Phút 91 trong màn so tài giữa Shandong Luneng và Dalian Yifang vào hôm 14/4, Yang Fangzhi (Dalian Yifang), 22 tuổi, được tung vào sân để thay cho lão tướng Qin Sheng. Tuy vậy, tròn 95 giây sau, dù không gặp bất kỳ chấn thương nào, Fangzhi đã bất ngờ bị thay ra và nhường chỗ cho một cầu thủ trẻ khác là Yupeng He, 19 tuổi.
Và tất nhiên, trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại, Yupeng He cũng không tạo được dấu ấn và rời sân với vẻ buồn bã.
Hành động kỳ lạ trên của CLB Dalian Yifang thực chất nhằm đối phó với quy định của LĐBĐ Trung Quốc. Trước đó, với mục đích cho các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội cọ xát, cơ quan điều hành của bóng đá Trung Quốc đã buộc các CLB phải tung ra sân số cầu thủ U23 bằng với số cầu thủ ngoại.
Trận đấu vừa qua, đội hình xuất phát của Dalian có tới 3 cầu thủ ngoài Trung Quốc. Vì thế, HLV Choi Kang-hee đã buộc phải tung lần lượt Fangzhi và Yupeng He vào sân ở những phút cuối cùng.
Yang Fangzhi (phải) vào sân và bị thay ra chỉ sau vỏn vẹn 95 giây. Ảnh: Sina.
Hình ảnh như trận đấu vừa qua xuất hiện không hiếm tại giải VĐQG của Trung Quốc kể từ đầu mùa. Như tại vòng 3, cầu thủ trẻ Yin Congyao cũng chỉ được trải nghiệm 131 giây trước khi bị thay ra.
Trong mùa giải đầu tiên sử dụng chính sách mới liên quan đến cầu thủ U23, LĐBĐ Trung Quốc đã thu được kết quả không như mong muốn. Họ có số lượng nhưng thiếu hẳn chất lượng.
Thống kê chỉ ra tại vòng 5, có tới 47 cầu thủ dưới 23 tuổi được ra sân nhưng chỉ góp mặt 1948 phút, tức khoảng 41 phút/người. Có nghĩa ra phần đông các cầu thủ trẻ phải vào sân từ băng ghế dự bị. Trước đó, tại vòng 4, con số này lần lượt là 40 người và 1649 phút góp mặt.
Theo truyền thông của quốc gia đông dân nhất thế giới, chính sách mới thậm chí còn gây ảnh hưởng tới tâm lý và có thể thui chột tài năng của chính các cầu thủ trẻ. "Hãy nhìn Fangzhi, cậu ấy trong rất thất vọng khi bị thay ra sau khi mới được vào sân. Bạn sẽ thấy sao nếu trận này qua trận khác không được tin tưởng, cho vào sân vài phút chỉ để đối phó. Dalian chắc chắn sẽ không thay đổi chiến thuật của mình bởi họ đang có phong độ rất cao".
LĐBĐ Trung Quốc xem ra đã quá vội vàng khi bị đặt dưới áp lực phải giành được tấm vé tham dự Olympic 2020. Bởi lẽ, để sở hữu một lứa cầu thủ trẻ tài năng, điều chính yếu cần phải tập trung là công tác đào tạo thay vì ép chín những mầm non vào môi trường quá sức với họ.
Các cầu thủ trẻ Trung Quốc không được ra sân thường xuyên tại giải VĐQG. Ảnh: Getty.
"Ở những giải châu Âu, các cầu thủ mới 19, 20 tuổi đã ghi dấu ấn rất đậm nét. Chẳng nơi nào như chúng ta - buộc CLB phải dùng cầu thủ dưới U23 theo cách oái oăm như vậy", Sina chỉ ra.
Để có được tấm vé tham dự Thế vận hội mùa hè 2020, bóng đá Trung Quốc chỉ có một con đường duy nhất là thông qua giải U23 châu Á sẽ diễn ra đầu năm sau. Với việc Nhật Bản đã chắc suất do là nước chủ nhà, thầy trò HLV Guus Hiddink sẽ phải cạnh tranh cùng các đội tuyển hàng đầu châu lục cho một trong 3 vị trí còn lại.
Điều này là không dễ dàng nếu xét tình hình của Trung Quốc hiện tại. Sau khi toát mồ hôi vượt qua vòng loại, trở về CLB chủ quản, các cầu thủ của U23 Trung Quốc có đóng góp hết sức mở nhạt.
Chen Binbin mới chỉ thi đấu 82 phút từ đầu mùa. Trong khi đó, con số của niềm hy vọng Gao Huaze thậm chí còn khiêm tốn hơn, có vỏn vẹn 62 phút. Chỉ có 6 cầu thủ Trung Quốc được ra sân mùa này từng tham dụ vòng loại hồi tháng 3, tuy nhiên, không ai tạo ra được dấu ấn đậm nét.
HLV Guus Hiddink có nhiều việc phải làm với đội Olympic Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
"Hè năm nay, đội tuyển Olympic của Trung Quốc sẽ tham dự giải giao hữu quý báu Toulon Cup. Tuy nhiên, điều này không mang nhiều ý nghĩa nếu các cầu thủ không được tin tưởng tại CLB. Họ sẽ không có trạng thái và cảm giác bóng tốt nếu suốt ngày mài đũng trên băng ghế dự bị. Đó mới là vấn đề", Sina kết luận.
Trên các diễn đàn bóng đá lớn của Trung Quốc, không nhiều fan hâm mộ tin rằng đội nhà có thể tạo được bất ngờ tại giải U23 châu Á 2020. Và nếu các cầu thủ trẻ tiếp tục thất bại, những người làm bóng đá nước này sẽ lại phải đau đầu.