Trong phần bình luận của một bài đăng trên diễn đàn Otofun, nhiều người tỏ ra nể phục những màn cổ vũ chuyên nghiệp và thái độ văn minh lịch sự của CĐV Malaysia. Chỉ có 450 CĐV Malaysia theo chân đội tuyển sang Việt Nam, nhưng cũng chỉ cần chừng ấy người để tạo ra không khí huyên náo ở một góc khán đài sân Mỹ Đình. Ultras Malaysia đứng suốt cả trận và không ngừng hát những bài hát có giai điệu rất bắt tai.
Ngay cả khi "Những chú hổ Mã Lai" để thủng lưới từ sớm, sự cuồng nhiệt của hơn 400 CĐV không hề giảm sút. Trong những phút cuối, khi cơ hội vô địch gần như không còn, Ultras Malaysia vẫn không ngừng hát động viên tinh thần cầu thủ con cưng. Trận đấu kết thúc, ĐT Malaysia thua chung cuộc nhưng Ultras Malaysia vẫn giữ sự bình tĩnh.
Nhìn chung đây là nhóm CĐV được tổ chức rất tốt, văn minh và có tinh thần trách nhiệm. Bình luận trên Otofun, nhiều người còn đùa rằng giải thưởng fair-play được BTC trao cho hội CĐV chứ không phải đội tuyển Malaysia.
Ở chiều ngược lại, rất nhiều CĐV Việt Nam lên tiếng phê phán việc lạm dụng tiếng kèn vuvuzela. Cả chục nghìn chiếc kèn cùng lúc phát ra tiếng kêu nhức óc, làm vẩn đục bầu không khí ở sân Mỹ Đình, gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức độ nghiêm trọng.
Kèn vuvuzela - món đồ cổ vũ bị xua đuổi trên khắp thế giới.
Thay vì hát vang những câu hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", hô vang những tiếng Việt Nam vô địch hay vỗ tay cổ vũ, CĐV vào sân Mỹ Đình đem theo chiếc kèn nhựa rẻ tiền nhập từ Trung Quốc, thổi ầm ĩ suốt trận, gây ra sự khó chịu rất lớn cho cả khán giả ngồi trong sân và người xem qua truyền hình.
Kèn vuvuzela đã bị nhiều nước, nhiều giải đấu cấm cửa từ lâu. Ví dụ, ở kỳ SEA Games gần nhất tổ chức ở Singapore, nước chủ nhà đã cấm kèn. Tại Ba Lan và Ukraine năm 2012, mang kèn vào sân xem Euro (cúp bóng đá châu Âu) có thể bị bắt giữ. ASIAD 2010 tổ chức ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), thủ phủ kèn vuvuzela, món đồ cổ vũ này cũng bị nghiêm cấm.
Bạn nên quan tâm