Ở bóng đá cấp độ quốc tế, tính kỉ luật và đoàn kết cùa một ĐTQG là điều tối quan trọng để giành được những thành công. Đặc biệt khi các tuyển thủ không có nhiều thời gian tập trung chơi bóng cùng nhau. Hãy nhìn vào những trường hợp của ĐT Iceland tại EURO 2016 hay nhà ĐKVĐ thế giới Pháp tại World Cup 2018 như những ví dụ tiêu biểu.
Trong quá khứ, môi trường của tuyển Việt Nam trong nhiều thời kì từng có không ít chia rẽ ở cả cấp độ đội bóng cho đến lãnh đạo. Nhưng có thể thấy rõ rằng, đội bóng trẻ trung của 2018 là một tập thể đã chinh chiến cùng nhau với tinh thần: "Tất cả vì một mục tiêu chung". Không dựa dẫm vào một cá nhân nào về lối chơi, cùng nhau giữ được sự ổn định trong những thời khắc căng thẳng nhất, sẽ là không quá nếu nói chính thứ tinh thần ấy đã đưa Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á.
ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 mà không để thua một trận đấu nào. Hàng phòng ngự chắc chắn và hàng công có nhiều chuyển biến giúp nhà tân vương ghi được 15 bàn thắng, đồng thời chỉ để thủng lưới 4 lần trong suốt hành trình. Điều quan trọng nhất là Việt Nam đã giữ được sự tự tin cùng tính ổn định trong lối chơi từ vòng bảng đến bán kết và chung kết.
Nhìn sang ĐT Thái Lan, với những chiến thắng tưng bừng trước Timor Lester hay Indonesia, phần đông người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á cho rằng chức vô địch không nằm ngoài tầm tay của đội bóng xứ chùa vàng. Nhưng sự hiệu quả của đoàn quân HLV Milovan Rajevac chợt biến mất ở hai lượt bán kết gặp ĐT Malaysia. HLV Park Hang-seo, trong khi đó, luôn đem đến nhiều bất ngờ cho đối thủ từ hệ thống 3-4-3 đầy chuyển biến của mình.
Ở tuổi 33, ai cũng nghĩ tiền đạo Anh Đức đã hết thời. Anh chứng minh điều ngược lại bằng bốn bàn thắng, trong đó có cú vô lê được ví như siêu phẩm của Zinedine Zidane vào lưới Malaysia trong trận chung kết lượt về. Cũng chính anh là người đã ấn định chiến thắng cho Việt Nam trước chính Malaysia ở vòng bảng khi đội nhà chỉ cầm được 31% thời lượng kiểm soát bóng.
Những đường phản công đầy biến hóa là thứ vũ khí quan trọng nhất giúp ĐTVN kết liễu đối phương ở tất cả các trận đấu. Ngoài Anh Đức, Đức Chinh và Tiến Linh là hai tiền đạo khác giúp ông Park có những phương án khác nhau tùy vào tình hình của trận đấu. Văn Đức, Công Phượng và đặc biệt là Quang Hải đều đã có một giải đấu xuất sắc. Tất cả giúp Việt Nam trở thành ĐT khó lường và đáng xem nhất tại giải.
Sir Alex Ferguson từng nói: "Tấn công tốt giúp bạn ghi bàn, còn phòng thủ tốt giúp bạn giành được những danh hiệu." Nhiều người đã ví hàng thủ ĐT Việt Nam như một bức tường thép sau chiến tích không để thủng lưới bàn nào tại vòng bảng. Sau 4 trận bán kết và chung kết, Việt Nam chỉ để thủng lưới 4 lần.
Nhờ vào hệ thống 3-4-3 hiện đại, Việt Nam trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết khi phòng thủ. Ngọc Hải, Đình Trọng và Duy Mạnh là bộ ba bọc lót cho nhau đầy ăn ý. Cầu thủ tấn công của đối phương hiếm khi nào ở trong tính thế đối mặt được với thủ thành Đặng Văn Lâm. Trên thực tế, 4 bàn thua của Việt Nam tại giải đều đến từ những tình huống cố định và bóng bổng. Đây là điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam những năm qua và cần phải cải thiện khi Asian Cup 2019 đang đến gần.
Hệ thống chiến thuật trên cũng giúp Văn Hậu và Trọng Hoàng thảnh thơi hơn trong nhiệm vụ phòng ngự và có nhiều cơ hội băng lên hỗ trợ tấn công. Ngoài ra, thủ thành Văn Lâm cũng đã có giải đấu xuất sắc với những pha cứu thua đặc biệt ấn tượng ở hai trận chung kết gặp Malaysia.
ĐT Thái Lan và Philippines có thể không gọi về những trụ cột đang thi đấu ở nước ngoài, nhưng khó có thể nói rằng bóng đá Việt Nam thua kém sau những chiến tích trong năm nay.
Việt Nam là đội đứng đầu Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA với vị trí thứ 100 thế giới. Đồng thời, chiến thắng trước Malaysia cũng giúp ĐTQG nâng chuỗi trận bất bại lên con số 16, đứng đầu thế giới sau khi ĐT Pháp để thua trước Hà Lan vào tháng 11.
Có thể nói, màn trình diễn của các đại diện Đông Nam Á tại Asian Cup 2019 vào tháng 1 tới sẽ là thước đo để đánh giá đội tuyển mạnh nhất khu vực. Nhưng hiện tại, không có ai xuất sắc bằng ĐT Việt Nam!