Trận đấu Triều Tiên – Lebanon
Đây là trận đấu thuộc lượt thứ hai vòng loại Asian Cup 2019 gặp ĐT Lebanon, cơ hội hiếm hoi để người dân Triều Tiên tận mắt chứng kiến các cầu thủ của mình thi đấu. "Chollima" (Thiên lý mã, con ngựa có cánh trong truyền thuyết và có thể chạy ít nhất 400 km mỗi ngày), biệt danh của ĐT Triều Tiên, thi đấu trên sân nhà lần gần nhất là tháng 11 năm 2015 khi đánh bại Bahrain 2-0 ở vòng loại World Cup 2018.
Hàng chục nghìn người đổ về các con đường hướng tới sân vận động Kim Il Sung. Họ mặc quần áo gần giống nhau và bước đi trong im lặng. Vé vào cửa được miễn phí, có rất đông học sinh đến dự khán. Chúng mặc áo sơ mi trắng, quần dài màu đen, đeo khăn quàng đỏ. Bất chấp cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch và căng thẳng chính trị liên quan, trận đấu vẫn diễn ra như dự kiến. Một người phụ nữ bán tờ báo thể thao hàng ngày trên chiếc bàn nhỏ ngay lối vào sân. Cô từ chối bán cho tôi vì tôi là người nước ngoài.
Tờ báo cung cấp những thông tin về trận đấu.
Sân vận động chật kín khán giả, nhưng không đến mức 100.000 như các cơ quan truyền thông Triều Tiên đã đưa. Sức chứa của sân Kim Il Sung chỉ khoảng 50.000. Những bài hát ca ngợi bắt đầu vang lên. Người phát ngôn đọc bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ văn hoá và thể thao trước khi hai đội tiến ra sân và cử hành quốc ca.
Cả Omar và Soony, hai cầu thủ Lebanon được nhắc đến ở đầu bài viết, đều làm bạn với băng ghế dự bị.
Thủ môn của ĐT Triều Tiên là Ri Myong Guk, người đã bắt cả ba trận tại World Cup 2010, bao gồm thảm bại 0-7 trước Bồ Đào Nha. Cùng với thủ môn, tiền vệ Pak Song Chol là một trong hai người còn sót lại từ đội hình World Cup 2010.
Ba cầu thủ trong ĐT Triều Tiên sinh trưởng ở Nhật Bản. Hai người đang chơi ở giải hạng ba Serbia, một người đang chơi cho Luzern ở Super League Thụy Sĩ và một người đang thi đấu ở giải VĐQG Áo. Han Kwang Song, cầu thủ Triều Tiên đầu tiên ghi bàn ở Serie A, không có mặt trong đội hình xuất phát.
Sau khởi đầu tốt, Lebanon gặp khó với mặt cỏ nhân tạo của sân vận động Kim Il Sung. Đội khách tỏ ra căng thẳng khi thi đấu ở một nơi cô lập, nơi mà một quả bom nhiệt hạch vừa được thử nghiệm. Phút 23, đón đường phạt góc của đồng đội, tiền đạo Kim Yu Song bật nhảy đánh đầu tung lưới Lebanon, mở tỷ số cho chủ nhà, thắp lên bầu không khí lễ hội ở sân vận động lớn nhất thế giới.
Nhưng chỉ 2 phút sau giờ nghỉ giữa hiệp, bầu không khí lễ hội tạm chấm dứt. Lebanon có bàn quân bình tỷ số sau khi hậu vệ Nour Mansour đệm bóng cận thành từ đường căng ngang của đồng đội.
Triều Tiên trình diễn thứ bóng đá đầy sức mạnh và kỹ thuật, tạo ra vô số cơ hội trước khung thành đội khách. 10 phút cuối trận có nhiều diễn biến vô cùng hấp dẫn. Phút 87, hậu vệ Lebanon phá bóng sau cú tạt của đối thủ, trái bóng bay đến đúng tầm lao lên của Ri Yong Jik – cầu thủ sinh trưởng tại Nhật Bản. Trong thế thoải mái không bị ai ngăn cản, Ri Yong Jik tung cú sút như búa bổ nâng tỷ số lên 2-1. SVĐ Kim Il Sung như nổ tung trong tiếng hò reo sung sướng của CĐV.
Trong trang phục màu đen, HLV Jorn Andersen khoanh tay bên đường biên chờ tiếng còi mãn cuộc từ trọng tài. Đồng hồ trên sân vận động Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng đã ngừng tính giờ, số 90 đông cứng trên màn hình.
