Ở đất nước Brunei, bóng đá là môn thể thao được yêu thích. Tuy nhiên, trở thành một cầu thủ bóng đá lại không phải lựa chọn hàng đầu của người dân xứ này. Nguyên nhân vì mức thu nhập không hấp dẫn và triển vọng nghề nghiệp thấp. Cộng thêm sự thiếu đầu tư, bóng đá Brunei rất kém phát triển.
Trong lịch sử tham dự Sea Games, Brunei chỉ 3 lần giành chiến thắng, thành tích tệ nhất giải. Họ cũng ít có duyên với Việt Nam, khi phải đợi đến năm 2001 mới lần đầu chạm trán và thua 1-5. 3 lần gặp gỡ sau đó, Brunei nhận thêm 3 thất bại và 21 bàn thua.
Thật không may, Brunei lại chạm trán Việt Nam ngay trận mở màn Sea Games 30. Đó là một ngọn núi thực sự với đội bóng có biệt danh Tabuan Muda.
Tuy nhiên điều đó không ngăn cản Brunei mớ mộng. Nhiều người ở đất nước cách mũi Cà Mau của chúng ta 1.000 cây số có niềm tin mạnh mẽ rằng 2019 là năm của họ.
Lý do là cách đây 2 tháng, CLB DPMM, niềm tự hào của Brunei và đang chơi ở giải Ngoại Hạng Singapore, đã lên ngôi vô địch. Chiến tích này có thể được so sánh với việc Leicester đăng quang ở Premier League năm 2016. Và trong đội hình 20 cầu thủ tham dự Sea Games 30 của Brunei có đến 9 người thuộc biên chế DPMM.
Làm nên kỳ công của DPMM là HLV người Anh Ady Pennock.
Đừng cố lục lọi trí nhớ, bởi ngay cả khi bạn là người hâm mộ lâu năm của bóng đá Anh cũng không biết đến cái tên Ady Pennock. Khi còn là cầu thủ, đội bóng nổi tiếng nhất ông ta khoác áo là Bournemouth, nhưng khi ấy đội này đang chơi ở League Two, tức hạng 4.
Trước khi chuyển sang nghiệp huấn luyện và chủ yếu dẫn dắt các đội nghiệp dư ở Anh, Pennock đã làm công việc lau chùi cửa sổ để mưu sinh. Và thời điểm rời khỏi CLB hạng 5 Barrow năm 2018, ông đã nghĩ đến việc quay lại với công việc thả mình từ nóc các tòa nhà lớn bằng sợi dây cáp mỗi ngày để lau chùi cửa sổ.
Nhưng vào một ngày nọ, Pennock bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người xưng là đại diện của Thái tử Brunei, Al-Muhtadee Billah, cũng là chủ sở hữu DPMM. CLB này đang cần HLV và cầu thủ Zesh Rehman, vốn chơi dưới sự chỉ đạo của Pennock hồi còn khoác áo Gillingham đã đề cử ông thầy cũ.
Khi xác thực đề nghị này là thật, Pennock lập tức đáp máy bay đến Brunei. Và ở đó, ông như lạc vào thế giới khác.
"Tại Brunei tôi không dám ở ngoài đường lâu", Pennock kể với tờ The Sun, "Bên này đường hoàn toàn bình thường với cafe Starbucks, nhưng bên kia là 50 con khỉ và những chú rồng Komodo khổng lồ. Tôi cũng không muốn tham gia vào những chuyến đi chơi trong rừng vì rất nhiều rắn, đồng thời tránh xa bờ biển hay cửa sông vì đầy cá sấu nước mặn".
Nền văn hóa Hồi giáo cũng khiến Pennock bối rối. Vào các buổi tập, cầu thủ đột nhiên dừng lại để tiến hành nghi lễ cầu nguyện. Họ cũng không ăn trước các trận đấu nếu rơi vào tháng Ramadan. Bản thân Pennock cũng chịu nhiều áp lực khi mọi buổi tập và mọi trận đấu đều có Thái tử Al-Muhtadee Billah dự khán.
Lúc mới tiếp quản DPMM, Pennock chỉ dám đặt mục tiêu giúp CLB đứng giữa BXH. Vậy mà khi kết thúc mùa giải, đội bóng của ông lại trở thành nhà vô địch. Cùng các học trò, Pennock lái xe qua biên giới Malaysia để ăn mừng với… nước dừa có ga cùng nước ép trái cây, thay vì rượu mạnh.
Thật ra nếu Pennock có uống chút rượu chắc cũng không sao bởi vị thế của ông đã thay đổi với chiếc Cúp. Từ một gã thất nghiệp và cảm thấy việc lau chùi cửa sổ là cách duy nhất để kiếm sống, Pennock vụt biến thành người hùng của Hoàng gia cũng như đất nước Brunei, tạo nên câu chuyện đầy cảm hứng tại đất nước nhỏ bé nằm giáp Biển Đông.
Và hơn 400.000 dân bắt đầu mơ mộng, về một kỳ tích khác tại Sea Games 30.
Bạn nên quan tâm