nhiều yếu tố thúc đẩy để thành công. Tôi tin rằng cốt lõi của mọi thứ là tìm kiếm tuyển thủ tiềm năng và chiến lược phát triển đúng cách, khả năng lãnh đạo, chiến lược phát triển thương hiệu & truyền thông. Cùng với đó là một quá trình kinh doanh, bán hàng bài bản.

Tập trung đến từng chi tiết cũng là một điều rất quan trọng. Nhiều tổ chức Esports tập trung quá nhiều vào hiệu suất nhưng lại bỏ qua những chi tiết nhỏ. Điều này ảnh hưởng tới thành công chung. Ngay cả Team Flash cũng từng mắc phải sai lầm này, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức để cải thiện và thu hẹp những lỗ hổng.

- Rất nhiều người tò mò về việc làm thế nào để Esports có thể đem về lợi nhuận. Vậy ông có thể chia sẻ rằng Team Flash đã phải tốn bao nhiêu ngân sách, đầu tư trước khi gặt hái được những trái ngọt đầu tiên? Nguồn lợi nhuận này tới từ đâu?

- Hầu hết các tổ chức Esports đều sẽ phải đốt tiền khi bắt đầu kinh doanh. Nhưng sau 3 năm đầu tiên, doanh thu sẽ tăng đáng kể, đặc biệt là từ những chiến dịch kêu gọi tài trợ, thương hiệu và livestream, tiền thưởng từ giải đấu. Buôn bán vật phẩm của đội cũng là một nguồn doanh thu quý giá nhưng không có nhiều tổ chức ở Đông Nam Á làm tốt.

Với Team Flash, chúng tôi vẫn đang đầu tư mạnh mẽ để giành thị phần và tiếp tục tăng trưởng trong 3 năm tới. Vì vậy, lợi nhuận quan trọng nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ở thời điểm hiện tại.

CEO Terence Ting: “Không có bất kì giới hạn nào cho Esports và Team Flash chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này” - Ảnh 3.

Tuyển thủ trở thành "mẫu" để bán áo của Team Flash.

- Team Flash đã hợp tác cùng VietJet trong suốt một thời gian dài. Theo chúng tôi tìm hiểu, đây là một trong những thương hiệu lớn nhất ở Việt Nam đầu tư, tài trợ cho một đội Esports. Theo ông, vì sao họ chọn Team Flash?

- VietJet ghi nhận thành công của Team Flash ở năm 2019 khi chúng tôi giành vô địch thế giới đầu tiên cho Esports Việt Nam ở bộ môn Liên Quân Mobile. Đó là giải Esports lớn nhất khi đó.

Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với VietJet không chỉ đưa Team Flash mà cả thể thao điện tử lên một tầm cao mới, được nhìn nhận như một môn thể thao truyền thống. Ngoài ra, đó còn là sự hỗ trợ cần thiết để đội hình non trẻ của chúng tôi phát triển trong dài hạn.

CEO Terence Ting (Team Flash): Thể thao truyền thống đang bước vào thời kỳ xa lạ, khó có thể "chung mâm" với Esports ở các kỳ đại hội lớn - Ảnh 5.

 - Năm 2020, cả thế giới chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dĩ nhiên, Esports cũng không phải là ngoại lệ. Đại dịch này đã ảnh hưởng tới Team Flash ra sao?

- Tác động lớn nhất Covid-19 tới Team Flash là việc chúng tôi không thể tham dự MSI và CKTG bộ môn LMHT năm 2020. Điều này ảnh hưởng đến khoản đầu tư của chúng tôi tới đội hình LMHT.

Ngoài ra, việc các giải đấu bị hủy hay không thể thi đấu trực tiếp cũng ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội kinh doanh và tài trợ của chúng tôi trong năm 2020.

- Team Flash đã phải thay đổi những gì để có thể sớm thích nghi với tình hình dịch bệnh? Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Team Flash có phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm thưởng để vượt qua đại dịch?

- Chúng tôi đã phải đưa ra những quyết định khó khăn trong giai đoạn COVID-19 để đảm bảo tính bền vững trong hoạt động kinh doanh của mình. Chúng tôi đã không thể gia hạn hợp đồng với một số tuyển thủ chủ chốt trong đội hình của mình vì ảnh hưởng tài chính mà dịch bệnh gây ra với Team Flash.

Về nhân sự, chúng tôi cũng phải thận trọng với việc tuyển dụng trong năm 2020. Việc mở rộng cũng diễn ra chậm hơn dự kiến vì chúng tôi muốn thận trọng với các quyết định đầu tư của mình.

- Sự ra đi của những cái tên nổi bật trong đội LMHT như Slayder, Kati để lại nhiều tiếc nuối trong lòng NHM. Liệu Covid-19 có phải là nguyên nhân khiến Team Flash thay đổi hàng loạt nhân sự ở nhiều đội hình khác nhau, ở cả LMHT và Liên Quân Mobile.

- Như tôi đã đề cập ở trên, Team Flash đã phải đưa ra những quyết định khó khăn khi gia hạn hợp đồng với một số tuyển thủ chủ chốt để cân bằng khía cạnh kinh doanh.

Chắc chắn Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định chuyển nhượng, nhưng chúng tôi tin rằng Team Flash vẫn có thể tạo ra một đội thành công dù đã mất đi một số tuyển thủ quan trọng. Vì triết lý và chiến lược của chúng tôi vẫn còn, sau cùng thì, đó là điều khiến chúng tôi trở thành một đội, một công ty thành công.

