Cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen bị cảnh sát cưỡng chế trên đường phố Minneapolis, đã dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội trong cộng đồng người dân nước Mỹ.
Hàng loạt các cuộc biểu tình, thậm chí bạo loạn, đã diễn ra trên khắp nước Mỹ hơn một tuần vừa qua. Làn sóng biểu tình cũng lan đến trên các phương tiện mạng xã hội, nơi các ngôi sao NBA nói riêng và những người nổi tiếng nói chung đem đến những sự ảnh hưởng lớn cho cộng đồng mạng.
Khởi đầu từ phong trào “If you ain’t with us, we ain’t with you all”, (tạm dịch: nếu bạn không ủng hộ những người da đen chúng tôi, chúng tôi sẽ không ủng hộ bạn), trong ngày hôm qua, một phong trào khác cũng trở thành tâm điểm ở trên mạng xã hội.
Phong trào “Blackout Tuesday” (tạm dịch: Ngày thứ ba đen tối), bắt đầu từ các ca sĩ khi họ đồng loạt post ảnh và để avatar màu đen, với mục đích yêu cầu mọi người dừng sử dụng mạng xã hội trong vòng một ngày. Thay vào đó, sử dụng thời gian trên để tự tìm hiểu và trang bị những kiến thức liên quan đến những sự bất bình đẳng về màu da vẫn còn hiện hữu trong xã hội.
“Blackout Tuesday” cũng đã lan đến NBA. Cleveland Cavaliers trở thành đội bóng đầu tiên thay đổi logo và up hình ảnh màu đen. Các ngôi sao khác của NBA cũng theo trend, khi từ những người nổi tiếng nhất như LeBron James, Steph Curry đến cả một ngôi sao từ châu Âu như Luka Doncic đều hưởng ứng.
Damian Lillard, Chris Bosh, Draymond Green, Trae Young, Chris Paul, Ja Morant, Carmelo Anthony và Danny Green là những người tham gia đầu tiên. Mạng xã hội giờ đây trở thành một công cụ tuyên truyền rất mạnh và các ngôi sao của giải đấu cũng trở thành những cầu nối nhằm truyền tải các thông điệp trên tới người hâm mộ thông qua Instagram.
Trước đó, Cavaliers, một trong hai đội ở NBA có huấn luyện viên và giám đốc điều hành đều là người Mỹ gốc Phi, đã ra một thông điệp đầy mạnh mẽ từ vào thứ 6 tuần trước. Thông điệp này thể hiện sự “buồn bã, tức giận và bất lực trước hàng loạt các hành động vô nhân tính đến với cộng đồng người da đen nước Mỹ”.
“Đây là thời điểm vô cùng quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, khi những hình ảnh về vụ việc vừa qua và hàng loạt các vụ việc khác sẽ vĩnh viễn không thể rời khỏi tâm trí của chúng ta. Những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta ngày hôm nay đã để lại một cú sốc tinh thần rất lớn, nhưng rất tiếc, nó là những gì mà chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó hàng ngày. Chúng ta không phải sống trong lo sợ”, Bickerstaff và Altman nói trong thông điệp.
Vào ngày 25/5, hai cảnh sát đã được gọi đến để giải quyết một nghi vấn sử dụng tiền giả trong xe của Floyd. Theo báo cáo của cảnh sát, Floyd đã được yêu cầu bước ra khỏi xe, trước khi anh chống lại người thi hành công vụ để rồi bị cưỡng chế. Những hình ảnh về vụ việc đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khi một cảnh sát đã đè đầu gối vào cổ của Floyd, bất chấp việc anh đã bị còng tay, không cầm theo vũ khí và rên rỉ: “Tôi không thở được”.
Derek Chauvin, viên cảnh sát trực tiếp đè đầu gối lên cổ Floyd với tổng thời gian 8 phút 46 giây, trong đó có 2 phút 53 giây sau khi người đàn ông da màu tội nghiệp đã lịm đi. Hiện 4 viên cảnh sát đều đã bị sa thải, trong đó Derek Chauvin bị buộc tội giết người mức độ 3 và ngộ sát mức độ 2.
Bạn nên quan tâm