Bốn nguyên nhân đằng sau thất bại của ĐT Đức

KHANG NGUYỄN , 11:53 29/06/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Nhà ĐKVĐ đến nước Nga với mục tiêu duy nhất là bảo vệ thành công chức vô địch. Bên cạnh Pháp, Tây Ban Nha và Brazil, các học trò của HLV Joachim Loew được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu với đội hình đồng đều, gồm nhiều cầu thủ ở đẳng cấp thế giới.

Tại Brazil bốn năm về trước, người Đức chỉ bị dẫn trước đúng 8 phút trong cả hành trình lên ngôi vô địch. Còn tại Nga năm nay, họ chỉ dẫn trước đối thủ được đúng 4 phút sau cả ba trận tại vòng bảng, đứng cuối ở bảng đấu gồm Mexico, Thụy Điển và Hàn Quốc. Có lẽ không người hâm mộ nào có thể tưởng tượng được viễn cảnh này trước khi giải đấu khởi tranh – ĐT Đức bị loại từ vòng bảng lần đầu tiên sau 80 năm.

Bỏ qua những vấn đề nội bộ ở ngoài sân cỏ đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí kể từ trận thua 0-1 trước Mexico ngày ra quân, có thể chỉ ra bốn nguyên nhân về mặt chuyên môn dẫn đến thất bại gây sốc của Die Mannschaft.

Sự bảo thủ của Joachim Loew

ĐT Đức đã vô địch Confederations Cup đúng một năm về trước cũng trên đất Nga với rất nhiều nhân tố mới phục vụ mục đích thử nghiệm cho những phương án khác nhau tại World Cup. Dấu ấn lớn nhất của Loew là việc ông đã sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ nhằm tạo nên những chuyển biến đề phòng công thức 4-2-3-1 đã đưa người Đức lên ngôi ở Brazil bị hóa giải.

Công thức chiến thắng năm 2014 bao gồm một tiền vệ hoạt động trục dọc là Khedira hoặc Schweinsteiger hỗ trợ Toni Kroos đóng vai trò kiến thiết lùi sâu. Kroos là một trong những người chơi hay nhất của Đức tại giải đấu năm ấy với nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống là luôn chuyển trong giai đoạn Đức chuyển tiếp từ phòng ngự sang tấn công. Mesut Oezil là chân chuyền hàng đầu thế giới đương thời, nhưng cần rất nhiều bóng để có thể tạo nên dấu ấn. Gián tiếp, sự ổn định của Kroos cũng ảnh hưởng đến phong độ của Oezil.

Bốn nguyên nhân đằng sau thất bại của ĐT Đức - Ảnh 1.

Vị chiến lược gia 58 tuổi đã có thể làm tốt hơn.

Hệ thống tương tự đã giúp Loew và các học trò vào đến bán kết EURO 2016, nhưng đội tuyển của ông cần thêm các phương án tấn công đa dạng hơn. Sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2 tại Confederations Cup được cho là lời giải, với sự tỏa sáng của các nhân tố mới như Leon Goretzka, Timo Werner hay Lars Stindl. 

Đức nguy hiểm hơn khi tấn công biên và có một nhân tố chuyên được dùng để khoét cánh ở cấp câu lạc bộ là Leroy Sane. Sự thử nghiệm đã đem đến chức vô địch cho người Đức, và quan trọng hơn là những phương án khác nhau để Joachim Loew sử dụng trong hành trình bảo vệ chức vô địch tại Nga.

Tuy vậy, vị HLV 58 tuổi quyết định sử dụng nguyên hệ thống từ 2014 trong cả ba trận đấu tại vòng bảng. Không một lần nào sơ đồ 3 hậu vệ được sử dụng, còn những công thần năm nào như Khedira hay Oezil thi đấu với phong độ kém cỏi và thiếu khát khao. Chỉ một nhân tố mới thử nghiệm một năm trước đó là Timo Werner được tin dùng, còn lại Goretzka chỉ được vào sân từ ghế dự bị, Stindl hay Sane thì không được lên chuyến bay sang Nga. 

Nhìn sang một đối thủ không đội trời chung là ĐT Anh, Tam Sư đang thi đấu rất hay với sơ đồ 3 hậu vệ mới mẻ. Liệu ĐT Đức đã có thể thi đấu khởi sắc hơn nếu Joachim Loew đặt sự tin tưởng vào những nhân tố trẻ trung hơn và một hệ thống tạo ra nhiều đột biến hơn?

Sự phụ thuộc vào Toni Kroos

Bốn nguyên nhân đằng sau thất bại của ĐT Đức - Ảnh 2.

Khi Kroos không thể chơi đúng phong độ, ĐT Đức ắt gặp khó khăn.

Như đã đề cập, tiền vệ mang áo số 8 đóng vai trò rất quan trọng trong cách ĐT Đức vận hành lối chơi. Khi không được chơi cạnh một cầu thủ hỗ trợ tốt như Schweinsteiger năm nào hay như người đồng đội Casemiro ở Real Madrid, còn Khedira đã xuống phong độ, Kroos không thể chơi với đúng đẳng cấp của mình.

