Khi tỷ phú người Mỹ Todd Boehly mua lại câu lạc bộ Chelsea từ tỷ phú Nga, Roman Abramovich vào mùa hè năm ngoái, người ta cho rằng chế độ chi tiêu điên cuồng định hình phong cách của Chelsea đã chính thức kết thúc.
Trong gần 2 thập kỷ, Abramovich chi tiêu như một người say xỉn, vung ra những khoản tiền chưa từng có trong lịch sử để xây dựng một đội bóng siêu hạng nhanh chóng trở thành thế lực của bóng đá châu Âu. Đội bóng của Abra hỗn loạn, lộn xộn nhưng lại rất thành công. 5 chức vô địch Premier League và 2 chiếc cúp Champions League đã có mặt trong phòng truyền thống The Blues dưới thời tỷ phú người Nga.
Tất cả những thành công đó đều tiêu tốn một lượng lớn tiền mặt, nhưng Abramovich không ngại tiêu, và lỗ rất nhiều đồng USD trên con đường chinh phục thành công. Dưới thời tỷ phú sinh năm 1966, Chelsea hiếm có lợi nhuận, câu lạc bộ đã thua lỗ gần 1 tỷ USD trong suốt hai thập kỷ Abramovich nắm quyền và phải phụ thuộc vào các khoản vay cá nhân khổng lồ từ túi tiền của ông để hoạt động.
Ai cũng nghĩ chắc chắn điều này không thể tiếp tục, chủ sở hữu mới của Chelsea sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thắt lưng buộc bụng, đồng thời tìm cách vận hành hiệu quả và có lợi hơn. Chelsea của Abramovich thường xuyên chi hơn 100 triệu USD cho cầu thủ trong một kỳ chuyển nhượng, Boehly sẽ phải chi tiêu ít hơn.
Nhưng tất cả những ai nghĩ vậy đều nhầm to. Kỷ nguyên Boehly còn hỗn loạn và lộn xộn hơn kỷ nguyên Abramovich. Ông chủ người Mỹ vừa hoàn thành cuộc chi tiêu lớn nhất lịch sử thể thao, đốt hơn 600 triệu USD mua cầu thủ trong 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất.
Chỉ trong tháng trước, ông đã chi ra 80 triệu USD cho một cầu thủ chạy cánh người Ukraine chưa từng chơi ở câu lạc bộ nào khác bên ngoài giải quốc nội, và 120 triệu USD cho tiền vệ tài năng người Argentina thi đấu chưa đầy 50 trận đỉnh cao.
Chelsea của Boehly chi tiêu thật điên cuồng. Nhưng điên cuồng có logic của nó, và đó là logic của một hệ sinh thái bóng đá châu Âu đang mất cân bằng một cách nguy hiểm. Hai năm trước, cổ động viên toàn châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng đã tụ tập để biểu tình phản đối việc thành lập “Super League” nhằm làm giàu cho các đội bóng lớn bằng tiền túi của người hâm mộ. Cơn thịnh nộ bùng phát từ cổ động viên đã buộc các nhà tài phiệt bóng đá châu Âu phải xếp kế hoạch của họ vào 1 xó.
Tuy nhiên, Super League vẫn còn nguyên ở đó, chỉ là nó tồn tại dưới hình thức của chính Giải Ngoại hạng Anh, giải đấu có sức mạnh kinh tế lấn át các nước láng giềng. Để so sánh, riêng Chelsea đã chi hơn 300 triệu USD mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 vừa qua, gấp gần 10 lần số tiền mà giải La Liga của Tây Ban Nha chi ra.
Kiểu chi tiêu như Chelsea hay rất nhiều đội bóng Anh tạo ra một hệ thống toàn cầu bất bình đẳng sâu sắc và nguy hiểm cho sức khỏe của môn thể thao vua.
Mặc dù chi tiêu hoang phí của Chelsea chiếm trọn các mặt báo trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa kết thúc, nhưng thực ra sự thống trị của giải Ngoại hạng Anh được thể hiện rõ nhất khi nhìn vào cuối bảng thay vì khu vực đầu bảng.
Nottingham Forest, hiện đang đứng thứ 13 nhưng ở rất gần khu vực xuống hạng, thu hút một loạt cầu thủ tên tuổi, bao gồm cả Keylor Navas, thủ môn đã giành 5 chức vô địch Champions League. Bournemouth, hiện đang đứng ở vị trí thứ 18 với 66% khả năng xuống hạng, có thể trả giá cao hơn AC Milan để chiêu mộ tiền đạo Zaniolo.
