Tuổi thơ gắn với trái bóng cùng người bố nghiêm khắc
Mới đây, Chanathip Songkrasin đã nhận được sự chú ý rất lớn khi trở thành cầu thủ được định giá cao nhất tại CLB Consadole Sapporo, lên tới 2,4 triệu USD (theo Transfermarkt). Đây là lần đầu tiên một cầu thủ đến từ khu vực Đông Nam Á được định giá đắt giá nhất ở Nhật Bản.
Tài năng của Chanathip Songkrasin là điều không phải bàn cãi. Với người Thái, mọi con số mà các nhà phân tích, chuyên gia gắn cho tiền đạo sinh năm 1993 đều là vô nghĩa bởi anh thực sự là "báu vật vô giá" đối với họ.
Lớn lên ở một cửa hàng bán đồ ăn vặt của tỉnh Nakhon Pathom, Chanathip sớm được tiếp xúc với trái bóng bởi bố của anh, ông Kongphop Songkrasin cũng có niềm đam mê rất lớn với môn thể thao vua, thậm chí còn là một chân đá phủi có tiếng trong vùng. Sự nghiệp của "Messi Thái" được chắp cánh bằng giấc mơ lớn của ông Kongphop.
3 năm trước khi Chanathip ra đời, bố của anh đã bắt đầu "nghiên cứu" về bóng đá một cách nghiêm túc. Ông ghi lại tất cả những gì đọc được về bóng đá, từ luật chơi cho đến các bài tập. Thậm chí Kongphop Songkrasin tường thuật lại các pha bóng kinh điển của bóng đá thế giới, tỉ mỉ và chi tiết nhất để học theo cách xử lý cũng như kỹ thuật của những siêu sao.
Ông Kongphop đặc biệt yêu thích huyền thoại Diego Maradona. Thậm chí, khi đi chùa, ông còn cầu nguyện để con trai của mình có thể chơi bóng như thần tượng.
"Khi vợ tôi mang thai, tôi đã đi cầu nguyện ở chùa Rai Khing, ngôi chùa mà gia đình tôi thường ghé đến, để mong con mình có thể giỏi như Maradona. Sau đó, Jay (tên gọi Chanathip) được sinh ra vào tháng Mười, trùng với tháng sinh của Maradona và rồi tôi nghĩ, nó cũng có thể chơi bóng như thế lắm chứ", ông Kongphop Songkrasin kể lại.
Cuốn sổ đó sau này được dùng để truyền dạy lại cho Chanathip như một quyển sách giáo khoa về bóng đá. Có thể nói, ông Kongphop Songkrasin là người thầy đầu tiên của siêu sao bóng đá Thái Lan.
Mỗi buổi chiều, khi Chanathip từ trường về nhà, cậu lại thay ngay một bộ quần áo đá bóng của Manchester United và tập luyện với bố của mình. Tất nhiên, cũng có những ngày Chanathip chán nản với việc đá bóng bởi bố của cậu cứ bắt làm đi làm lại các động tác cơ bản.
"Thi thoảng nó cũng không muốn tập. Khi đó tôi sẽ nói, nếu không đá bóng thì con phải học bài và không được đi chơi điện tử đâu. Vậy là nó lại tập đủ thời gian. Thi thoảng tôi khích lệ con bằng cách cho vài baht (đơn vị tiền của Thái Lan - PV) đi chơi, nhưng không nhiều đâu", ông Kongphop Songkrasin nói.
Sau này, chính những bài tập cơ bản đó đã giúp Chanathip có thể thi đấu ngang ngửa với các đối thủ cao to hơn mình rất nhiều ở đội trẻ. Ngoài ra, việc tiền đạo nhỏ con này chơi tốt cả hai chân cũng không phải là hoàn toàn nhờ tài năng, đó là thành quả của quãng thời gian cực khổ trui rèn cùng bố của mình. Chanathip thuận chân phải, nhưng bố của anh thì mong muốn con trai có thể chơi bằng chân trái như thần tượng Maradona, để rồi sau này chúng ta được chứng kiến một cầu thủ "hai chân như một".
Xuất phát điểm muộn nhưng thăng tiến thần tốc
Có một sự thật thú vị đó là Chanathip chỉ được để mắt đến khi bước chân vào giảng đường đại học. Trước đó, nhiều đội bóng ở Thái Lan đã từ chối anh vì thể hình nhỏ bé, còn thể chất thì cũng chỉ ở mức trung bình khá. Khi tròn 18 tuổi, Chanathip mới nhận được lời đề nghị nghiêm túc đầu tiên, đó là từ BEC Tero Sasana, khi họ đến xem anh chơi bóng ở ngôi trường liên kết đào tạo với đội. Anh thi đấu cho đội bóng này 4 năm, từ 2012 đến 2016.
Nhưng chỉ cần 1 năm chơi chuyên nghiệp, Chanathip đã được triệu tập lên U19, U23 và cả đội tuyển Thái Lan bởi tài năng dị biệt của mình. Người đồng đội Sanukran Thinjom đã từng kể về Chanathip: "Cậu ấy liên tục xin bóng khi ở trên sân. Tôi sẽ chuyền cho anh ấy rồi chạy chỗ. Chỉ cần tôi hô "Jay, chuyền lại đi", vài giây sau trái bóng sẽ đến chân tôi dù tôi đang đứng ở đâu".
Bàn thắng đầu tiên của anh ghi được trong màu áo ĐTQG diễn ra trong trận đấu với Kuwait ở vòng loại Asian Cup vào năm 2013. Mọi thứ đến với Chanathip như một cơn bão nhưng anh vẫn giữ được đôi chân của mình trên mặt đất, tiếp tục cố gắng, nỗ lực để có được thành công như hiện tại.
Chanathip là cầu thủ hiếm hoi của Thái Lan chiếm được cảm tình của NHM Việt Nam. Dù là đối thủ đại kình địch đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận tài năng cũng như thành tựu và Chanathip gây dựng được ở tuổi 27. Lần duy nhất anh "gây hấn" với fan Việt là khi đăng tải dòng trạng thái về cái tát mà Văn Hậu phải nhận khi hai đội đối đầu ở King's Cup 2019. Dù sao sau đó anh cũng đã gửi lời xin lỗi một cách chân thành nhất.
2 chức vô địch AFF Cup, 2 huy chương vàng SEA Games cùng nhiều danh hiệu quốc nội khác là đủ để Chanathip có mặt trong "ngôi đền huyền thoại" của xứ chùa vàng. Tuy nhiên, chắc chắn anh sẽ không dừng lại khi mục tiêu sang châu Âu thi đấu chưa hoàn thành.
Bạn nên quan tâm