Tiền vệ huyền thoại Nguyễn Hồng Sơn có hai biệt danh được nhiều người biết đến nhất là "lợn" và "công chúa". Số là hồi nhỏ mỗi khi đá bóng, ông được người nhà chuẩn bị một cặp lồng cơm trong đó có nhiều thịt lợn, thế là thành biệt danh đầu tiên.
Với biệt danh thứ hai, Hồng Sơn sinh ra trong gia đình khá giả ở Hà Nội. Bố mẹ ông làm chủ tiệm áo cưới nổi tiếng. Giai thoại kể lại, Hồng Sơn có một lần thử mặc váy cô dâu, từ đấy mà ra biệt danh Sơn "công chúa".
Danh thủ Hồng Sơn có biệt danh "công chúa". Ảnh: Quang Minh.
Thế nhưng, biệt danh của Hồng Sơn vẫn còn nhẹ nhàng so với nhiều cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt trong quá khứ.
Tiền đạo huyền thoại Lê Huỳnh Đức, nay làm HLV trưởng CLB Đà Nẵng, có biệt danh Đức "ghẻ". Theo lời kể của đồng đội cũ, Huỳnh Đức có "nickname" từ hồi ở trường Năng khiếu TPHCM do thường xuyên bị ghẻ ngứa. Thời ấy, bóng đá chưa được như ngày nay, việc các cầu thủ trẻ phải sinh hoạt trong điều kiện ăn ở thiếu thốn, kém vệ sinh vẫn là điều ám ảnh. Các bệnh ngoài da vì thế có cơ hội hoành hành nhiều.
Trong khi đó, hậu vệ cánh nổi tiếng một thời Phạm Minh Đức thì có biệt danh "đổ bô". Giải thích sát nhất cho điều này là liên quan đến chuyện con cái nhưng trong những câu chuyện bên lề, nhân vật chính chưa có dịp được giải thích tường tận.
HLV Phạm Minh Đức, Lê Huỳnh Đức là những cựu cầu thủ có biệt danh gây ngại ngùng nhất của bóng đá Việt Nam. Ảnh: VFF - Sport5.
Ông Phạm Minh Đức là hậu vệ cánh rất hay từng thi đấu ở đội tuyển Việt Nam và CLB HAGL. Sau này, ông làm công tác đào tạo trẻ ở Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC), có giai đoạn ngắn làm HLV trưởng đội bóng thủ đô đầu mùa giải 2016 nhưng không thành công. Hiện tại, HLV Phạm Minh Đức đang dẫn dắt Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại V.League 2020.
Về chuyện biệt danh, các cầu thủ thường được gắn theo các loài vật do có điểm tương đồng. Ví dụ, khỏe như Hoàng "bò" (Trọng Hoàng), Trường "trâu" (HLV Ngô Quang Trường). Cả hai đều là những cầu thủ sở hữu nền tảng thể chất tuyệt vời, thi đấu xông xáo, không ngại va chạm trong trận.
Cựu thủ môn Dương Hồng Sơn, người từng giành Quả bóng vàng Việt Nam 2008, thì có biệt danh Sơn "milu". Hồng Sơn đam mê nuôi chó, con nào con nấy đều đặt tên là "milu" nên khó tránh khỏi bị gán ghép. Đồng thời, cá tính mạnh, gương mặt dữ dằn của Hồng Sơn trên sân cũng khiến nhiều tiền đạo e dè. Biệt danh từ đó mà ra nghe cũng rất hợp lý.
Ở thế hệ hiện tại, bóng đá Việt Nam có Trọng "ỉn" (trung vệ Đình Trọng), Chung "chó" (trung vệ Thành Chung),…
Hai anh em thân thiết Đình Trọng, Duy Mạnh đều có biệt danh là "ỉn". Ảnh: Hiếu Lương.
Ngoài cách đặt biệt danh trên, giới cầu thủ còn được ghép với tên phụ huynh, đặc biệt là tên bố hay đặc điểm cơ thể hoặc khi thi đấu. Nổi tiếng có trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng, con trai huyền thoại Nguyễn Trọng Giáp, nên được gọi là Dũng "Giáp". Gia đình bóng đá của ông Văn Sỹ Chi có 3 người con lần lượt là Hùng "Chi", Sơn "Chi", Linh "Chi". Trong số này, hai cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn được nhiều người biết đến, gắn bó với công tác đào tạo trẻ, trợ lý HLV tại Hà Nội FC.
Với đặc điểm thi đấu, chi tiết cơ thể, bóng đá Việt Nam có Lương "dị" (tiền vệ Thành Lương), Tuấn Anh "nhô" (tiền vệ Tuấn Anh) do có kỹ thuật cao nên được so sánh với danh thủ Brazil Ronaldinho. Ngoài ra, Trường "híp", Huy "râu", Mạnh "gắt", Hải "con",… cũng là những biệt danh được nhiều người hâm mộ biết tới.
Bạn nên quan tâm