Một vấn đề mà các cầu thủ châu Á khi đến thi đấu ở phương Tây hay thi đấu quốc tế cấp độ đội tuyển thường hay gặp phải đó là việc tên của họ bị đảo lộn. Khác với phương Tây, tên gọi của người Á Đông thường theo quy tắc họ trước tên sau.
Một số nhầm lẫn giữa tên và họ của các cầu thủ xuất phát từ vấn đề này. Điều này đôi khi khiến khán giả Việt Nam hơi bối rối khi theo dõi các ngôi sao châu Á. Đơn cử như ngôi sao số 1 của tuyển Nhật Bản hiện tại Takumi Minamino, thực tế nếu theo đúng quy tắc họ trước tên sau, họ của anh sẽ là Minamino và Takumi là tên.
Về mặt phát âm, 1 số cầu thủ Nhật Bản thường bị phát âm sai họ tên. Doan Ritsu là 1 ví dụ, Ritsu thường bị đọc thành Rit-su, thực tế tên anh được ghép từ 2 âm tiết Ri và Tsu, trở thành Ri-tsu. Takumi thường được đọc là Ta-ku-mi, nhưng nếu đọc Ta-kư-mi sẽ gần với phát âm gốc hơn. Trường hợp của Asano Takuma cũng khá tương đồng (phát âm là Ta-kư-ma)
Hay Sakai Hiroki, về nguyên tắc đánh vần, người Nhật sẽ không đánh vần Sa-kai mà sẽ là Sa-ka-i, nhưng thực tế phát âm lại rất giống như cách người Việt trước nay vẫn gọi tên anh. Tiền vệ cánh Ito Junya thường bị viết thiếu 1 bộ phận trong họ của mình. Họ Ito của anh thực tế có phần âm dài "u", nếu viết đầy đủ sẽ là Itou.
Khi đội tuyển Việt Nam đối đầu với tuyển Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019, đã từng có những nghi vấn xung quanh việc tiền vệ Doan Ritsu có phải người gốc Việt hay không? Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai, họ của anh được ghép từ 2 Hán tự "堂 - Đường" và "安 - An" và vô tình cách đọc Do-an lại nghe khá giống họ Đoàn của Việt Nam chứ cầu thủ của PSV hoàn toàn không có liên hệ gì đến đất nước hình chữ S.
Ngoài ra, họ của người Nhật có thể mang 1 nghĩa nào đó. Ví dụ như hậu vệ Sakai Hiroki có họ mang nghĩa là "Giếng rượu" hay tiền vệ Tanaka Ao có họ mang nghĩa "Giữa ruộng". Đội trưởng Yoshida Maya có họ mang ý nghĩa "Ruộng may mắn". Nguyên nhân là do ở thời phong kiến, hầu như người Nhật chỉ có tên mà không có họ, chỉ bộ phận nhỏ quý tộc, võ sĩ mới có họ mà thôi.
Sau khi giành lại được quyền lực từ tay Mạc Phủ Edo (năm 1868), chính quyền của Thiên Hoàng Minh Trị đã có nhiều cải cách, trong đó có bắt buộc mọi công dân phải có họ. Một số gia đình đã quyết định sử dụng các họ có sẵn trong lịch sử, một số khác quyết định tạo ra họ mới bằng nhiều hình thức khác nhau, mà đơn giản nhất là... bất cứ thứ gì ở gần nhà họ.
Trong các tác phẩm phim võ thuật Trung Quốc có xuất hiện nhân vật người Nhật được phát sóng tại Việt Nam thời gian trước, đôi khi tên tiếng Nhật cũng được phiên âm theo âm Hán-Việt. Tuy nhiên, hiện nay việc phiên âm tên tiếng Nhật như vậy đã không còn được sử dụng. Một số ví dụ, tiền vệ Minamino Takumi nếu phiên âm sang âm Hán-Việt sẽ trở thành Nam Dã Thác Thực, trung vệ đang lên của Arsenal Tomiyasu Takehiro có tên phiên âm khá "kêu": Phú An Kiện Dương hay đội trưởng Yoshida Maya là Cát Điền Ma Dã.
Cũng cần lưu ý rằng, cách phiên âm tên người Nhật theo âm Hán-Việt chỉ mang tính tham khảo. Thực tế, người Nhật có cách sử dụng Hán tự của riêng mình, cùng là 1 Hán tự đôi khi sẽ có nhiều cách đọc khác nhau.
Đội hình dự kiến tuyển Nhật Bản gặp tuyển Việt Nam kèm phiên âm (sơ đồ 4-2-3-1):
Bạn nên quan tâm