Phút 90 2', cho rằng tình nguyện viên nhặt bóng cố câu giờ, cầu thủ Maher Sabra đã xông đến cướp trái bóng rồi ném về phía cậu bé đó. Nếu chuyện này xảy ra trên đường phố Triều Tiên, cầu thủ dại dột kia chắc chắc bị tống giam. Đám đông CĐV trên khán đài nổi điên. Sau khi trọng tài rút thẻ đỏ, quản lý của ĐT Lebanon túm cổ Maher Sabra rồi lôi thẳng vào phòng thay đồ. Trên đường đi, vị quản lý đánh liên tục vào đầu cầu thủ này để chứng tỏ với đám đông rằng công lý đã được thực thi. Hành động của người quản lý giúp sức nóng trên khán đài giảm xuống, họ bắt đầu hát "Kim Jong Un vạn tuế, vạn tuế".
Gần 18 tháng sau khi Andersen ngồi ghế nóng và gần hai năm kể từ lần gần nhất đội tuyển đá quả bóng trên sân nhà, Triều Tiên cuối cùng đã tiến gần đến một chiến thắng. Andersen hét lên những lời chỉ dẫn khi đội của ông đang lùi sâu về sân nhà còn Lebanon lao lên tìm kiếm bàn gỡ hòa. Đám đông CĐV đếm ngược cho chiến thắng.
Nhưng…
Phút 90 4', Lebanon được hưởng quả đá phạt. Một pha rót bóng thẳng vào khu vực 5,5 mét. Đội trưởng Hassan Maatouk như ở dưới đất chui lên đệm bóng vào lưới. Người Triều Tiên chết lặng. Các cầu thủ đứng nhìn theo quả bóng. Sân đấu lặng im khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu. CĐV ra về lặng lẽ như cách họ đến sân.
Cầu thủ Triều Tiên buồn bã rời sân sau trận hòa.
Ngày hôm sau, các phương tiện truyền thông nhà nước không nhắc đến sự cố cậu bé nhặt bóng. Diễn biến trận đấu được rút thành một đoạn cực ngắn. Rodong Sinmun chạy bản tổng kết: "Hai bên đã cố gắng hết sức. Bằng những hoạt động mang tính chiến lược, hai đội đã có kết nối chính xác với đồng đội của mình khi xung trận. Họ đã tấn công khung thành của nhau rất tích cực và có những bàn thắng muộn. Kết quả chung cuộc là 2-2".
Huấn luyện ĐT Triều Tiên – công việc kỳ lạ
Ngày 29/3/2016, ở lượt cuối vòng loại thứ hai World Cup 2018, Triều Tiên dẫn 2-1 khi trận đấu chỉ còn 7 phút. Nhưng Philippines ghi liên tiếp hai bàn để chấm dứt hy vọng trở lại World Cup của Triều Tiên. Sau thất bại cay đắng này, Jorn Andersen được mời ký hợp đồng, với mục tiêu lớn nhất là giành vé dự Asian Cup 2019. Andersen, cựu tiền đạo người Na Uy, từng lập kỷ lục cầu thủ nước ngoài đầu tiên giành ngôi vua phá lưới Bundesliga. Ông trở thành huấn luyện viên nước ngoài thứ hai trong lịch sử Triều Tiên.
Trong nhà hàng nằm trên tầng 44 của khách sạn Koryo, Jorn Andersen đứng bên cạnh chiếc TV màn hình phẳng, xem lại bàn thắng quân bình tỷ số của Lebanon. Highlights trận đấu đang được phát trên truyền hình Triều Tiên, 24 giờ sau khi nó kết thúc. "Nhìn kìa!" ông hét lên, chỉ tay vào màn hình. Ông chỉ vào hậu vệ Nour Mansour, người đã tung cú sút cận thành gỡ hòa 2-2. "Ai kèm anh ta? Anh ta thoải mái băng vào ghi bàn". Andersen ngồi phịch xuống chiếc ghế, vẻ mặt chán nản.
Đó là trận sân nhà đầu tiên của Andersen. Họ đã bị Hong Kong cầm hòa ngày mở màn. Trận hòa trước Lebanon dưới sự chứng kiến của CĐV nhà khiến áp lực gia tăng vượt bậc. "Phòng thay đồ chìm trong im lặng. Họ rất thất vọng. Sau khoảng 60 phút, các cầu thủ của tôi đã quá mệt", Andersen tâm sự.
HLV Jorn Andersen.
Kể từ khi bắt đầu nghiệp HLV, Andersen đã huấn luyện tại Hy Lạp và Áo. Đỉnh cao của nhà cầm quân người Na Uy là khi ông đảm nhận vai trò ở Mainz 05 vừa xuống hạng, vừa sa thải huấn luyện viên Jurgen Klopp. Ông đã đưa Mainz trở lại Bundesliga ngay trong mùa đầu tiên và giành vé dự trận bán kết cúp Quốc gia Đức 2009. Nhưng ông đã rời câu lạc bộ vì xích mích với cầu thủ.
