Bóng đá Nhật Bản - Sự chuyển mình của những chiến binh Samurai

NGUYỄN ĐÌNH ANH , 11:15 19/08/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Từng tự ví mình như "đôi giày nhỏ" ở bóng đá châu Á, bóng đá Nhật Bản đã phát triển thần tốc để trở thành một siêu cường của châu lục. Từ một nền bóng đá lạc hậu, trong vòng 20 năm ngắn ngủi, bóng đá Nhật Bản đã vươn mình, lột xác ngoạn mục để hình thành nên một biểu tượng mới trong làng túc cầu thế giới.

Bóng đá dường như bị lãng quên trong hơn...1 thế kỷ ở Nhật Bản. Ít ai biết được rằng, bóng đá được du nhập vào Nhật Bản bởi người Anh vào những năm 1870. Sau hơn 100 năm, nền bóng đá Nhật Bản vẫn đì đẹt và chậm phát triển. Thậm chí, họ còn không có giải VĐQG đúng nghĩa. Nếu như, điểm sáng của kinh tế lớn thứ 2 thế giới lúc ấy là công nghiệp, dịch vụ cho đến điện tử thì những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nền bóng đá Nhật Bản vẫn là số 0 tròn trĩnh.

Liên đoàn bóng đá Nhật Bản là một trong những liên đoàn thành lập sớm nhất châu Á lúc bấy giờ (1921). Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ 2 đã phá hỏng tất cả.Trường học, bệnh viện, trạm xá cho đến sân bóng đều là những đống đổ nát. Lúc đấy, chỉ có khôi phục và đẩy mạnh kinh tế là mục tiêu sống còn của đất nước. Khi đấy - Bóng đá tưởng chừng đã trở thành dĩ vãng ở đất nước mặt trời mọc.

Bóng đá Nhật Bản - Sự chuyển mình của những chiến binh Samurai  - Ảnh 1.

Mãi đến năm 1970, Yasuhiko Okudera là người tiên phong mở đường cho trào lưu thi đấu nước ngoài ở Nhật Bản. Ảnh: Footballtimes

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nền kinh tế kéo theo ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, môn thể thao Vua bắt đầu được quan tâm và gây chú ý nhiều hơn. Năm 1965 (sau 20 năm chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc) nước Nhật mới có giải đấu chính thức đầu tiên có tên Japanese Soccer League (JSL). Dần dần, các đội bóng chuyên nghiệp manh nha xuất hiện dưới hình thức các công ty, tập đoàn.

Tuy nhiên, những trận đấu ở giải JSL khi ấy lại được tổ chức manh mún và nhỏ lẻ. Số lượng khán giả đến sân vô cùng thấp trong khi điều kiện sân bãi ở Nhật Bản khi ấy được đánh giá quá tệ. Ở nhiều vùng như Kobe, Nagoya… thậm chí không có sân bóng chuyên nghiệp nào. Đôi khi, muốn tổ chức một trận bóng, người ta buộc... phải lấy sân bóng chày kẻ lại vạch để cho cầu thủ thi đấu. Sự ì ạch trong khâu phát triển, tổ chức cũng như niềm đam mê dành cho bóng đá là quá ít ỏi khi mà bóng chày mới là môn thể thao quốc dân của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Sự chậm tiến và kém phát triển của bóng đá xứ sở hoa anh đào khiến cho ĐT Nhật Bản hầu như không có tiếng nói gì trên trường quốc tế. Những giải đấu mà họ tham dự thường ra về với ngôi...cuối bảng. Người hâm mộ tỏ ra thờ ơ, người quản lý tỏ ra thiếu mặn mà. Bóng đá Nhật được ví như "vũng nước lầy" và sẽ chẳng bao giờ bước ra nổi ánh sáng.

Thế nhưng, Tháng 3/1988, những người yêu bóng đá Nhật Bản mà đại diện tiêu biểu là Saburo Kawabuchi đã quyết định phải tìm ra cách cứu vãn nền bóng đá xập xệ này. Trải qua rất nhiều nỗ lực, đến năm 1991, Japan Professional Football League (J-League) chính thức ra đời thay thế cho JSL. Giải đấu chuyên nghiệp J-League bắt đầu từ năm 1993. Đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử cho bóng đá Nhật Bản.

Bóng đá Nhật Bản - Sự chuyển mình của những chiến binh Samurai  - Ảnh 2.

Ông Saburo Kawabuchi - người được mệnh danh là cha đẻ của J-League đồng thời là một trong những người ảnh hưởng lớn nhất tới sự phát triển của bóng đá Nhật Bản. Ảnh: Nikkei

Sự ra đời của J-League cộng thêm cái tâm của những người khát khao đưa bóng đá Nhật Bản ra thế giới đã được đền đáp. Chỉ trong vòng 5 năm, họ giành quyền tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ mất hơn 20 năm, bóng đá Nhật Bản đã vươn mình trở thành một siêu cường của bóng đá châu lục. Quan trọng hơn, nền bóng đá Nhật trở thành một mô hình lý tưởng, đáng để học tập cho những quốc gia đang phát triển môn thể thao vua.

Có rất nhiều điều để nói về bóng đá Nhật Bản, sự phát triển thần tốc của bóng đá mang đến những lợi ích khổng lồ không chỉ giành cho đất nước mặt trời mọc mà còn mang tính biểu tượng toàn cầu. Từ J-League cho đến World Cup, bóng đá Nhật Bản đang trở mình và hiện đại nhanh chóng. Từ việc xuất khẩu ngôi sao hay công tác đào trẻ cho đến đội ngũ HLV tâm huyết, nền bóng đá Nhật Bản đang cho thấy con đường tươi sáng để bắt kịp với sự hòa nhập của bóng đá thế giới.

Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của bóng đá Nhật bắt nguồn từ ý chí và tinh thần của những "chiến binh Samurai" trong lòng mỗi người dân Nhật Bản. Họ đã biết cách vượt qua khó khăn, biến những việc tưởng chừng rất khó thành có thể. Ít ai biết rằng, bóng đá Nhật mất hơn 130 năm vẫn ì ạch nhưng chỉ cần thay đổi tư duy, họ mất hơn 20 năm để có...5 lần liên tiếp dự VCK World Cup. Sự lao động cần cù, ham học hỏi cho đến ý chí kiên cường tạo nên một tính cách rất Nhật. Đến nay, không riêng gì J-League hay đội tuyển Nhật Bản, những ngôi sao bóng đá của đất nước xứ sở hoa anh đào đã mang tầm vóc và ý chí ấy vươn mình ra thế giới.

Bóng đá Nhật Bản - Sự chuyển mình của những chiến binh Samurai  - Ảnh 3.

Công tác đào tạo trẻ được chú trọng hàng đầu ở Nhật Bản. Trẻ em từ mọi lứa tuổi được thỏa sức đam mê chơi bóng và phát triển kỹ năng. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, công tác đào tạo trẻ luôn được những người đứng đầu bóng đá Nhật Bản quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều cầu thủ đi lên từ những trường đại học. Mô hình đào tạo giữa CLB chuyên nghiệp và các trường đại học đa phần giống nhau đến 90%. Điều đó giúp cho các cầu thủ ở trường Đại học, trung học chơi tốt và có tư duy không kém những cầu thủ xuất thân từ các lò đào tạo của các CLB chuyên nghiệp. Đơn cử, tham dự ASIAD 2018, Olympic Nhật Bản có tới 11 cầu thủ đến từ các trường Đại học. Ngạc nhiên không kém khi số tuổi của các học trò HLV Moriyasu Hajime chỉ là 19,6.

Mạng lưới đào tạo trẻ cho đến văn hóa truyện tranh phổ biến trong từng ngóc ngách. Không riêng gì ở Nhật Bản, bộ truyện Tsubasa gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều trẻ em trên thế giới đặc biệt là ở Việt Nam. Cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ biết đam mê và vượt qua khó khăn để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nó in sâu vào hàm thức cũng như tác động lên tinh thần và ý chỉ của đại bộ phận giới trẻ Nhật Bản. Thông qua những bộ truyện, phim hoạt hình, người Nhật khéo léo truyền cảm hứng cho lứa trẻ em đang bắt đầu hình thành sở thích cũng như truyền tải thông điệp về giấc mơ nâng tầm bóng đá của người lớn một cách gần gũi nhất.

Bóng đá Nhật Bản - Sự chuyển mình của những chiến binh Samurai  - Ảnh 4.

A. Wenger - một trong những HLV nổi tiếng nhất thế giới từng làm việc tại J-League. Chính môi trường làm việc ở J-League có lẽ đã tác động một phần để đưa ông trở thành một trong những HLV vĩ đại nhất thế giới. Ảnh: Football Times

Những ngôi sao nước ngoài thi đấu ở J-League cho đến Nhật Bản là một trong những quốc gia xuất khẩu cầu thủ nhiều nhất châu Á mang lại sự thành công cho bóng đá Nhật Bản. từ Zico, Podolsky, D. Forland, hay mới nhất là sự gia nhập của 2 ngôi sao từng vô địch thế giới: F. Torres và A. Iniesta khiến cho cả thế giới phải nhìn bóng đá Nhật bằng một con mắt hoàn toàn khác. Bỏ qua yếu tố tiền bạc, những chuyên môn mà những ngôi sao từng thi đấu ở đỉnh cao châu Âu sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bóng đá Nhật Bản. Sự kế thừa và học hỏi cho đến tinh thần võ sỹ đạo, tất cả dường như đang ủng hộ để nâng tầm bóng đá Nhật Bản.

Bóng đá Nhật Bản không thể phát triển nếu như thiếu những tác động mang tầm quốc tế. Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản là một trong những đội tuyển xuất sắc nhất châu Á. Họ đang nắm giữ kỷ lục 4 lần vô địch châu Á (1992, 2000, 2004, 2011). Đáng chú ý, khi thành tích của bóng đá Nhật Bản bắt đầu xuất hiện dày đặc khi họ thành lập J-League. Một sự trở mình ngoạn mục của bóng đá Nhật Bản.

Bóng đá Nhật Bản - Sự chuyển mình của những chiến binh Samurai  - Ảnh 5.

Một trong những chiến tích đáng tự hào nhất của bóng đá Nhật Bản là việc Vô địch World Cup bóng đá nữ thế giới 2011. Ảnh: BBC

Chiến tích trên trường quốc tế của nền bóng đá xứ sở hoa anh đào cũng rất đáng tự hào. Vô địch World Cup bóng đá nữ thế giới 2011 cho đến suýt tạo địa chấn ở World Cup 2018..Những ngôi sao của bóng đá Nhật Bản như Nakata,S. Kagawa, Endo, Keisuke Honda...thi đấu ở rất nhiều đội bóng châu Âu giúp cho bóng đá Nhật Bản ngày càng bắt kịp và hòa mình vào bóng đá thế giới.

Thông qua thành công của những ngôi sao đang thi đấu tại châu Âu, những người làm bóng đá Nhật Bản muốn gửi thông điệp tới tất cả rằng: "Có cố gắng và nỗ lực thì sẽ thành công". Đồng thời, sự trỗi dậy của những chiến binh Samurai xanh giúp cho nền bóng đá Nhật trở mình thành một thế lực không riêng gì châu Á mà hướng đến thế giới.