HLV liệu có thể tạo ra "phép màu" một lần nữa cho bóng đá Việt Nam? (Ảnh: Tiến Tuấn)
Với thành công vang dội tại vòng chung kết U23 châu Á cùng đội tuyển U23 Việt Nam đầu năm 2018, huấn luyện viên Park Hang-seo lại một lần nữa là cái tên "hot" ở xứ sở kim chi sau chiến tích 16 năm trước cùng Hàn Quốc vào tới bán kết World Cup. Ngôi vị á quân châu lục dù là ở cấp độ U23 cũng là một thành công ngoài sức tưởng tượng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Và trong vinh quang đó, vai trò của huấn luyện viên Park Hang-seo ở cách dụng binh cũng như khích lệ tinh thần cầu thủ được thể hiện rất rõ nét. Trong suốt giải đấu, truyền thông Hàn Quốc liên tục gọi nhà cầm quân sinh năm 1959 là "Guus Hiddink" của Việt Nam. Đây là một cách ví von nhằm liên hệ với những "phép màu" mà "thầy phù thủy Hà Lan" tạo ra cho bóng đá Hàn Quốc, khi đó thầy Park làm trợ lý cho vị chiến lược gia tới từ vùng đất thấp.
Trong bài viết tên "Phép màu thứ hai của HLV Park Hang-seo hay tấm huy chương vàng cho Son Heung-min" trên KBS News có đoạn: "Ông ấy là người hùng của bóng đá Việt Nam. Ông đã làm một điều không tưởng, tạo ra phép màu và sau đó được nhận huân chương từ Chính phủ Việt Nam. Huấn luyện viên Park gây ngạc nhiên khi nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái. Đó là một tin tức bất ngờ vì lúc đó ông đang là huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ Changwon City.
Tuy nhiên, huấn luyện viên Park Hang-seo đã khiến tất cả bị sốc sau 3 tháng bằng ngôi á quân của đội tuyển U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á tổ chức tạiTrung Quốc tháng 1 năm nay. Đó là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào trận chung kết của một giải đấu chính thức của AFC. Dù thất bại 1-2 trước Uzebkistan trong trận đấu cuối cùng nhưng ngôi á quân chính xác là một điều kỳ diệu của Việt Nam".
Dù vậy, người viết bài trên cũng đặt câu hỏi nghi ngờ khả năng thầy Park có thể lặp lại thành tích này ở ASIAD sắp tới. "Đó là một niềm hân hoan khó tả," Tác giả chia sẻ. "Ông ấy đã tạo ra một huyền thoại bằng cách viết nên kỷ lục mới chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cả đất nước đã phát cuồng vì thành công này.
Và lúc này huấn luyện viên Park đang đi tìm tấm huy chương đầu tiên ở một kỳ Á vận hội. Ở giải đấu vào tháng tới tại Jakarta – Palembang (Indonesia), Việt Nam nằm ở bảng D cùng Nhật Bản, Pakistan và Nepal. Tuy nhiên ngay cả khi vẫn là lứa tuổi U23 nhưng Á vận hội là một giải đấu hoàn toàn khác biệt. Bên cạnh đó, Nhật Bản là một đội bóng rất mạnh".
Áp lực đặt lên HLV Park Hang-seo cùng các học trò lúc này là rất lớn (Ảnh: Tùng Lê)
Bên cạnh những câu hỏi về thành tích, tác giả cũng chỉ ra rằng từ kể từ khi nắm quyền tại đội tuyển Việt Nam, một trong những thành công lớn nhất mà thầy Park làm được là quản lý thể lực cho các cầu thủ. Quả đúng như vậy, chiến lược gia người Hàn Quốc trước đây từng nhận định rằng cầu thủ Việt Nam có phần thân trên mỏng nên dẫn đến dễ mất nhiều thể lực. Chính vì thế, ông đã rất chú tâm tới việc cải thiện về cơ bắp cho các học trò. Ngoài ra chế độ ăn uống cũng được đảm bảo duy trì nghiêm ngặt với sữa, đậu, cá, thịt và các thức ăn giàu protein.
Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 2018 lần này, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng mời vị bác sĩ thể thao nổi tiếng của xứ sở kim chi, ông Choi Ju-young, tới hỗ trợ. Bác sĩ Choi Ju-young, hiện đang làm việc tại Trung tâm phục hồi chức năng thể thao Hàn Quốc, chính là người từng hỗ trợ đội tuyển nước này tại World Cup 2002, điều trị cho cựu danh thủ Park Ji-sung và vài tháng trước ông đã có mặt ở Pleiku để trực tiếp kiểm tra tình hình chấn thương của tiền vệ Tuấn Anh (Hoàng Anh Gia Lai).
KBS News dẫn lại lời chia sẻ của bác sĩ Choi: "Tôi đã nhận được một cuộc gọi từ Việt Nam để xem xét trường hợp các cầu thủ bị chấn thương và điều kiện thể lực của họ".
Theo kế hoạch, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ chở về Hà Nội vào ngày 1/8 để chuẩn bị cho giải Tứ hùng (diễn ra từ 3-8/8) sau 1 tuần tập luyện ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF (Hưng Yên). Sau đó, toàn đội sẽ di chuyển vào Bình Dương tập huấn trước khi lên đường tới Indonesia tham dự ASIAD 2018. Tại kỳ Á vận hội lần này, thầy trò HLV Park Hang-seo nằm ở bảng D cùng với Nhật Bản, Pakistan và Nepal.