CEO Terence Ting: “Không có bất kì giới hạn nào cho Esports và Team Flash chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này” - Ảnh 4.

- Team Flash đã làm thế nào để tiếp tục trụ vững và phát triển? Trong khi đó, một tổ chức lớn mạnh nước ngoài khác là EVOS Esports đã phải rút lui khỏi Việt Nam?

- Với cá nhân tôi, tôi có mối quan hệ tốt với CEO của EVOS Esports và cả 2 chúng tôi đều có chung suy nghĩ về sự phát triển của Esports ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tôi tập trung phần lớn vào thị trường Việt Nam trong 2 năm qua. Trong khi đó, EVS tập trung cho chiến lược phát triển ở nhiều khu vực hơn như Indonesia, Thái Lan.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có kế hoạch phát triển khu vực khác đang trong quá trình thực hiện, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn vào năm 2021 và 2022.

- Liệu việc Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh đã giúp được những gì cho Team Flash trong năm 2020?

- Những chính sách mạnh mẽ và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam chắc chắn đã giúp kiểm soát sự lây lan của Covid-19 trong nước. Đó là điều rất đáng khen ngợi. Với Team Flash, thật may mắn khi chúng tôi vẫn có thể thi đấu ở những giải đấu có ít khán giả, trong khi các quốc gia khác đã bị hạn chế chặt chẽ trong năm qua.

CEO Terence Ting: “Không có bất kì giới hạn nào cho Esports và Team Flash chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này” - Ảnh 7.

- Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể thao truyền thống. Nhưng nhờ đặc thù thi đấu online, các giải đấu Esports vẫn có thể diễn ra. Thống kê chỉ ra doanh thu Esports năm 2020 giảm không đáng kể, chỉ 1% so với năm trước. Theo ông, đây có phải là cơ hội để Esports trở mình?

- Tôi nghĩ rằng thể thao điện tử có một tương lai xán lạn trong thời kỳ hậu Covid-19. Giờ đây, bối cảnh kinh doanh ngày càng được số hóa và người tiêu dùng đang chuyển sang những hình thức giải trí kỹ thuật số như chơi game, sử dụng mạng xã hội mỗi ngày… Chắc chắn sẽ có nhiều những sự đổi mới hơn nữa.

- Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch của Team Flash trong năm 2021 này? Liệu Team Flash có muốn mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á?

- Trong năm 2021, Team Flash sẽ chính thức công bố việc mở rộng tại thị trường thứ hai ở Đông Nam Á mà cá nhân tôi đã được quan sát trong quý vừa qua. Thị trường này rất phù hợp.

Vì Team Flash đã có một thương hiệu và lượng người hâm mộ phong phú ở đó, nhờ sự nổi tiếng trong khu vực của chúng tôi ở bộ môn Liên Quân Mobile. Chúng tôi cũng đang xem xét các dự án mới thú vị khác, sẽ được công bố vào cuối năm nay.

- Theo đánh giá của ông, Esports Việt Nam có còn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021?

- Vẫn còn nhiều cơ hội rất rõ ràng để đầu tư vào thị trường Esports Việt Nam.

Về các tựa game Esports, tôi nghĩ tiềm năng nhất vẫn là Liên Quân Mobile, Free Fire sau đó tới LMHT. Mặc dù LMHT có khả năng tiếp cận khán giả toàn cầu nhiều hơn. Hiện tại, LMHT: Tốc Chiến vẫn còn khá sớm và tôi tin rằng chúng ta chỉ có thể thấy được sự thành công của bộ môn này ở năm 2022.

Việc quảng cáo, truyền thông cũng có tiềm năng, vì dù giá tiền cho mỗi người xem thấp hơn so với thị trường Đông Nam Á nhưng khán giả ở đây đông hơn rất nhiều.

- Theo ông, liệu cần bao nhiêu năm nữa để Esports có thể sánh ngang với những môn thể thao truyền thống như bóng đá? Khi nào sẽ là thời điểm vàng của Esports?

- Các môn thể thao truyền thống đang bước vào một “thời kỳ xa lạ”, đặc biệt là với sự trỗi dậy của thể thao điện tử trong thời đại kỹ thuật số này. Tôi tin rằng trong 10 năm tới, hoặc khoảng năm 2030, Esports sẽ trở thành môn thể thao số một trên thế giới với lượng người hâm mộ lớn nhất trên toàn cầu.

- Esports là một trong những môn thể thao tranh huy chương tại Asian Games 2022. Theo ông, Esports nên được điền tên vào sự kiện thể thao danh giá nhất thế giới, Thế vận hội Olympics?

- Đối với tôi, Esports và thể thao truyền thống có một sự khác biệt rất lớn. Tôi không chắc liệu 2 thể loại này có thể cùng đứng chung một sân khấu. Nhưng chắc chắn rằng, tôi muốn thấy Esports được công nhận hơn nữa.

- Team Flash đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào. Vậy đến nay, ông có cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm được?

- Tôi tin rằng không có bất kì giới hạn nào cho Esports và chúng tôi chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này. Tôi muốn Team Flash để lại nhiều di sản hơn nữa và dẫn đầu ngành công nghiệp Esports trong nhiều năm tới.

CEO Terence Ting: “Không có bất kì giới hạn nào cho Esports và Team Flash chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình này” - Ảnh 5.

Cảm ơn ông Terence Ting với buổi trò chuyện này!