"Thành thật mà nói, tôi không quan tâm đến World Cup 2022. Đây không phải một kỳ World Cup thực sự đối với tôi. Trong nhiều thập kỷ trước, chúng ta từng tổ chức nhiều kỳ Olympic hoặc World Cup ở các quốc gia mới nổi như Nga hay Trung Quốc. Tuy nhiên, Qatar đâu phải đất nước của bóng đá?", Cantona phát biểu trên tờ Daily Mail (Anh).
"Tôi không phản đối ý tưởng tổ chức World Cup ở một quốc gia có khả năng phát triển và quảng bá môn thể thao vua, như ở Nam Phi hay Hoa Kỳ vào những năm 90. Nhưng Qatar không hề có tiềm năng phát triển bóng đá. Họ chẳng có gì cả. Tất cả mọi thứ chỉ xoay quanh tiền bạc thôi!".
"Hãy nhìn cách họ đối xử với các công nhân xây dựng sân vận động mà xem. Thật kinh khủng! Hàng ngàn người đã qua đời. Và chúng ta lại ăn mừng vì một kỳ World Cup nữa sắp diễn ra hay sao?".
"Với cá nhân tôi, tôi sẽ không xem World Cup 2022. Tôi hiểu nhiều người coi bóng đá như một công việc kinh doanh. Nhưng trong bóng đá, tất cả mọi người đều xứng đáng được đối xử công bằng".
"Có rất nhiều cầu thủ trẻ trưởng thành từ đất nước nghèo và thực tế cho thấy, gần như mọi cầu thủ đều lớn lên ở những khu ổ chuột. Rồi họ trở thành những ngôi sao bóng đá, họ có cơ hội đổi đời và có thể nuôi sống cả gia đình. Điều đó thật tuyệt vời. Đó chính là sự công bằng trong bóng đá. Nếu bạn giỏi, bạn sẽ xứng đáng với sự thành công".
"Vì vậy, việc tổ chức World Cup ở Qatar không thể hiện được giá trị cốt lõi và sự công bằng của bóng đá. Và thật ngạc nhiên khi có rất nhiều người bỏ phiếu cho Qatar trở thành nước chủ nhà của World Cup 2022".
Hồi cuối tháng 3/2021, tờ The Guardian (Anh) công bố một số liệu thông kê gây chấn động về World Cup 2022. Cụ thể, đã có hơn 6.500 người lao động nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka thiệt mạng tại Qatar kể từ khi đất nước này giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Năm 2012, vấn đề vi phạm nhân quyền ở Qatar từng bị nhiều tổ chức phi chính phủ lên án gay gắt.
Cận cảnh điều kiện sống và sinh hoạt tồi tệ của các công nhân ở Qatar