Khi nhận cuộc gọi bí ẩn từ Triều Tiên, Andersen đang làm việc ở Áo. "Họ hỏi tôi có muốn làm HLV ở châu Á hay không và nói họ sẽ đợi", Andersen hồi tưởng. Ban đầu, họ giấu tiệt danh tính và không nói quốc gia châu Á nhắc đến trong lời đề nghị là quốc gia nào. Sau vài màn thăm dò, cuối cùng Andersen cũng được biết sự thật.
"Nhưng tôi theo đạo Ki-tô", HLV sinh năm 1963 nói về rào cản lớn nhất. Phải mất nhiều tháng cho các cuộc đàm phán, chủ yếu bởi vì Triều Tiên vẫn giữ cách làm việc bí ẩn. Đôi bên cuối cùng gặp nhau ở Munich, và năm tháng sau, Andersen ký vào bản hợp đồng có thời hạn 8 tháng ngắn ngủi.
Theo hợp đồng này, không giống như huấn luyện viên phương Tây ở châu Á, Andersen sẽ phải sống toàn thời gian ở Triều Tiên. Sau khi tham khảo ý kiến với bà vợ Ulla, cả hai đều đồng ý. "Khi tôi đến đây, tôi đã rất ngạc nhiên", ông nói về những ấn tượng ban đầu. "Triều Tiên rất sạch sẽ, yên tĩnh, không có nhiều xe ô tô, dễ sống, không có áp lực từ báo chí".
Andersen bị chỉ trích nặng nề ở Na Uy khi đảm nhiệm công việc HLV đội tuyển Triều Tiên. John Peder Egenaes, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế nói với đài phát thanh Na Uy: "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người Na Uy gốc Đức chọn làm việc cho chế độ đó. Ở Triều Tiên, liên đoàn bóng đá thuộc về nhà nước".
Cũng có những người bảo vệ vị HLV này. Trond Johannessen, một trong những cây viết bóng đá hàng đầu của Na Uy, người đã đến thăm Andersen ở Triều Tiên, lên tiếng: "Đó là quyết định gây chia rẽ. Một số bên chỉ trích nặng nề, như Tổ chức ân xá quốc tế. Vài người cho rằng Andersen đáng bị chỉ trích. Nhưng cũng có một bộ phận gọi chuyến phiêu lưu của Andersen là điều thú vị".
Một vài cuộc phỏng vấn tồi tệ đã thuyết phục Andersen rằng không có gì tốt đẹp khi nói chuyện với báo chí. HLV người Na Uy phải ghi âm đoạn trò chuyện với tôi, để tránh tình trạng "nhét chữ vào mồm". Andersen có lý do chính đáng để thận trọng. Nói về chính trị ở Triều Tiên rất nguy hiểm.
HLV Jorn Andersen chỉ đạo cầu thủ Triều Tiên tập luyện.
Andersen phiêu lưu trong công việc huấn luyện tuyển quốc gia bất thường nhất thế giới. Trong khi hầu hết HLV ĐTQG đều phải làm việc từ xa với cầu thủ, và mỗi năm chỉ có vài đợt tập trung, Andersen có thể trực tiếp huấn luyện cầu thủ Triều Tiên 5 ngày mỗi tuần và đến cuối tuần trả họ về CLB. "Họ yêu cầu tôi xem giải đấu nội bộ để lựa chọn đội hình. Trong khoảng một tháng, tôi đã xem 60 trận đấu. Ở đây không có giải đấu truyền thống theo kiểu toàn thế giới đang áp dụng. Chỉ có những giải đấu cục bộ kéo dài 2 tháng".
Huấn luyện cầu thủ Triều Tiên là một trải nghiệm rất thú vị. "Tại Italy, Thụy Sĩ, Áo, Đức, bạn phải thêm rất nhiều từ "Làm ơn" khi thông báo về bài tập với cầu thủ. Còn ở Triều Tiên, chỉ cần nêu tên bài tập và chỉ dẫn, họ sẽ thực hiện ngay. Tôi thích tâm lý ở đất nước này. Cầu thủ làm tất cả những gì bạn nói".
Một vấn đề cũng quan trọng không kém đấy là sự giảm sút số lượng cầu thủ giỏi. Thuở ban đầu, mọi cầu thủ đều thi đấu ở đội bóng địa phương, nhưng sau đó những người xuất sắc sẽ ra nước ngoài. Ngay trước trận hòa 2-2 với Lebanon, HLV Andersen đã mất tiền vệ So Hyon Uk, anh sang Bosnia thi đấu cho Zrinjski Mostar.