Ở trận thua Mexico, HLV Osorio sử dụng Carlos Vela rồi Guardado theo kèm Kroos rất rát, khiến ĐT Đức gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai bóng. Những đường lên bóng được dồn sang bên phải thông qua Joshua Kimmich, và cả một Thomas Mueller chơi tệ hại và không tạo được dấu ấn nào. 

ĐT Thụy Điển cũng áp dụng phương pháp tương tự với Kroos và khiến anh mắc sai lầm với đường chuyền hỏng thẳng vào chân đối phương, dẫn đến bàn mở tỉ số của Toivonen cho Thụy Điển. Dẫu có một siêu phẩm đem về chiến thắng cho đội nhà, sự phụ thuộc vào Kroos khi anh bị phong tỏa khiến Đức gặp khó khăn khi triển khai trong cả ba trận đấu.

Hậu vệ cánh dâng quá cao

Có thể thấy, hai hậu vệ biên của Đức chủ yếu hoạt động ở nửa bên phần sân của đối phương, đặc biệt là Joshua Kimmich. Xuất thân là tiền vệ trung tâm, cầu thủ của Bayern Munich có ý thức chiến thuật cao, khả năng leo biên và chuyền bóng tốt, đồng thời thường xuyên xâm nhập vòng cấm địa của đội bạn để dứt điểm hoặc đưa bóng vào cho đồng đội.

Màn thể hiện ấn tượng trước Real Madrid tại bán kết Champions League là một ví dụ tiêu biểu cho lí do anh được coi là người thừa kế vị trí hậu vệ phải mà cựu đội trưởng Philipp Lahm để lại.

Bốn nguyên nhân đằng sau thất bại của ĐT Đức - Ảnh 3.

Việc Kimmich dâng lên quá cao đã trực tiếp khiến người Đức thất bại trước Mexico.

Chính nhờ khả năng chuyền bóng của mình, Kimmich trở thành một phương án luân chuyển bóng từ bên cánh phải. Anh thường xuyên chọn vị trí cao bên phần sân của Mexico, và vô tình để lại khoảng trống mênh mông để các cầu thủ tấn công của Mexico khai thác. 

Trong khi đó, Mats Hummels là trung vệ lệch phải thì chậm chạp trong tốc độ và khả năng xoay sở. Rất nhiều cơ hội phản công được mở ra cho các cầu thủ tấn công của đại diện đến từ Bắc Mỹ, để rồi một trong số đó trở thành bàn thắng duy nhất khi Hirving Lozano sút tung lưới Manuel Neuer. 

Ở hai trận đấu còn lại, trong tình thế mà người Đức bắt buộc phải dâng cao tấn công, những khoảng trống tương tự ở hành lang phải lại xuất hiện.

Thiếu một tiền đạo mục tiêu

Miroslav Klose trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử World Cup tại Brazil bốn năm trước với tổng cộng 16 bàn thắng qua bốn kì World Cup. Anh đóng góp hai bàn trong hành trình vinh quang của đội nhà. Không chỉ sắc bén trong dứt điểm, Klose còn rất giỏi trong việc hút hậu vệ đối phương và tạo khoảng trống cho đồng đội di chuyển.

Thomas Mueller hẳn sẽ rất nhớ người đàn anh khi tiền đạo cắm được Loew lựa chọn tại giải năm nay, Timo Werner là mẫu cầu thủ giỏi tận dụng khoảng trống từ đồng đội hơn là thu hút cầu thủ đối phương. Cầu thủ mang áo số 9 thường xuyên đá cắm trong sơ đồ 4-4-2 ở cấp CLB.

Bốn nguyên nhân đằng sau thất bại của ĐT Đức - Ảnh 4.

Joachim Loew có nhớ Sandro Wagner?

Khi chơi cắm trong sơ đồ 4-2-3-1 trên tuyển, anh không giỏi làm tường hay tì đè hậu vệ đối phương còn khoảng trống thì không có nhiều để tận dụng. Đói bóng, Werner thường xuyên dạt biên nhưng không đem lại hiệu quả cho các phương án tấn công.

Trong tình thế như vậy, chắc hẳn Joachim Loew phải nhớ Sandro Wagner, người đã ghi đến 5 bàn sau 8 trận tại vòng loại World Cup, góp công không nhỏ đưa "Những cỗ xe tăng" đến với nước Nga. Wagner rất giỏi làm tường và không chiến, và đã có thể là chìa khóa để mở ra khoảng trống nhiều hơn cho Reus và Mueller đồng thời giúp Kroos và Oezil có thêm nhiều phương án chọc khe. 

Khả năng đánh đầu cũng là vũ khí của Wagner để giúp đội nhà trong tình huống cần phá vỡ thế bế tắc. Trong tay của ông Loew còn Mario Gomez cũng là một tiền đạo mục tiêu được lựa chọn dựa vào kinh nghiệm, nhưng lão tướng này đã qua thời đỉnh cao và không gây được nhiều khó khăn cho hậu vệ đối phương khi được vào sân.