Vụ bê bối của Mason Greenwood và Phil Foden, hai sao trẻ sáng giá của nước Anh hiện tại, là lời cảnh báo cho nền tảng đạo đức của các cầu thủ tuyển Anh. Nhiều ngôi sao chưa thành tài nhưng đã thành tật, khiến họ không bao giờ đạt tới đẳng cấp cao nhất.
Bài học cho Greenwood, Foden
Hình ảnh của Greenwood và Foden xuất hiện tràn ngập trên mặt báo Anh tối qua (8/9), nhưng không phải với những lời chúc tụng cho lần đầu thi đấu cho tuyển Anh của bộ đôi này.
Cả hai bị HLV Gareth Southgate loại khỏi đội tuyển Anh do vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh và quy tắc đạo đức cầu thủ khi thi đấu quốc tế, do tự ý dắt gái về khách sạn đội tuyển trong thời gian tập trung ở Iceland để thi đấu tại Nations League.
"Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng. Chúng tôi phải hành động nhanh chóng để tránh xảy ra điều gì đáng tiếc", HLV Southgate chia sẻ. Chiến lược gia của tuyển Anh cũng nói Greenwood và Foden quá "ngây thơ", khi chưa khẳng định tài năng nhưng đã bắt đầu bộc phát thói xấu.
Thực tế, cả Greenwood và Foden đều là những "sao mai" đầy hứa hẹn, được xây dựng làm hạt nhân tương lai của tuyển Anh. Greenwood tiến bộ vượt bậc, chiếm suất đá chính và ghi 17 bàn cho Manchester United mùa trước. Foden ghi ít bàn hơn, nhưng anh được HLV Pep Guardiola cho đá chính nhiều và chơi chững chạc.
Dù vậy, cả hai "bảo vật" của bóng đá Anh lại sa ngã đúng thời điểm được mong chờ nhất. Bê bối của Greenwood và Foden chưa đóng sập cánh cửa lên tuyển lần nữa của bộ đôi này, nhưng nó khiến hình ảnh của hai cầu thủ méo mó đi nhiều.
Có khả năng, Foden và Greenwood sẽ bị CLB chủ quản trừng phạt khi MU, Man City đã đồng loạt lên tiếng. Người phát ngôn của Man City cho biết hành vi của Foden là "không phù hợp" và "thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn mong đợi của một cầu thủ Man City và tuyển thủ Anh". Với MU, đội bóng này cho biết đang "liên lạc với FA và rất thất vọng với hành động của Greenwood".
Đây là bài học quá đắt cho cả hai. Nếu không nhanh chóng sửa chữa, Greenwood và Foden dễ rơi vào con đường sa ngã giống nhiều đàn anh trước đây.
Bóng đá Anh và những ngôi sao lắm tài, nhiều tật
"Có một cái gì đó rất kì lạ và hấp dẫn tỏa ra từ cậu ấy. Có lẽ đó là sự dễ tổn thương. Bạn sẽ cảm thấy mình có thể muốn trở thành một người cha hay anh trai của cậu ấy. Bạn có thể muốn bắt tay hoặc cho cậu ấy một cái ôm", Sir Alex Ferguson tiếc nuối khi không thể mang một tài năng lớn về MU lúc bây giờ.
Cái tên ông nhắc đến là Paul Gascoigne, tiền vệ tấn công hào hoa, xuất chúng một thời của bóng đá Anh. Gascoigne lọt vào đội hình tiêu biểu giải Anh ở tuổi 20, được nhiều CLB lớn săn đón, nhưng kết cục là phải sống hơn nửa cuộc đời trong khổ đau do chứng nghiện rượu.
"Lắm tài nhiều tật" là điểm chung của nhiều ngôi sao bóng đá. Với cầu thủ Anh, cái tật càng dễ sinh sôi nảy nở trước cái tài khi truyền thông Anh có xu hướng khuếch đại tài năng cầu thủ so với giá trị thật của họ.
Khi báo chí Anh khen ngợi Jack Wilshere - thần đồng một thời của Arsenal, HLV Guardiola nói luôn: "Ở Tây Ban Nha, chúng tôi có 100 cầu thủ như Wilshere. Cậu ta chỉ nổi tiếng vì là người Anh". Lời cảnh báo của Guardiola hoàn toàn đúng. Sau khi được ca ngợi lên mây, Wilshere đã ngã xuống đất đau đớn.
Chấn thương cùng lối sống phóng túng, buông thả khiến Wilshere rơi tự do, không còn tìm thấy đường về bóng đá đỉnh cao như đàn anh Gascoigne năm nào.
Tuyển Anh gây sốt khi lọt vào bán kết World Cup 2018 với đội hình trẻ trung và nhiều cầu thủ ít người biết tới. Tưởng như HLV Southgate sẽ có lứa cầu thủ đầy tài năng, thay thế cho thế hệ đàn anh chỉ gây thất vọng trước đây, thì một số tuyển thủ đang bắt đầu "có vấn đề".
Trung vệ Harry Maguire để lại ấn tượng xấu khi đánh cảnh sát Hy Lạp và chuẩn bị phải hầu tòa. Hậu vệ Kyle Walker vừa lên mạng kêu gọi người dân ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, vừa... thuê gái đẹp về nhà để vui chơi cùng chiến hữu.
Cùng với bê bối của Foden và Greenwood, tuyển Anh sẽ phải tự nhìn lại.
Bạn nên quan tâm