"Tôi khuyên cậu ấy: Đừng đi! Nếu kiên nhẫn, sẽ có những lời đề nghị hấp dẫn hơn. So Hyon Uk rất tuyệt vời, một chân chạy cánh nhanh nhẹn, kỹ thuật tốt, rê bóng tuyệt hay". Andersen tin rằng sau giải vô địch bóng đá Đông Á (diễn ra hồi tháng 12/2017), sẽ có khoảng 5, 6 cầu thủ Triều Tiên ra nước ngoài. Đối với đất nước đóng cửa như Triều Tiên, đó là một cuộc cách mạng.
Andersen sống một cuộc sống yên tĩnh ở Bình Nhưỡng. Ông ở trong khách sạn và được tự do di chuyển. Ông chơi golf tại sân golf Bình Nhưỡng cùng với những người nước ngoài, chủ yếu là nhân viên đại sứ quán. Andersen được trao đặc ân mà chỉ có thiểu số rất nhỏ người Triều Tiên được hưởng.
"Tôi hài lòng khi ở đây", Andersen nói trước khi rời nhà hàng trên tầng 44. "Bạn đã đọc rất nhiều điều xấu về đất nước này và hầu hết đều không đúng. Mọi thứ đều ổn, tuy có khác thế giới, nhưng nhìn chung đều ổn".
Trận đấu lượt về trên đất Lebanon thực sự là thảm họa. Triều Tiên chịu thảm bại 0-5, và chỉ có trong tay 2 điểm sau 3 trận đầu. Giữa căng thẳng chính trị liên quan đến vụ ám sát người anh trai của Kim Jong Un, Triều Tiên đấu hai trận với Malaysia trên sân Lâu đài sét ở Buriram (Thái Lan). Cả hai trận, Triều Tiên đều thắng 4-1, cứu vãn hy vọng dự Asian Cup. Và ở trận đấu cuối với Hong Kong hôm 27/3 vừa qua, đoàn quân của Jorn Andersen chiến thắng với tỷ số 2-0, chính thức giành ngôi nhì bảng B vòng loại kèm tấm vé dự Asian Cup 2019.
Chuyến trở về
Tượng cố Chủ tịch Kim Il Sung và Kim Jong Il.
Xe minibus chở tôi ngang qua bức chân dung của hai cố chủ tịch Kim Il Sung và Kim Jong Il trước khi vào ga khởi hành Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Đội Lebanon đã có mặt ở đây, và một lần nữa trông họ nổi bần bật nhờ trang phục thi đấu.
Ở sân bay, một lần nữa hải quan Triều Tiên kiểm tra cẩn thận từng chiếc ví và túi xách, xới từng gói nhỏ, lật tung quần áo để tìm kiếm sách vở, USB và bất cứ thứ gì có thể mang theo tài liệu hoặc phim ảnh bị cấm ra nước ngoài. Tất cả cầu thủ Lebanon đã có mặt ở đây, bao gồm cả Maher Sabra, người đã nhận thẻ đỏ vì hành vi xấu xí với cậu bé nhặt bóng. Tôi đã lo anh ta phải chịu kết cục bi thảm.
Tâm trí của Omar bây giờ hướng về trận đấu của CLB tại giải hạng tư Anh. "Chúng tôi sẽ thi đấu với Exeter City vào thứ bảy, nhưng tôi không nghĩ mình được ra sân", Omar nói với giọng buồn bã. Bây giờ, anh đang lo lắng rằng huấn luyện viên ở CLB sẽ rất thất vọng vì Omar đã bay cả quãng đường dài nhưng không được ra sân. "Tôi mất ngủ suốt mấy ngày nay. Hy vọng ông ấy sẽ không quá tức giận".
Mặc dù không được thi đấu, Omar khẳng định chuyến đi này rất bổ ích cho ĐT Lebanon. Sắp được trở lại với cuộc sống tự do nhưng tất cả đều đồng ý rằng sự vắng bóng của công nghệ giúp mọi người có thời gian xích lại gần nhau hơn. Điều đó rất quan trọng vì nhóm cầu thủ này sẽ sát cánh bên nhau trong 5 năm tới.
Omar đã sẵn sàng để ở nhà. "Tôi không thể chờ đợi thêm nữa để trở về nước Anh, được sống trong môi trường tiếng Anh quen thuộc, thưởng thức một tách trà lớn và ngồi vào chiếc xe của mình rồi phóng vút đi trên đường cao tốc".