Ngay bây giờ, Premier League về cơ bản chính là Super League, một giải đấu mà đội bóng nhỏ như Bournemouth, với sân vận động chỉ 11.000 chỗ ngồi, bất ngờ đưa ra sân những cầu thủ mà vài năm trước còn thi đấu tại Champions League, nằm trong danh sách các ông lớn hàng đầu châu lục.
Cầu thủ chạy cánh người Ý cuối cùng đã không đến miền nam nước Anh, nhưng thương vụ không thành công này mang nhiều ý nghĩa. Một đội nằm trong khu vực xuống hạng của Premier League giờ đây có sức mạnh tài chính lớn hơn cả những gã khổng lồ của châu Âu.
Deloitte Money League, bảng xếp hạng sức mạnh tài chính của bóng đá châu Âu chỉ ra rằng: 11 trong số 20 câu lạc bộ giá trị nhất trong danh sách của họ đang thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh. AC Milan còn xếp sau West Ham United, đội đứng hạng 16 Ngoại hạng Anh và chỉ đứng trên Leicester City (hạng 14), Leeds (hạng 15) và Everton (hạng 19).
Công bằng mà nói, những thay đổi quyền lực địa lý này xảy ra thường xuyên. Giải Serie A của Italy thống trị bóng đá thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Tây Ban Nha là giải đấu lớn nhất thế giới trong thập niên 2010 khi có hai siêu sao thuộc hàng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Sở dĩ Premier League có thể chi tiêu một cách điên cuồng, bỏ xa các đối thủ một phần là nhờ COVID-19. Đại dịch khiến mọi giải đấu lao đao, còn Ngoại hạng Anh, dù ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng bức tranh chung là vẫn bình yên vô sự nhờ bản quyền truyền hình “siêu to khổng lồ" đã ký từ lâu. Bóng đá Ý đang trong tình trạng hỗn loạn còn La Liga vẫn bị dư chấn, một phần vì miếng bánh bản quyền truyền hình thiếu cân đối trầm trọng đã thống trị giải đấu cho tận đến những năm gần đây.
Sự chi tiêu điên cuồng ở Premier League tuân theo logic của một “con bạc”. Có quá nhiều tiền ở Premier League đến nỗi các đội bóng hạng trung bình khao khát tột cùng được ở lại giải đấu này. Do đó, họ bắt tay vào việc chi tiêu quá mức. Trụ lại giải đấu đồng nghĩa với sự khác biệt lên tới hàng trăm triệu USD, một khi xuống hạng thấp hơn, không có gì đảm bảo bạn sẽ sớm trở lại.
Nhưng đây là một trò chơi nguy hiểm. Chi tiêu hoang phí để cố gắng trụ hạng, nếu chẳng may xuống hạng, họ bỗng nhận ra ngân sách của mình ở mức rất cao còn doanh thu giảm đột ngột. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng gọi là “cơn lốc Sunderland”: một đội bóng nhiều năm chơi ở Ngoại hạng Anh, thường xuyên chi tiêu quá tay, đột nhiên rơi vào tình thế khó khăn, sa sút không phanh rồi xuống hạng. Everton, một trong những câu lạc bộ sáng lập Premier League, đang đi vào vết xe đổ của Sunderland trước đây.
Hầu hết giới thượng lưu bóng đá châu Âu đều là một mớ hỗn độn. Barcelona có thể đứng đầu La Liga, nhưng họ quản lý lộn xộn và nợ nần chồng chất, Juventus đại loạn, vừa bị trừ 15 điểm. Cả hai đội bóng thành Milan đều đang gặp khó khăn, Real Madrid cũng vậy. Những đội này vẫn chưa phục hồi sau đại dịch toàn cầu. Tình hình trong tương lai gần sẽ trở nên tồi tệ chứ không tốt hơn.
Những rủi ro của việc thiêu đốt tài chính là rất lớn. Chelsea có thể sẽ không bao giờ xuống Championship, nhưng việc chi 600 triệu USD mua cầu thủ trong một năm, trả lương cho họ cao ngất trời, ký hợp đồng dài hạn lên tới gần 1 thập kỷ mang lại rủi ro dài hạn, bất kể các thủ thuật kế toán thông minh được sử dụng. Câu lạc bộ chắc chắn sẽ bế tắc trong việc thanh lý các cầu thủ ăn lương cực cao, đá kém mà không muốn ra đi, như họ đang gặp phải với trường hợp Bakayoko.